II. Thanh toán quan hệ tài sản và phân chia tài sản chung giữa vợ và chồng
b. Cách tính mức đền bù
b1. Nguyên tắc
Chi tiêu thực tế và lợi ích còn lại. Nguyên tắc về xác định mức đền bù được thiết lập tại BLDS Pháp Điều 1469, theo đó mức đền bù ngang bằng với con số nhỏ nhất trong hai con số thể hiện mức “chi tiêu thực tế”(dépense faite) và giá trị của “lợi ích còn lại” (profit subsistant).
- Chi tiêu thực tế: là khoản chi được ghi nhận tại thời điểm chi, bằng một số tiền cụ thể.
- Lợi ích còn lại: là phần chênh lệch giá trị của tài sản sau khi khoản đầu tưđược thực hiện so với giá trị của tài sản trước đó. Phần chênh lệch này được định giá tại thời điểm thanh toán khối tài sản chung.
Ví dụ. Chi phí tu bổ một tài sản là 20 triệu đồng. Ở thời điểm thanh toán khối tài sản chung, người ta nói rằng nếu không tu bổ, thì tài sản có giá trị 150 triệu đồng; sau khi được tu bổ, giá trị của tài sản được xác định là 180 triệu đồng. Khoản chênh lệch 30 triệu đồng được gọi là lợi ích còn lại của khoản đầu tư.
b2. Các trường hợp đặc thù
Chi tiêu cần thiết. Trong trường hợp khoản chi tỏ ra cần thiết, thì mức đền bù không được thấp hơn số tiền đã chi ra (Điều 1469 khoản 2). Nếu do khoản chi cần thiết đó mà tài sản thụ hưởng biện pháp đầu tư tăng giá trị và khoản giá trị gia tăng lớn hơn số tiền đã chi ra, thì mức đền bù được xác định ngang với khoản giá trị gia tăng ấy.
Ví dụ 1. Vào năm 1986, nhà ở chung của gia đình bị hư hỏng nặng phần mái sau một trận bão; vợ chồng tiến hành lợp lại mái nhà; chi phí lợp lên tới 20 triệu đồng, trả bằng tiền bán hai chiếc nhẫn kim cương của người vợ. Đến năm 2000, nhà lại xuống cấp và được sửa chữa lớn. Trong các hạng mục sửa chữa có phần lợp mái. Toàn bộ chi phí sửa chữa được trả bằng tiền tiết kiệm của vợ và chồng.
Khối tài sản chung trong trường hợp này phải đền bù cho khối tài sản riêng của người vợ 20 triệu đồng, dù lợi ích còn lại của khoản đầu tư thực hiện vào năm 1986 chỉ còn là con số 0.
Ví dụ 2. Vào năm 2000, nhà ở chung được dỡ mái và lợp lại. Chi phí lợp lên tới 20 triệu đồng. Tài sản chung được thanh toán vào năm 2004. Theo kết quả giám định, nếu vào năm 2004, nhà vẫn giữ tình trạng như trước khi mái được lợp lại, thì giá trị vào khoảng 250 triệu đồng; nay, nhờ có mái nhà mới, giá trị căn nhà là 320 triệu đồng.
Khối tài sản chung trong trường hợp này phải đền bù cho khối tài sản riêng 320 - 250 = 70 triệu đồng, tương ứng với giá trị của lợi ích còn lại của khoản đầu tư. Tất nhiên, nếu việc thanh toán tài sản chung được dời đến một thời điểm nào đó xa hơn mà ở thời điểm đó, nhà lại xuống cấp và cần được đầu từ sửa chữa lớn, thì mức đền bù cho khối tài sản riêng lại trở về ngang với mức chi phí cần thiết, như trong ví dụ trên.
Chi phí cho việc tạo lập, bảo quản hoặc tu bổ tài sản. Trong trường hợp khoản đầu tư được dùng để mua sắm, bảo quản hoặc tu bổ tài sản, thì mức đền bù không được thấp hơn giá trị của phần lợi ích còn lại, được xác định tại thời điểm thanh toán
tài sản chung (Điều 1469 khoản 3)82. Nếu tài sản mua sắm, bảo quản, tu bổ đã được chuyển nhượng, thì giá trị của lợi ích còn lại được xác định tại thời điểm chuyển nhượng tài sản; nếu có tài sản thay thế, thì giá trị phần lợi ích còn lại được xác định dựa theo giá trị của tài sản thay thế (cùng điều luật).
Ví dụ 1. Người chồng mua một bức tranh của một nhà danh hoạ với giá 20 triệu đồng, trả một nửa bằng tiền được thừa kế của cha mẹ và một nửa còn lại bằng tiền dành dụm từ lương. Ở thời điểm thanh toán tài sản chung, bức tranh trị giá 80 triệu đồng. Áp dụng điều luật vừa dẫn, ta xác định khoản tiền đền bù của khối tài sản chung đối với khối tài sản riêng của người chồng, như sau: (10/20)*80 = 40 triệu đồng.
Ví dụ 2. Người chồng mua một chiếc ô tô với giá 150 triệu đồng, trả bằng tiền được thừa kế của cha ruột. Vài năm sau, chiếc ô tô được đem bán với giá 120 triệu đồng. Số tiền bán xe được dùng để trả một phần giá mua một căn nhà (200 triệu đồng); phần còn lại (80 triệu đồng), được trả bằng tiền dành dụm từ lương của vợ và chồng. Ở thời điểm chấm dứt hôn nhân, căn nhà trị giá 400 triệu đồng và nằm trong khối tài sản chung được chia giữa vợ và chồng. Áp dụng điều luật vừa dẫn, ta xác định khoản đền bù của khối tài sản chung đối với khối tài sản riêng như sau: (120/200)*400 = 240 triệu đồng.