Tổ chức xã hội của người Hoa

Một phần của tài liệu tiểu luận Vai trò của người Hoa đối với sự phát triển của vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (Trang 43 - 48)

So với các nước trong khu vực và trên thế giới, quá trình hình thành và phát triển các tổ chức hội đoàn người Hoa ở Việt Nam về cơ bản giống với quá trình hình thành các tổ chức xã hội ở Đông Nam Á. Tuy nhiên do

đặc thù của lịch sử Việt Nam, quá trình hình thành và hoạt động của các tổ chức này cũng có một số khác biệt đáng kể.

Sự khác biệt đó theo nguồn tài liệu của Trung Quốc cũng như nguồn tài liệu của Việt Nam thì hình thức liên kết của những người Trung Hoa di cư xuất hiện ở Việt nam sớm hơn so với một số nước trong khu vực. Đó là các tổ chức “Minh hương xã” và về sau là các bang Hoa kiều.

Trước hết, là các Minh Hương xã. Trịnh Hoài Đức có viết: “Từ đó ở Trấn Biên thì lập ra xã Thanh Hà rồi ghép vào sổ hộ tịch. Hiện nay xã Minh Hương thuộc Quận 5. Cụ thể là địa phận nằm giữa đường Marins (Trần Hưng Đạo ngày nay) với mé rạch Chợ Lớn là nơi trú ngụ của người Minh Hương. Họ là tau lai ăn mặc theo lối ta và hợp thành một xã đặc ân” [9; 12]. Có nhiều ý kiến về xã Minh Hương, Gustare Huê cho rằng: “Minh Hương xã là những người trung thành với nhà Minh đến Việt Nam ngay từ khi nhà Thanh chiếm quyền” [37;13]. Trong khi đó A. Schrerner lại cho rằng: “Minh Hương là sự thông hôn giữa đàn bà Việt Namvà di dân nhà Minh chạy sang Giao Chỉ vào cuối thế kỉ XVIII” [37;13]. Đào Minh Nhất lại có cách nói hết sức dễ hiểu: số là người Tàu sang làm ăn bên nước ta không mấy đem theo vợ con, sang bên này mới lấy vợ An Nam thường triều đình ta định lệ rằng hễ người nào do bố khách (Trung Hoa) mẹ An Nam đẻ ra thì tức đấy là dân An Nam, bắt đầu tụ họp thành ra làng riêng gọi là Minh Hương – làng của người nhà Minh bất cứ dân lai khách ở chỗ nào cũng có thể lập thành làng Minh Hương được cả, hễ ở đâu thì lập thành làng ở đó.

Tựu chung lại, có thể hiểu dân Minh Hương thời kì này là người Hoa còn trung thành với nhà Minh phải đi lánh nạn nhà Thanh nên đến Việt Nam. Việt Nam là quê hương thứ hai của họ. Họ định cư và nhập tỉnh vào Việt Nam song vẫn còn giữ nhiều phong tục tập quán văn hoá Trung Hoa. Cộng đồng này tương đối ổn đ ịnh và đã hội nhập vào cộng

đồng người Việt Nam được chính quyền phong kiến Đàng Trong xem là thần dân của mình.

Làng Minh Hương về cơ bản cũng giống như các làng khác ở Việt Nam, là một tổ chức hành chính, cơ sở của phong kiến Việt Nam. Song có một số tên gọi các chức sắc trong làng khác với làng người Việt. Theo tài liệu Hán Nôm tỉnh Vĩnh Long, năm Thái Đức thứ 6 (1783) người đứng đầu xã Minh Hương ở Vĩnh Long được gọi là Trùm. Ví dụ Trùm Mạc Tu Thịnh, Trùm Liên Tiến Phương. Tới năm Minh Mệnh thứ tư (1823) người đứng đầu xã mới gọi là xã trưởng. Các viên chức trong xã có: xã phó, hương thủ, trị sự, tri khách, dịch mục. Hương chức gồm hương chủ, hương lễ. Trong đó hương chủ là những người có uy tín nhất trong xã, thường làm xã trưởng vài ba khoá tới lúc cao tuổi được dân xã tín nhiệm bầu vào chức này với tư cách là một cố vấn cho xã Hương lễ cũng là một người cao tuổi được xã tín nhiệm trong việc điều hành hoạt động của các đình chùa, hội quán. Nhận thấy rằng dù tên gọi các viên chức trong xã Minh Hương không hoàn toàn giống với tên gọi các viên chức trong các làng xã ở Nam Bộ bấy giờ song điều đó không làm ảnh hưởng tới tính chất cộng đồng của cơ cấu làng xã Việt Nam. Nó cũng là đơn vị dân cư tương đối độc lập, tự trị về kinh tế và văn hoá. Mối liên hệ chủ yếu với chính quyền sở tại là hàng năm phải thống kê dân số, nộp thuế và thi hành nghiêm chỉnh các yêu cầu sưu dịch.

Có thể thấy, xã Minh Hương được coi là một trong những làng xã Việt Nam song lại đậm tính cổ truyền Trung Hoa. Ở đây có sự hội nhập văn hoá Việt – Hoa một cách tương đối.

Về sau, năm 1787 nhà Nguyễn cho thành lập các bang của người Hoa (Hoa Kiều). Trên thực tế và cả ngay về mặt tâm lý, rất khó phân biệt hai loại người Hoa này vì đặc điểm chung của họ là một mặt thì đã xâm nhập vào Việt Nam và sống hoà lẫn với nhân dân nơi họ sinh cơ lập

nghiệp. Mặt khác họ vẫn giữ hầu hết các truyền thống, phong tục tập quán lâu đời riêng biệt của họ.

Các bang Hoa kiều ra đời trên cơ sở tập trung những người Hoa có cùng ngôn ngữ địa phương như: bang Quảng Châu, bang Phúc Kiến, bang Triều Châu, bang Hải Nam. Thực chất, bang là một tổ chức quản lý người Hoa mang tính chất tự quản, độc lập với nền hành chính địa phương. Nếu như người Minh Hương là những người Hoa đã nhập quốc tịch Việt, đôi khi buộc phải ăn mặc theo người Việt thì bang vẫn được hưởng nhiều đặc quyền trong sinh hoạt, thủ tục hành chính đơn giản, bãi miễn việc kiểm soát cư trú, thuế khoá giảm nhẹ hơn. Tính tự trị của các bang được đề cao. Bên cạnh cơ sở ngôn ngữ, nguồn gốc địa phương, các bang có khi được thiết lập theo nhu cầu về quan hệ thân tộc và huyết thống. Đây là mối quan hệ xã hội truyền thống khá bền chặt và sâu sắc. Ban đầu Nguyễn Ánh lập ra bốn bang. Về sau số lượng các bang có sự thay đổi, tăng giảm chút ít, có khi lên tới 7 bang, có khi xuống còn 5 bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và He (gồm những người Hoa không thuộc các nhóm ngôn ngữ trên).

Về phương thức quản lý của bang: Khá đặc biệt, khác hẳn với xã Minh Hương. Đứng đầu mối bang là một bang trưởng và một bang phó. Bang trưởng và các thành viên trong bang quản trị do các thành viên trong bang chọn phải được chính quyền thông qua. Thường bang trưởng phải là người có tài sản, có sự am hiểu và biết cách giao du rộng rãi. Vì bang trưởng này không có thù lao hay lương như một viên chức chính quyền. Bang trưởng có khá nhiều quyền hành đối với cộng đồng bang và vị trí lãnh đạo của ông được chính quyền chấp nhận. Bang trưởng có quyền giải quyết những tranh chấp bất đồng trong nội bộ thành viên bang mà chủ yếu là dàn xếp. Ông cũng được quyền chế tài về hành chính như trục xuất một người bất hảo ra khỏi bang và đại diện cho những người nhập cư trong bang

thương thuyết với chính quyền cho phép anh ta được quyền cư trú, làm việc. Ông phải bảo lãnh những người này bằng cách cung cấp những nhận xét về phẩm hạnh và đạo đức của họ. Điều đó có nghĩa là so với xã Minh Hương các bang Hoa kiều có tính tự trị cao hơn rất nhiều. Vì thế mà các bang trở nên khép kín và biệt lập hơn trong mối giao lưu với cộng đồng cư dân bản xứ.

Mặt khác, từ bộ máy hành chính của bang ta có thể thấy đây là một tổ chức hành chính khá nghiêm ngặt, vừa dân chủ lại vừa quân phiệt, vừa muốn cởi mở lại vừa đóng kín. Điều đó khiến ta liên tưởng tới một bang chư hầu. Hay nói đúng hơn, nó có cấu trúc của một đất nước thu nhỏ - một cấu trúc độc đáo khác hẳn với làng Việt.

Do tính chất khác nhau giữa xã Minh Hương và bang Hoa Kiều nên những ưu ái mà chính quyền các chúa Nguyễn và vua Nguyễn dành cho cũng được phân biệt. Người Minh Hương được coi như là dân Việt, được quyền ưu ái hơn, đóng thuế nhẹ hơn. Sách Đại Nam hội điển sự lệ có quy định rằng: “Người Minh Hương ở 6 tỉnh Nam Kỳ từ nay phàm lệ nộp thuế bạc, nhưng nếu nộp thay bằng tiền cũng cho, lấy một lạng bạc chiết thu 9 quan làm mốc để nhân dân dễ nộp” [36; 24].

Bên cạnh đó, nhà Nguyễn cũng cho thực hiện chính sách khai khẩn đất hoang và miễn giảm thuế cho người Hoa, tôn trọng truyền thống sinh hoạt cổ truyền của người Hoa, khuyến khích học hành thi cử của người Hoa. Việc người Hoa ra nhập Minh Hương cũng khá dễ dàng, cứ 5 người gốc Hoa trở nên thì cho lập riêng thành xã Minh Hương. Những điều này làm cho Minh Hương ngày càng gắn bó với quê hương thứ hai của mình, có ý niệm trung thành với nhà Nguyễn.

Nhìn chung, xã Minh Hương và bang là những tổ chức được quy định của chính quyền nhà Nguyễn. Các bang này có đóng góp không nhỏ trong quá trình khai phá và phát triển xứ Đàng Trong. Bên cạnh đó, còn có

các hình thức liên kết kinh tế được những nét tương đồng về nghề nghiệp, sự gần gũi về tâm lí được gọi là các hiệp hội. Cơ cấu liên kết và tổ chức này khá đa dạng phức tạp giống như xã hội Trung Quốc thu nhỏ lại và liên tục biến thiên. Tuy nhiên, nó lại khá chặt chẽ, vừa tách biệt lại vừa hoà đồng với cư dân Việt, Vừa tuân theo luật lệ Việt lại vừa bảo lưu luật lệ Trung Hoa.

Một phần của tài liệu tiểu luận Vai trò của người Hoa đối với sự phát triển của vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (Trang 43 - 48)