- Nghĩa vụ cung cấp hàng
Người thuê chở phải cung cấp hàng hóa đúng như hợp đồng quy định, cụ thể là:
+ Đúng loại hàng, muốn thay hàng khác phải thông báo trước cho người chuyên chở và phải được người chuyên chở đồng ý, trừ khi việc thay thế hàng khác đã được quy định trong hợp đồng.
+ Đủ số lượng, trọng lượng, nếu cung cấp thiếu thì người thuê chở phải trả cước khống, trừ khi thuê bao.
+ Đúng thời gian. Khi tàu đã đến cảng bốc hàng đúng hạn mà người thuê chở chậm cung cấp hàng thì người chuyên chở có quyền xử lý hoặc hủy hợp đồng chuyên chở và đòi bồi thường thiệt thại, hoặc là chờ đợi để bốc hàng với điều kiện là thời gian tàu đứng chờ được tính vào thời gian bốc hàng, hoặc chờ đợi để bốc hàng và đòi bồi thường thiệt hại phát sinh cho những ngày tàu đứng chờ.
Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 quy định rất rõ về thời hạn bốc hàng ở cảng bốc hàng, trong đó thời hạn gián đoạn và thời hạn dôi nhật. Quyền và nghĩa vụ các bên liên quan đến thời hạn gián đoạn và thời hạn dôi nhật được quy định tại Điều 102 và 103 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Cụ thể được quy định như sau:
Trong trường hợp thuê nguyên tàu, người thuê vận chuyển có quyền rút khỏi hợp đồng trước khi tàu bắt đầu chuyến đi, nhưng phải bồi thường các chi phí liên quan, ngoài ra tuỳ theo thời điểm rút khỏi hợp đồng, người thuê vận chuyển còn phải trả tiền cước theo các nguyên tắc sau:
+ Phải trả một nửa tiền cước vận chuyển, nếu rút khỏi hợp đồng trước khi
tính thời hạn bốc hàng;
+ Phải trả đủ tiền cước vận chuyển, nếu rút khỏi hợp đồng sau khi tính thời
hạn bốc hàng hoặc rút khỏi hợp đồng sau khi tính thời hạn dôi nhật, nếu hợp đồng chỉ ký kết cho một chuyến;
+ Phải trả đủ tiền cước vận chuyển của cả chuyến đi mà người thuê vận
chuyển rút khỏi hợp đồng trước khi bắt đầu chuyến đi cộng thêm một nửa tiền cước vận chuyển của tất cả các chuyến đi tiếp theo, nếu hợp đồng được ký kết cho nhiều chuyến.
Trong trường hợp người thuê vận chuyển rút khỏi hợp đồng theo quy định
như ở trên thì người vận chuyển có nghĩa vụ lưu tàu tại nơi bốc hàng cho đến khi hàng hoá đã được dỡ xong, mặc dù việc đó vượt quá thời hạn bốc hàng và thời hạn dôi nhật.
Trong trường hợp không thuê nguyên tàu, thì người thuê vận chuyển có quyền rút khỏi hợp đồng và phải bồi thường các chi phí liên quan. Ngoài ra, tuỳ theo thời điểm rút khỏi hợp đồng, người thuê vận chuyển còn phải trả tiền cước vận chuyển theo các nguyên tắc sau đây:
+ Phải trả một nửa tiền cước vận chuyển, nếu rút khỏi hợp đồng sau thời hạn
tập kết hàng hoá đã thoả thuận;
+ Phải trả đủ tiền cước vận chuyển, nếu rút khỏi hợp đồng trong khi tàu đang
thực hiện chuyến đi.
- Nghĩa vụ bốc dỡ, san xếp hàng: là nghĩa vụ của người thuê chở nếu hợp đồng quy định. Khi hợp đồng chuyên chở chuyến không có quy định gì về chi phí bốc dỡ, san xếp thì người thuê chở phải tiến hành bốc dỡ, san xếp và chịu chi phí về việc này. Khi phải làm nghĩa vụ bốc dỡ, san xếp thì người thuê chở phải chịu chi phí và rủi ro về công việc đó.
- Nghĩa vụ trả tiền cước phí chuyên chở:
Người thuê chở phải trả cước phí chuyên chở theo đúng quy định của hợp đồng về số tiền phải trả, đồng tiền thanh toán, phương thức thanh toán, thời gian và địa điểm thanh toán.
Khi người thuê chở chậm trả, trả thiếu hoặc cố tình không trả tiền cước phí, người chuyên chở có quyền thực hiện quyền cầm giữ hàng để đòi nợ cước. Quyền cầm giữ hàng thường được quy định trong hợp đồng. Nếu hợp đồng không quy định thì theo luật chuyên chở hàng hóa bằng đường biển và tập quán hàng hải, người chuyên chở vẫn có quyền làm việc này.
Theo Khoản 2 Điều 84 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 thì người vận chuyển có quyền từ chối trả hàng và có quyền lưu giữ hàng, nếu người gửi hàng và người nhận hàng chưa thanh toán đủ các khoản nợ hoặc chưa nhận được sự bảo đảm thoả đáng. Bộ luật cũng giải thích rõ là các khoản nợ này bao gồm cước vận chuyển và các chi phí khác được ghi trong chứng từ vận chuyển. Các khoản nợ không trả đúng hạn được tính lãi theo lãi suất áp dụng tại ngân hàng giao dịch liên quan.
Quyền cầm giữ hàng đòi nợ có thể được tiến hành tạm thời hoặc chính thức. Việc cầm giữ hàng chính thức được tiến hành bằng cách dỡ hàng ra khỏi tàu và cầm giữ hàng tại kho cảng. Thông thường muốn cầm giữ hàng chính thức người chuyên chở phải xin lệnh của Tòa án cấp tỉnh nơi cầm giữ. Khi không có quy định cụ thể trong hợp đồng, người chuyên chở chỉ cầm giữ hàng trong một thời gian hợp lý để trả tiền cước phí. Sau thời gian hợp lý đó người thuê chở vẫn không trả thì người chuyên chở lại xin lệnh của Tòa án về việc thanh lý hàng bị cầm giữ để bán hàng đó nhằm thu tiền cước phí.