Vấn đề bảo đảm quyền của người sống chung với HIV/AIDS là vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Trước đây, khi đại dịch HIV mới xuất hiện, do thiếu hiểu biết về căn bệnh này dẫn tới những đường lối chính sách của Nhà nước Việt Nam còn đi ngược lại với tinh thần của luật nhân quyền. Việc phòng chống HIV/AIDS đi liền với việc cách ly người bệnh, ngay cả cơ quan có trách nhiệm trong công tác phòng chống HIV/AIDS cũng có chung nhiệm vụ là phòng chống ma túy, mại dâm. Chính điều này đã định hướng sai lệch về nhận thức cho cộng đồng về HIV/AIDS. Theo thời gian, nhận thức của Nhà nước về HIV/AIDS và quyền của người sống chung với HIV/AIDS được nâng lên rõ rệt. Nhà nước chủ trương công tác phòng chống HIV/AIDS không đồng nghĩa với cách ly người bệnh, bên cạnh đó cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này, hỗ trợ người bệnh chăm sóc sức khỏe, điều trị, tiếp cận các biện pháp y tế tiên tiến... Bước ngoặt quan trọng là Nhà nước chủ trương phòng chống HIV/AIDS cần phải đi liền với việc đảm bảo quyền của người sống chung với HIV/AIDS. Một loạt các chính sách và pháp luật của Việt Nam được ban hành:
- Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương khoá IX về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.
- Kết luận của Ban Bí thư khoá X tại thông báo số 27-TB/TW của Ban Bí thư về sơ kết Chỉ thị 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư Trung ương khoá IX về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.
- Luật Phòng, chống nhiễm vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Luật phòng, chống HIV/AIDS) 26/6/2006, Quốc hội Khoá XI.
- Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH2 ngày 21/11/2007 của Quốc hội khóa 12.
- Luật bảo hiểm Y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội khóa 12. - Luật Phòng, chống bão lực gia đình số 02/2007/QH12 21/11/2007 của Quốc hội khóa 12.
- Luật bình đẳng giới số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khóa 11. - Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người.
- Nghị định số 69/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS [33, tr. 20].
Qua những ví dụ trên có thể thấy Đảng và Nhà nước đã khá coi trọng công tác đảm bảo quyền của người sống chung với HIV/AIDS. Đảng và Nhà nước nhận thức sâu sắc rằng công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ không thể đạt được những hiệu quả tích cực, lâu dài nếu không có mối liên hệ với đảm bảo quyền con người của nhóm người sống chung với HIV/AIDS. Chính vì thể đảm bảo quyền của người sống chung với HIV/AIDS gắn liền với phòng chống HIV/AIDS trở thành nguyên tắc nền tảng trong nhận thức đến chương trình hành động của Nhà nước Việt Nam.
Tuy vậy, bên cạnh không khí sôi nổi trong phòng chống HIV/AIDS vẫn còn khá nhiều cán bộ trong các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương vẫn còn nhận thức sai lệch về tầm quan trọng của vấn đề này. Một mặt do giữ thái độ bảo thủ, quan điểm lạc hậu về HIV/AIDS, một mặt do thái độ thờ ơ với vấn đề mà dẫn tới nhận thức của các cán bộ này còn khiếm khuyết. Đây cũng là một tồn tại đáng kể ảnh hưởng tiêu cực tới công tác đảm bảo quyền của người sống chung với HIV/AIDS.