KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.3.2. Các phương pháp vô cảm
Qua bảng 3.19 cho thấy có đến 85 trường hợp chiếm 57,8% chúng tôi không sử dụng phương pháp vô cảm hỗ trợ khi lấy dị vật và chủ yếu là dị vật ở họng (84 trường hợp) vì thông thường dị vật ở họng khi khám sẽ nhìn thấy và dễ dàng gắp ra. Tuy vậy có khi cũng rất khó khăn do dị vật bé, BN có phản xạ nôn ẹo mạnh, dị vật ở họng thanh quản thì phải gây tê tại chỗ bằng xịt liđocaine 6 - 10% mới khám kỹ và lấy dị vật được. Có 18 trường hợp được gây tê và lấy dị vật chiếm 12,3% và những dị vật này đều là dị vật ở họng. Như vậy trong 102 dị vật ở họng được lấy thì có đến 84/102 trường hợp chiếm 82,3% không sử dụng các phương pháp vô cảm hỗ trợ nào. Điều này phù hợp với lý thuyết khi cho rằng dị vật ở họng thường đơn giản chỉ cần đeo đèn, đè lưỡi và dùng kẹp gắp ra vì dị vật sắc nhọn chủ yếu cắm vào Amiđan, các trụ Amiđan [13], [17], [26].
Gây mê giãn cơ có 44 trường hợp chiếm tỉ lệ 29,9%. Trong đó gây mê được áp dụng cho 41 trường hợp soi thực quản, còn lại 3 trường hợp gây mê là mở thực quản và mở cạnh cổ kết hợp soi thực quản. Nếu tính 45 trường hợp dị vật thực quản trong nghiên cứu thì gây mê hỗ trợ điều trị là 44 trường hợp chiếm 97,8%. Theo Trần Phương Nam gây mê hỗ trợ điều trị dị vật thực quản là 89,6% [19]. Đây là phương pháp hỗ trợ tối ưu khi lấy dị vật ở thực quản nó giúp cho BN tránh khỏi những sang chấn tâm lý, tạo điều kiện cho phẫu thuật viên yên tâm soi và tránh những tai biến nặng như thủng thực quản hoặc đẩy dị vật cắm sâu vào thực quản. Thực tế gây mê hỗ trợ trong tất cả các trường hợp đã soi thực quản trong nghiên cứu của chúng tôi không gặp một tai biến nặng nào như đã nêu trên. Hiện nay trên thế giới, vô cảm khi soi thực quản ống cứng người ta đều áp dụng phương pháp gây mê giãn
cơ [30], [35], [67].