Như kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, thông điệp quảng cáo khuyến mãi tiếp xúc với đối tượng nhận tin mục tiêu chủ yếu qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mà rõ rệt nhất là truyền hình. Mức độ phủ sóng rộng khắp, kỹ thuật hiện đại, và đồng thời quảng cáo truyền hình cũng là hình thức quảng cáo phổ biến, được ưa chuộng nhất tại Việt Nam hiện nay là những lý do để thông điệp quảng cáo khuyến mãi được tiếp nhận nhiều nhất từ nguồn này. Tuy nhiên, sự xuất hiện quá nhiều của các thông điệp quảng cáo trên truyền hình mỗi ngày có thể gây ra tình trạng loãng thông tin đối với người nhận tin. Vì thế, trong quá trình truyền thông điệp quảng cáo, không thể chỉ xem truyền hình là công cụ duy nhất. Cần phải kết hợp với nhiều hình thức quảng cáo khác, và không chỉ giới hạn trong quảng cáo, có thể tiến hành các hoạt động tổ chức sự kiện ở quy mô phù hợp nhằm thu hút sự chú ý.
Một điểm cần lưu ý là mức độ ảnh hưởng của nguồn thông tin cá nhân. Như đã đề cập ở phần Đánh giá kết quả nghiên cứu (chương II, phần 3), nguồn thông tin này có mức độ ảnh hưởng lớn, nhưng đồng thời cũng có thể gây ra những tác dụng ngược. Tuy nhiên, nguồn thông tin này khá tự phát và hầu như không thể kiểm soát, vì thế không thể
khống chế mức độ chính xác khi thông tin lan truyền. Giải pháp duy nhất là nêu rõ các điều khoản của chương trình khuyến mãi, đảm bảo thông tin khuyến mãi được truyền đạt qua nhiều nguồn, và duy trì đội ngũ nhân viên bán hàng sẵn sàng giải đáp cụ thể cho khách hàng có thắc mắc, tránh tình trạng mập mờ hoặc thiếu hụt thông tin khiến khách hàng có cảm giác bị lừa đảo, làm mất uy tín của doanh nghiệp. Ví dụ gần đây nhất là chương trình khuyến mãi của Mobifone thực hiện đối với nhóm khách hàng đặc biệt đã được khoanh vùng, nhưng lại không thông báo cụ thể điều này tới khách hàng đại trà, khiến một bộ phận không nhỏ khách hàng cảm thấy không thỏa mãn, mất lòng tin đối với doanh nghiệp. Đây là một điều đáng tiếc cho một thương hiệu có uy tín lâu năm, luôn được đánh giá là có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt trong ngành.