Vai trò của người Hoa trong lĩnh vực nông nghiệp

Một phần của tài liệu tiểu luận Vai trò của người Hoa đối với sự phát triển của vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (Trang 38 - 41)

Nếu như trong lĩnh vực thương mại, người Hoa nắm vị thế chủ chốt, độc quyền gần như tuyệt đối đến nỗi khó có người Việt nào phá vỡ được cái thế ấy, thì trong lĩnh vực nông nghiệp, vị thế của người Hoa còn rất nhỏ bé.

Trong hơn 3000 binh lính trong đoàn di dân người Hoa đến Nam Bộ thế kỉ XVII thì ắt hẳn nguồn gốc của họ chủ yếu là nông dân. Đồng thời

nhiều nông dân Hoa vì khổ cực mà phải chạy sang nước ta. Cho nên, lực lượng người Hoa trong hoạt động nông nghiệp ở Nam Bộ cũng phải là nhỏ.

Bên cạnh đó, nhà Nguyễn lại ra nhiều chỉ dụ khuyến khích nông nghiệp như: năm 1791, Nguyễn Ánh sau khi đánh chiếm Gia Định lại “ra lệnh cho các hạng dân và người Đường (người Hoa nhập cư) cũ mới ở đạo Long Xuyên, ai muốn làm đồn điền mà đồ làm ruộng không đủ thì nhà nước cho vay, mỗi năm thu sưu mỗi người tám hộc, thuế thân xem như quân hạng, dao dịch đều miễn…” [32;133 ]. Chính sách đó lại càng lôi cuốn người Hoa vào sản xuất nông nghiệp. Cho nên, ở Nam Bộ, số lượng người Hoa làm nông nghiệp và sinh sống ở nông thôn nhiều hơn là so với miền Trung và miền Bắc. Tuy nhiên, họ ít khi sống ở sâu trong làng, ẩn dật sau những vườn cây mà thường tụ tập quanh thị xã, thị trấn, thị tứ, nơi có chợ búa và đường giao thông hội tụ. Nghĩa là, họ biết chọn nơi có chợ búa,gần đường giao thông, nơi vó thể làm ăn buôn bán mà ở chứ không quan niệm đơn giản như người Việt cứ nơi đất rộng, yên tĩnh để có thể tự do, tự tại.

Hoạt động nông nghiệp của người Hoa cũng không khác người Việt là mấy. Họ trồng rau, củ, quả, tại các vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu có một số nông dân người Hoa chuyên canh tác các loại giống cây đặc sản như nhãn, khoai lang, dưa hấu, hành tỏi… Người Triều Châu thì sống bằng trồng rau xanh, hành tỏi, củ cải trắng, chăn nuôi gà vịt, heo bò, trồng hồ tiêu, mía, đay, đậu xanh…Nghề mua lúa non của người Phúc Kiến bắt đầu manh nha phát triển. Họ cho nông dân vay tiền tưới để làm mùa, sau đó độc quyền thu mua toàn bộ lúa và nông sản. Họ đã áp dụng những kĩ thuật đặc biệt để tạo chất lượng và sản lượng cho nông sản như dùng phân cá bón cho dưa hấu, lúa non hoặc tưới nước cho khoai lang vào giữa nắng ban trưa.Như vậy, bản thân người Hoa đã cung cấp một khối lượng lớn nông sản, tạo nguồn dự trữ và cung cấp lương thực, thực phẩm.

Song yếu tố tạo ra vai trò, vị thế của người Hoa trong hoạt động nông nghiệp là ở chỗ người Hoa biết kết hợp sản xuất nông nghiệp với dịch vụ nông nghiệp hay buôn bán nhỏ. Trong bối cảnh nông thôn xứ Đàng Trong lúc ấy, người Việt chỉ đơn giản là thuần nông, người Khơme đã lui lên gò đồi mà làm nương rẫy, thì người Hoa lại có vị thế nhờ phương thức hoạt động trên.

Điều đó nghĩa là những người Hoa này vừa có đủ số lượng ruộng đất để canh tác, vừa có một cửa hàng tạp hoá nhỏ để cung cấp các nhu yếu phẩm cho nông dân trong vùng hoặc có thể cho nông dân vay vốn hoặc giống má rồi thu lãi… Ruộng đất đủ cho họ gieo trồng lúa má (đủ ăn và tích trữ), cửa hàng tạp hoá và dịch vụ nông nghiệp mới là nguồn thu nhập chín của họ. Vừa đáp ứng được nhu cầu của mọi người, vừa thu được nhiều lãi. Hình thức này đã tạo cho mối quan hệ cư trú dễ dàng hơn cũng như việc hội nhập với các cộng đồng dân cư địa phương (chủ yếu là người Việt và người Khơme) dễ dàng. Sự hiện diện của người Hoa cũng đã kích thích nền kinh tế hàng hoá phát triển ở nông thôn.

Việc buôn bán gạo giữa người Hoa và xứ Đàng Trong phát triển. Theo báo cáo của Grawfurd (viên chức của Toàn quyền Hastings ở Ấn Độ) thì Nam kỳ là một trong những xứ sở có gạo tốt nhất khu vực này, “giờ đây (1822) Sài Gòn đã có một nền buôn bán đáng kể với Trung Quốc, Bắc kỳ và Xiêm (Thái Lan), sau đó với Xingapore và bán đảo Malăcca. Sài Gòn là trung tâm buôn bán lớn thứ hai của vương quốc, xếp sau Kẻ Chợ ở Bắc kỳ và gần đây nó đã thu hút toàn bộ nền thương mại ở Campuchia. Mười tám chiếc thuyền buôn mỗi cái trọng tải 850 tạ, hàng năm vẫn qua lại buôn bán giữa Sài Gòn và Băng Cốc. Tàu thuyền Trung Quốc đã đến Việt Nam với số lượng lớn. Họ đã đến Kẻ Chợ, Sài Gòn, Nghệ An, Huế và các cảng nhỏ khác, tổng cộng 311.750 tạ tương đương 20.000 tấn” [3; 89] và đã nhận định: “tôi tin rằng không có một nước Châu Á nào mà các thương nhân

người Hoa lại được hưởng các quy chế dễ dàng và tự do hơn các xứ Đàng Trong, nó không quá khắt khe…” [3; 90] .

Chúng ta khẳng định rằng cái tạo nên cũng chính là vị thế mà người Hoa đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp là hình thức kết hợp nông nghiệp với dịch vụ nông nghiệp hay buôn bán nhỏ. Đây là một hình thức tiến bộ mà cho tới ngày nay chúng ta còn kế thừa và cần phát huy. Song chúng ta cũng nhận thấy rằng trong thời gian này việc buôn bán gạo giữa Nam Kỳ và Trung Quốc thông qua các thuyền buôn trọng tải lớn cũng được tiến hành. Điều đó càng khẳng định hơn nữa vai trò của người Hoa trong hoạt động nông nghiệp của nước ta. Việc buôn bán này tiếp tục phát triển ở giai đoạn sau đó.

Một phần của tài liệu tiểu luận Vai trò của người Hoa đối với sự phát triển của vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX (Trang 38 - 41)