Về tập huấn kỹ thuật sản xuất, dự án đã giúp cộng đồng thay đổi phương pháp sản xuất từ độc canh cây lúa sang luân canh cây màu, mặc dù có những hộ chưa mạnh dạn trong việc đưa những cây trồng mới về áp dụng tại địa phương (như cây đậu phộng) nhưng thay vào đó, hộ đã biết trồng xen canh các loại cây màu khác như bắp, bầu, bí, dưa, rau cải… Trên 53% các hộ tham gia dự án được tập huấn về trồng trọt, trong đó tỷ lệ hộ Khmer được tập huấn chiếm 66%. Có thể nói đây là một bước chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của cộng đồng sau khi được tập huấn nói riêng và tham gia vào tổ nhóm của dự án nói chung.
Ngoài ra, Dự án còn tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật có sự tham gia của người dân như: lớp học trên đồng ruộng, tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn … để giúp cho người dân có thể thấy được tầm quan trọng của họ trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Hình 4: Các nội dung hỗ trợ kỹ thuật của dự án Nâng cao Đời Sống
(Nguồn: Số liệu điều tra năm 2010)
Bên cạnh đó, để trang bị kiến thức và giúp cho cộng đồng phát huy tốt tiềm lực trong chăn nuôi bò thịt, Ban thực hiện dự án cũng phối hợp với phòng Nông nghiệp và Sở nông nghiệp tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về vỗ béo bò thịt cho
cộng đồng nhằm giúp họ áp dụng các kỹ thuật và tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm như rơm, rạ, thân bắp, ngọn mía vào trong chăn nuôi; thông qua các buổi thực hành ủ rơm, làm đá liếm… 64,2% hộ Khmer tham gia dự án được phỏng vấn đã tham gia các khóa tập huấn này.
Các lớp tập huấn xung quanh vấn đề quản lý tổ chức nhóm, xây dựng tầm nhìn nhóm giúp cho thành viên hiểu được thế nào là nhóm, nhóm mạnh, các điều kiện để hình thành nhóm mạnh cũng như việc xây dựng tầm nhìn trong tương lai cho nhóm. Các lớp tập huấn Quản lý kinh tế hộ sẽ giúp cho cộng đồng nắm rõ hơn việc thu chi trong gia đình. Tỷ lệ hộ Khmer được tập huấn về kỹ thuật quản lý là 20,8%, còn thấp hơn so với tình hình chung của dự án là 35,4%. Sự thụ động của một số thành viên Khmer trong nhóm là nguyên nhân khiến cho hoạt động nhóm có người Khmer tham gia kém hiệu quả. Ngoài ra, việc quản lý chi tiêu kém hiệu quả khiến cho nhiều hộ Khmer có nguy cơ tái nghèo sau khi vừa thoát nghèo.
Các lớp tập huấn về thương mại dịch vụ bao gồm: dịch vụ ăn uống, buôn bán nhỏ... có 11,3% hộ Khmer tham gia. Bên cạnh đó, 1,9% hộ Khmer tham gia dự án còn được tập huấn về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Trong số các hộ Khmer tham gia dự án, có 9,4% hộ được tập huấn về các nội dung khác như kỹ thuật vận hành máy nông nghiệp, bình đẳng giới... đồng thời dự án còn giúp cho mọi người hiểu tầm quan trọng của môi trường thông qua lớp tập huấn bảo vệ môi trường.
Hầu hết thành viên tham gia có thể vận dụng lý thuyết vào thực tế, cụ thể như: các nhóm máy nông nghiệp có thể tự ghi chép sổ sách kế toán, có thể hạch toán lợi nhuận và tính toán hiệu quả kinh doanh đạt được trong quá trình sản xuất và làm dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ít thành viên thụ động, chưa có thói quen cập nhật và ghi chép sổ sách dẫn đến tình trạng bội chi hoặc bội thu, không đúng qui chế qui định.
Để tư vấn và giúp cho cộng đồng cũng như Ban thực hiện dự án giải quyết những khó khăn vướng mắc và hỗ trợ cho địa phương xây dựng kế hoạch, ban quản lý dự án cũng mời chuyên gia tư vấn thuộc các lĩnh vực như: máy nông nghiệp, chuyên gia chăn nuôi bò, chuyên gia tài chính… tiếp xúc và làm việc trực tiếp với nhóm cộng đồng để ghi nhận thông tin, trao đổi,tư vấn, giải đáp và
tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà cộng đồng thường gặp phải trong quá trình sản xuất cũng như tham gia thực hiện dự án