Quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật trong những năm qua, đã đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới hệ thống công cụ quản lý, mà trong đó, kế toán là một công cụ quan trọng. Trong nền kinh tế, kế toán có vai trò tích cực đối với việc quản lý vốn tài sản và việc điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh ở doanh nghiệp, nó là nguồn thông tin số liệu đáng tin cậy để nhà nước điều hành nền kinh tế, kiểm tra, kiểm soát hoạt động các ngành, các khu vực. Chính vì vậy, việc đổi mới và không ngừng hoàn thiện công tác kế toán để thích nghi với yêu cầu và nội dung của quá trình đổi mới cơ chế quản lý là một vấn đề thực sự bức xúc hiện naỵ
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Bộ Tài chính đã ban hành Hệ thống kế toán theo Quyết định số 1141 TC-QĐ-CĐKT ký ngày 01/11/1995 và các chính sách TC-KT về luật thuế mới ban hành 1998. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền kinh tế, nhiều sửa đổi, bổ sung trong chế độ kế toán đã được ban hành đáp ứng các yêu cầu phát triển và sự thay đổi chính sách chung, ngày 20/03/2006, Bộ tài chính ban hành Hệ thống kế toán mới theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC áp dụng chính thức thống nhất trong cả nước cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế.
Hệ thống tài khoản kế toán thống nhất được quy định chung cho nền kinh tế, trong khi đó, mỗi ngành hoạt động hoặc thành phần kinh tế lại có những đặc thù về đối tượng phản ánh và yêu cầu quản lý nên trên cơ sở của Hệ thống tài khoản kế toán thống nhất, mỗi ngành (hoặc thành phần kinh tế) sẽ nghiên cứu và xây dựng Hệ thống tài khoản kế toán cho ngành hoặc thành phần kinh tế một cách phù hợp, nhưng phải được sự đồng ý của Bộ tài chính và nhất thiết phải tuân thủ quy định về các tài khoản thuốc Hệ thống tài khoản kế toán thống nhất.