Nâng cao nhận thức

Một phần của tài liệu Đảm bảo quyền của người sống chung với HIVAIDS trong pháp luật Việt Nam (Trang 85 - 86)

Đây là biện pháp rất quan trọng, vì những vi phạm về quyền của người sống chung với HIV/AIDS chủ yếu bắt nguồn từ những nhận thức thiếu sót sai lầm của xã hội về HIV/AIDS và kiến thức về nhân quyền. Vấn đề tồn tại lớn nhất trong nhận thức của xã hội Việt Nam là việc thiếu những hiểu biết về HIV/AIDS – những nguy cơ thực sự từ hội chứng này; Thái độ sai lệch dẫn tới hành vi kỳ thị phân biệt đối xử với những người sống chung với HIV/AIDS; Đại bộ phận dân cư đều không có những kiến thức cần thiết về quyền con người cũng như quyền của người sống chung với HIV/AIDS từ đó tình trạng vi phạm những quyền nhạy cảm, có ý quan trọng với nhóm dễ bị tổn thương này diễn ra thường xuyên mà không có những chế tài hợp lý để khắc phục tình trạng này. Chính những lỗ hổng nghiêm trọng trong nhận thức của các chủ thể từ chủ thể của quyền, chủ thể có nghĩa vụ đảm bảo quyền, chủ thể thứ ba dẫn đến việc đảm bảo quyền của người sống chung với HIV/AIDS trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế để đảm bảo quyền của người sống chung với HIV/AIDS có những bước chuyển biến tích cực, trước tiên cần có những biện pháp nhằm thay đổi thái độ một cách đồng bộ từ nhận thức của chính người sống chung với HIV/AIDS, nhận thức của nhà nước, nhận thức của các chủ thể phi nhà nước.

Mục tiêu của biện pháp này là tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các chủ thể. Cụ thể: Nâng cao nhận thức của các chủ thể về hội chứng HIV/AIDS, hiểu biết đầy đủ thực chất HIV là gì, những con đường lây lan và phương pháp phòng chống hiệu quả. Tập trung chỉ ra được HIV không phải là căn bệnh lây lan dễ dàng, đồng thời cũng cần phải thay đổi thái độ của cộng đồng, những quan điểm cố hủ lệch lạc khi đồng nhất việc nhiễm HIV về tệ nạn xã hội. Đây là bước đầu tiên để xóa bỏ sự kỳ thị của cộng đồng đối với người sống chung với HIV/AIDS. Đồng thời nâng cao hiểu biết cho toàn thể xã hội những kiến thức về quyền con người. Để moi người hiểu được rằng bất cứ ai đều có những quyền cơ bản ngang bằng nhau, mọi người đều phải có trách nhiệm tôn những quyền ấy kể cả đối với chủ thể hưởng quyền là người sống chung với HIV/AIDS, đó là những chuẩn mực đã được cả thế giới thừa nhận.

Để đạt được mục tiêu trên cần có những hành động cụ thể hướng vào từng nhóm chủ thể: Chủ thể hưởng quyền – người sống chung với HIV/AIDS; Chủ thể có nghĩa vụ đảm bảo quyền – Nhà nước (cụ thể là các cơ quan nhà nước và cán bộ, công nhân viên chức); Chủ thể thứ ba (các cá nhân, tổ chức, cộng đồng).

Một phần của tài liệu Đảm bảo quyền của người sống chung với HIVAIDS trong pháp luật Việt Nam (Trang 85 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)