- Cung cấp hàng hóa:
Người thuê chở phải cung cấp đầy đủ hàng như đã ghi trong đơn lưu khoang để bốc xuống tàu. Hàng cần đóng trong bao bì thì phải được đóng trong bao bì hợp cách, sao cho thuyền trưởng không từ chối nhận hàng, hoặc nhận nhưng không ghi bảo lưu về bao bì trên vận đơn. Theo khoản 1 Điều 81 Bộ luật
Hàng hải Việt Nam 2005 thì người gửi hàng phải bảo đảm hàng hoá được đóng gói và đánh dấu ký, mã hiệu theo quy định. Người vận chuyển có quyền từ chối bốc lên tàu biển những hàng hoá không bảo đảm các tiêu chuẩn đóng gói cần thiết.
Hàng phải được người thuê chở cung cấp đúng thời gian, đúng địa điểm. Người gửi hàng thường phải đưa hàng ra cầu cảng đặt tại vị trí mà từ đó cần cẩu có thể với tới để cẩu hàng lên tàu.
Người thuê chở phải ghi mã ký hiệu rõ ràng trên kiện hàng, phải khai báo hàng hóa chính xác cả về số lượng, thể tích và tính chất của chúng. Người gửi hàng khai sai số lượng hoặc dung tích mà tàu xếp không hết hàng buộc phải bỏ lại hàng thì phải tự gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi ấy (Khoản 5 Điều 3 Quy tắc Hague).
Trong trường hợp hàng hóa mang tính chất nguy hiểm, dễ nổ, dễ cháy, người thuê chở có nghĩa vụ cung cấp cho người chuyên chở các tài liệu và chỉ dẫn cần thiết về hàng hóa trong thời gian thích hợp. Nếu người gửi hàng khai sai, mặc dù hàng hóa đã xếp lên tàu thì vẫn có thể bị dỡ xuống khổi tàu bất cứ lúc nào, hoặc tiêu hủy làm mất tính chất nguy hiểm của hàng hóa (Khoản 6 Điều 4 Quy tắc Hague và Điều 13 Quy tắc Hamburg). Tại Khoản 2 Điều 81 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 cũng quy định người gửi hàng phải cung cấp trong một thời gian thích hợp cho người vận chuyển các tài liệu và chỉ dẫn cần thiết đối với hàng hoá dễ nổ, dễ cháy và các loại hàng hoá nguy hiểm khác hoặc loại hàng hoá cần phải có biện pháp đặc biệt khi bốc hàng, vận chuyển, bảo quản và dỡ hàng. Người gửi hàng phải bồi thường các tổn thất phát sinh do việc cung cấp chậm trễ, thiếu chính xác hoặc không hợp lệ các tài liệu và chỉ dẫn cần thiết.
- Trả tiền cước
Người thuê chở phải trả tiền cước phí đầy đủ, đúng thời gian, địa điểm, bằng đồng tiền do hai bên thỏa thuận. Tiền cước tàu chợ bao gồm cả chi phí bốc, san xếp và dỡ hàng. Biểu cước tàu chợ do một hãng tàu hoặc nhiều hãng tàu
liên kết với nhau ấn định sẵn. Nếu không có gì đặc biệt thì người thuê chở thường phải chấp nhận tiền cước theo biểu cước của người chuyên chở.
Tiền cước tàu chợ có thể được thanh toán theo hai hình thức sau: Cước phí trả trước và cước phí trả sau. Cước phí trả trước tức là người thuê chở phải trả tiền cước tại cảng bốc hàng. Thông thường, sau khi tiền cước được trả cho người chuyên chở thì người chuyên chở hay đại lý của người này mới giao bộ vận đơn cho người gửi hàng. Còn theo hình thức cước phí trả sau, người thuê chở có thể trả tiền cước ở cảng bốc hàng hay khi tàu đưa hàng đến cảng đích mới trả. Khi tàu đã đến cảng đích mà người thuê chở chậm trả tiền cước thì người chuyên chở có quyền cầm giữ hàng để đòi cước.
2.3.1.2.2.Trách nhiệm của người chuyên chở (người vận chuyển)
* Cơ sở trách nhiệm
- Phạm vi trách nhiệm
Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 và các công ước quốc tế về vận tải hàng hóa bằng đường biển đã làm rõ các quyền và nghĩa vụ của người chuyên chở (người vận chuyển). Theo Điều 75 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 và Điều 3 Quy tắc Hague thì người vận chuyển phải mẫn cán hợp lý để trước và khi bắt đầu chuyến đi, tàu biển có đủ khả năng đi biển, có thuyền bộ thích hợp, được cung ứng đầy đủ trang thiết bị và vật phẩm dự trữ; các hầm hàng, hầm lạnh và khu vực khác dùng để vận chuyển hàng hoá có đủ các điều kiện nhận, vận chuyển và bảo quản hàng hoá phù hợp với tính chất của hàng hoá. Tàu đủ khả năng đi biển là tàu phải thích hợp về mọi mặt cho việc vận chuyển hàng hóa một cách an toàn trong suốt hành trình. Khả năng đi biển của tàu thể hiện ở chỗ tàu kín nước, hầm chắc khỏe, được trang bị đầy đủ về phương tiện máy móc, con người, nhiên liệu, thực phẩm và cá dịch vụ cung ứng khác đảm bảo tốt cho việc tiếp nhận chuyên chở, bảo quản hàng hóa được cơ quan đăng kiểm hàng hải chứng nhận có đủ khả năng đi biển. Như vậy, để cho con tàu có được những điều kiện theo quy định trên thì người vận chuyển phải có sự
kiểm tra ở mức cần mẫn, tỉ mỉ, thận trọng để có thể khắc phục kịp thời những sai sót của tàu và làm cho tàu có khả năng đi biển. Nếu không, những tổn thất xảy ra đối với hàng hóa mà nguyên nhân trực tiếp là do hãng tàu không đủ khả năng đi trên biển thì trách nhiệm bồi thường cho người thuê thuộc về người vận chuyển. Tuy nhiên nếu người vận chuyển chứng minh được là trước khi hành trình, tàu đã đủ khả năng đi biển và trong hành trình mất khả năng này, mặc dù người vận chuyển đã cần mẫn hợp lý, nói cách khác người vận chuyển đã chăm sóc con tàu chu đáo thì người vận chuyển được miễn trách nhiệm. Do đó, có thể thấy rằng khả năng đi biển của con tàu chỉ dừng lại ở sự cần mẫn hợp lý này lại không bắt buộc phải mang lại kết quả là tàu đi biển an toàn trong suốt cuộc hành trình.
Điều 5 Quy tắc Hamburg đã chỉ rõ cơ sở trách nhiệm của người chuyên chở. Theo Khoản 4 Điều 5 Quy tắc Hamburg thì Người chuyên chở chịu trách nhiệm về:
+ Mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa hay chậm giao hàng do cháy gây ra, nếu người khiếu nại chứng minh được rằng cháy xảy ra là do lỗi hoặc sơ suất của người chuyên chở, người làm công hoặc đại lý của người chuyên chở. + Mất mát, hư hỏng hoặc chậm giao hàng mà người khiếu nại chứng minh được là do lỗi hoặc do sơ suất của người chuyên chở, người làm công hoặc đại lý của người chuyên chở gây ra trong khi thi hành mọi biện pháp hợp lý, cần thiết để dập tắt lửa và để tránh, hạn chế hậu quả của cháy.
Trong trường hợp cháy trên tàu ảnh hưởng đến hàng hóa, nếu người khiếu nại hoặc người chuyên chở yêu cầu, phải tiến hành giám định theo đúng thực tiễn hàng hải để xác định nguyên nhân và tình hình của vụ cháy và một bản sao biên bản giám định phải được chuyển cho người chuyên chở và người khiếu nại theo yêu cầu của họ.
Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 cũng quy định “Người vận chuyển chịu trách nhiệm về việc bốc hàng, dỡ hàng cẩn thận và thích hợp, chăm sóc chu đáo hàng hoá trong quá trình vận chuyển.” [56; 2]. Đây là trách
nhiệm thương mại của người vận chuyển. Trách nhiệm này đòi hỏi người gửi hàng phải tổ chức xếp hàng đúng kỹ thuật, đúng vị trí, không để hàng giây bẩn, bốc mùi và hư hỏng do xếp hàng hóa không đúng kỹ thuật. Trong quá trình vận chuyển, người vận chuyển phải thường xuyên chăm nom, kiểm tra hàng và tàu, phát hiện kịp thời các hiện tượng như dây chằng bị tuột, quầy bị hấp hơi, thông gió bị tắc, sàn tàu bị ngấm nước…. để khắc phục. Nếu người vận chuyển không làm tròn nhiệm vụ này tức là đã phạm lỗi thương mại và bồi thường cho chủ hàng mọi tổn thất xảy ra. Đây là nghĩa vụ cơ bản của người vận chuyển vì lợi ích của chủ hàng.
Nghĩa vụ liên quan đến tàu của người vận chuyển bao gồm cả việc người vận chuyển phải đưa tàu đến cảng quy định và thông báo trong thời gian hợp lý cho người giao hàng biết trước về nơi bốc hàng lên tàu biển, thời điểm mà tàu sẵn sàng nhận hàng và thời hạn tập kết hàng hóa. Khoản 3 Điều 75 Bộ luật Hàng hải Việt Nam quy định người vận chuyển phải thông báo trong thời gian hợp lý cho người giao hàng biết trước về nơi bốc hàng lên tàu biển, thời điểm mà tàu sẵn sàng nhận hàng và thời hạn tập kết hàng hoá.
Quy tắc Rotterdam quy định ở Điều 17 là người vận chuyển phải chịu trách nhiệm về những mất mát hoặc hư hỏng của hàng hóa, cũng như chậm giao hàng, nếu người khiếu nại chứng minh được rằng mất mát, hư hỏng hoặc chậm giao hàng xảy ra trong phạm vi thời hạn trách nhiệm của người vận chuyển.
Quy tắc liệt kê những người hợp người vận chuyển phải chịu trách nhiệm. Điều 14 của Quy tắc nói rằng khi hàng hóa được chuyên chở bằng đường biển, người vận chuyển vào trước khi, lúc bắt đầu và trong suốt hành trình đường biển phải mẫn cán hợp lý để:
+ Đảm bảo duy trì con tàu có đủ khả năng đi biển;
+ Biên chế, trang bị, cung ứng một cách thích hợp cho tàu và duy trì con tàu được biên chế, trang bị và cung ứng như vậy trong suốt hành trình;
+ Đảm bảo và giữ gìn hầm tàu và các bộ phận chứa hàng khác của con tàu và các container chứa hàng do người vận chuyển cung cấp thích hợp và an toàn cho việc tiếp nhận, xếp hàng lên tàu, dịch chuyển, sắp xếp, bảo quản, chăm sóc, dỡ hàng khỏi tàu và giao hàng. Đây còn được coi là trách nhiệm thương mại của người vận chuyển đối với hàng hóa (tức là trách nhiệm chăm sóc và bảo quản hàng hóa trong suốt quá trình chuyên chở của người vận chuyển). Đương nhiên người vận chuyển và người gửi hàng có thể thỏa thuận việc xếp hàng lên tàu, di chuyển, sắp xếp hoặc dỡ hàng khỏi tàu sẽ do người gửi hàng, người gửi hàng theo chứng từ hoặc người nhận hàng đảm nhận.
- Căn cứ miễn trách nhiệm
Theo nguyên tắc chung, người chuyên chở nhận hàng ở cảng đi như thế nào thì giao hàng ở cảng đến như thế đó. Nếu hàng hóa bị mất mát, hư hỏng thì người chuyên chở phải chịu trách nhiệm bồi thường. Song có những trường hợp mất mát, hư hỏng hàng hóa không do lỗi của người chuyên chở thì người chuyên chở không chịu trách nhiệm. Muốn không chịu trách nhiệm, người chuyên chở phải chứng minh được một căn cứ miễn trách. Theo Điều 78 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 và Điều 4 Quy tắc Hague thì người vận chuyển có các căn cứ miễn trách sau đây:
+ Người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với mất mát hư hỏng hàng hóa do việc tàu biển không có đủ khả năng đi biển, nếu đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và đã có sự cần mẫn hợp lý. Trong trường hợp này, người vận chuyển có nghĩa vụ chứng minh đã thực hiện nhiệm vụ một cách mẫn cán.
Người vận chuyển được miễn hoàn toàn trách nhiệm, nếu tổn thất hàng hoá xảy ra trong các trường hợp sau đây:
+ Lỗi của thuyền trưởng, thuyền viên, hoa tiêu hàng hải hoặc người làm công của người vận chuyển trong việc điều khiển hoặc quản trị tàu;
+ Thảm họa hoặc tai nạn hàng hải trên biển, vùng nước cảng biển mà tàu biển được phép hoạt động;
+ Thiên tai; + Chiến tranh;
+ Hành động xâm phạm trật tự và an toàn công cộng mà bản thân người vận chuyển không gây ra;
+ Hành động bắt giữ của người dân hoặc cưỡng chế của Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác;
+ Hạn chế về phòng dịch;
+ Hành động hoặc sự sơ suất của người giao hàng, chủ sở hữu hàng, đại lý hoặc đại diện của họ;
+ Đình công hoặc các hành động tương tự khác của người lao động do bất kỳ nguyên nhân nào làm đình trệ hoàn toàn hoặc một phần công việc;
+ Bạo động hoặc gây rối;
+ Hành động cứu người hoặc cứu tài sản trên biển;
+ Hao hụt về khối lượng, trọng lượng hoặc mất mát, hư hỏng khác của hàng hoá xảy ra do chất lượng, khuyết tật ẩn tỳ hoặc khuyết tật khác của hàng hoá; + Hàng hoá không được đóng gói đúng quy cách;
+ Hàng hoá không được đánh dấu ký, mã hiệu đúng quy cách hoặc không phù hợp;
+ Khuyết tật ẩn tỳ của tàu biển mà những người có trách nhiệm không phát hiện được, mặc dù đã thực hiện nhiệm vụ một cách mẫn cán;
+ Bất kỳ nguyên nhân nào khác xảy ra mà người vận chuyển không có lỗi hoặc không cố ý gây ra tổn thất hoặc không phải do người làm công, đại lý của người vận chuyển có lỗi gây ra.
Trong trường hợp có người được hưởng quyền miễn hoàn toàn trách nhiệm của người vận chuyển theo quy định của pháp luật hoặc theo sự thoả thuận ghi trong hợp đồng thì người đó phải chứng minh rằng người vận chuyển đã không có lỗi, không cố ý hoặc những người làm công, đại lý của người vận
chuyển cũng không có lỗi hoặc không cố ý gây ra sự mất mát, hư hỏng của hàng hoá.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Quy tắc Rotterdam, người vận chuyển được miễn trách toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm nếu họ chứng minh được rằng mất mát, hư hỏng của hàng hóa hoặc chậm trễ là do một trong những sự cố hoặc tình huống sau đây gây ra:
+ Thiên tai;
+ Tai họa của biển, tai nạn đường biển hoặc nước biển;
+ Chiến tranh, thù địch, xung đột vũ trang, cướp biển, khủng bố, bạo động và nổi loạn của dân chúng;
+ Hạn chế vì kiểm dịch, sự can thiệp hoặc ngăn cấm của Chính phủ, nhà cầm quyền, kẻ thống trị hoặc nhân dân kể cả bị kiềm chế, bắt giữ hoặc tịch thu mà nguyên nhân không phải từ người vận chuyển hoặc người làm công của người vận chuyển;
+ Đình công, cấm xưởng, ngưng trệ hoặc hạn chế lao động; + Cháy trên tàu;
+ Ẩn tì không phát hiện được dù đã mẫn cán hợp lý;
+ Hành vi hoặc thiếu sót của người gửi hàng, người gửi hàng theo chứng từ, bên kiểm soát hoặc bất cứ bên nào khác mà người gửi hàng và người gửi hàng theo chứng từ phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ;
+ Xếp hàng, di chuyển, sắp xếp hoặc dỡ hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa người vận chuyển và người gửi hàng, trừ trường hợp người vận chuyển hoặc bên thực hiện tiến hành các hoạt động này thay mặt cho người gửi hàng, người gửi hàng theo chứng từ hoặc người nhận hàng;
+ Hao hụt tự nhiên về khối lượng hoặc trọng lượng hoặc bất kỳ mất mát hoặc hư hỏng khác do nội tì, chất lượng hoặc do bản chất hàng hóa;
+ Bao bì hoặc ký mã hiệu không đầy đủ hoặc khiếm khuyết mà không do người vận chuyển hoặc đại lý của họ thực hiện;
+ Các biện pháp hợp lý để cứu hoặc cố gắng cứu tài sản ở biển;
+ Các biện pháp hợp lý để tránh hoặc cố gắng tránh thiệt hại cho môi trường, hoặc
+ Hành vi của người vận chuyển khi sử dụng các biện pháp để xử lý hàng hóa nguy hiểm hoặc hy sinh hàng hóa vì an toàn chung.
Theo Khoản 1 Điều 5 Quy tắc Hamburg thì người chuyên chở chịu trách nhiệm về những thiệt hại do hàng hóa bị mất mát hoặc hư hỏng cũng như do việc chậm giao hàng; nếu sự cố gây ra mất mát, hư hỏng hoặc chậm giao hàng xảy ra trong khi hàng hóa đang thuộc trách nhiệm của người chuyên chở theo quy định của Điều 4 của Quy tắc về thời hạn trách nhiệm, trừ khi người chuyên chở chứng minh được rằng bản thân mình, những người làm công hoặc người đại lý của mình đã áp dụng mọi biện pháp hợp lý, cần thiết để tránh sự cố đó và hậu quả của nó.