Dung lượng thị trường Hoa Kỳ rất lớn do Hoa Kỳ có dân số đông, thu nhập bình quân đầu người cao. Sức mua của người Hoa Kỳ lớn vì họ chi tiêu mua sắm nhiều. Trong năm 2004, tổng doanh số bán hàng tại Hoa Kỳ đã lên tới hơn 4 nghìn tỷ USD, tăng 8% so với năm 2003. Theo thống kê, trong 15 năm qua, tỷ lệ tiết kiệm của người Hoa Kỳ đã từ 6% giảm xuống còn 1%. Hàng hoá mà người Hoa Kỳ tiêu dùng hầu hết
được nhập khẩu từ bên ngoài. Các nước không chỉ sản xuất mà còn cho người Hoa Kỳ vay tiền để mua hàng hoá của họ và như vậy nước Hoa Kỳ mắc nợ thế giới ngày một nhiều. Nhiều ngành công nghiệp Hoa Kỳ đã mất khả năng sản xuất, sản xuất không đủ, bán hàng không đủ để giảm nợ. Thậm hụt thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai của Hoa Kỳ hết năm 2004 đã ở mức xấp xỉ 6% GDP. Các chuyên gia kinh tế quốc tế đã đánh giá Hoa Kỳ là một xã hội tiêu thụ.
Cơ cấu thị trường và mặt hàng tiêu thụ ở Hoa Kỳ rất đa dạng, nhu cầu hàng hoá ở từng vùng không giống nhau. Hàng hoá dù có chất lượng cao hay vừa đều có thể bán trên thị trường Hoa Kỳ vì ở đây có nhiều tầng lớp dân cư với mức sống khác nhau. Tuy nhiên, đòi hỏi của người tiêu dùng Hoa Kỳ đối với sản phẩm cũng rất khắt khe, sản phẩm không chỉ chất lượng tốt mà giá cả phải hợp lý và dịch vụ đảm bảo.
Theo như trên có thể thấy nước Hoa Kỳ có thành phần xã hội đa dạng gồm nhiều cộng đồng riêng biệt. Hầu hết người Hoa Kỳ có nguồn gốc từ Châu Âu, các dân tộc thiểu số gồm nguời Hoa Kỳ bản xứ, Hoa Kỳ gốc Phi, Hoa Kỳ La Tinh, Châu á và người từ các đảo Thái Bình Dương. Các dân tộc này đã đem vào nước Hoa Kỳ những phong tục tập quán, ngôn ngữ , thói quen, đức tin riêng của họ. Điều này tạo nên một môi trường văn hoá phong phú và đa dạng. Đặc điểm này mang lại cho thị trường Hoa Kỳ tính đa dạng phong phú trong tiêu dùng rất cao.
Những đặc điểm riêng về địa lý và lịch sử đã hình thành nên một thị trường người tiêu dùng khổng lồ và đa dạng nhất thế giới. Hoa Kỳ có một sức mạnh kinh tế khổng lồ và thu nhập của người dân cao với thu nhập đó mua sắm đã trở thành nét không thể thiếu trong văn hoá hiện đại của nước này. Cửa hàng là nơi họ đến mua hàng, dạo chơi, gặp nhau, trò chuyện và mở rộng giao tiếp xã hội. Qua thời gian, người tiêu dùng Hoa Kỳ có niềm tin tuyệt đối vào hệ thống của hàng đại lý bán lẻ của mình. Họ có sự bảo đảm về chất lượng bảo hành và các điều kiện vệ sinh an toàn khác. Điều này cũng làm cho họ có ấn tượng rất mạnh với lần tiếp xúc đầu tiên với các mặt hàng mới. Nếu ấn tượng này là xấu hàng hoá đó sẽ khó có cơ hội quay lại.
Hoa Kỳ không có các lề ước và tiêu chuẩn thẩm xã hội mạnh và bắt buộc như ở các nước khác. Các nhóm người khác nhau vẫn sống theo văn hoá tôn giáo của mình và theo thời gian hòa trộn ảnh hưởng lẫn nhau tạo ra sự khác biệt trong thói quen tiêu dùng ở Hoa Kỳ so với người tiêu dùng ở các nước Châu Âu. Thị trường Hoa Kỳ mang tính chất quốc tế theo ý nghĩa dễ dàng chấp nhận hàng hóa từ bên ngoài vào một khi các hàng hoá đó đáp ứng được đòi hỏi đa dạng của thị trường đặc biệt này. Đây là một địa chỉ lý tưởng cho tất cả các nước trên thế giới. Từ các nước Châu Âu, Nhật Bản đến các nước đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam và các nước nghèo như Campuchia, Banglades đều có thể xuất khẩu được hàng hóa vào Hoa Kỳ, miễn sao hàng hóa của họ có thể đáp ứng được đòi hỏi của thị trường Hoa Kỳ. Chất lượng hàng hoá vào Hoa Kỳ rất linh hoạt và được chấp nhận theo nguyên tắc “tiền nào của ấy”. Tuy nhiên, đối với người dân Hoa Kỳ có thu nhập cao thì chất lượng hàng hóa luôn là tiêu chuẩn hàng đầu. Vì thế họ đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng hàng hóa và sẵn sàng chấp nhận giá cao đối với những hàng hoá đó. Nhưng đồng thời, ở Hoa Kỳ vẫn còn có một bộ phận người dân sống ở mức nghèo và tầng lớp trung lưu cũng khá đông nên hàng hóa có chất lượng thấp như Việt Nam vẫn có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường nước này. Cần đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh và chất lượng của hàng hóa là quan trọng, nhưng chưa phải là đủ vì chủ yếu người Hoa Kỳ rất chú ý đến các yếu tố khác như: đổi mới kỹ thuật, hình dáng thiết kế mới, an toàn , tiện sử dụng, đóng gói đẹp.
Hoa Kỳ rất rộng lớn và có nhiều bang, mỗi bang lại có những sở thích tiêu dùng khác nhau. Dựa trên vị trí địa lý, có thể chia thị trường tiêu thụ của Hoa Kỳ thành những khu vực như sau:
- Khu vực ven bờ Đại Tây Dương bao gồm các bang Newyork, Newjesey, Maryland, Pensylvania. Khu vực này rất đông dân cư, phân chia thành nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, trong đó bộ phận quý tộc độc thân chiếm tỷ lệ cao. Cho nên ở đây tập quán của người tiêu dùng theo tự do cá nhân, nhịp điệu sinh hoạt nhanh, họ thích tới những nơi có hàng hóa tập trung và đa dạng để mua hàng.
- Khu New England bao gồm các bang Maine, Newhampshire, Rodelsland, Massachusetts, Vermont, Connecticut, thuộc vùng Đông Bắc nước Hoa Kỳ. ở khu vực này cư dân có độ tuổi bình quân tương đối cao và có nhiều nhân tài chuyên môn, quản lý cấp cao. Do đó, họ thích mua hàng hóa theo nhiều phương thức thoáng mở.
- Khu phía Nam bao gồm từ Georgie nối liền các bang phía Nam của Floria. Đặc điểm của người dân ở đây là tính cách tương đối bảo thủ, rất cảm tình và cũng thích chạy theo các mốt thời thượng.
Với sức hấp dẫn của mình, Hoa Kỳ là một thị trường cạnh tranh gay gắt. Hàng hoá của một nước vào thị trường Hoa Kỳ phải cạnh tranh với các mặt hàng tương tự từ nhiều nước khác và hàng sản xuất trong nước. Mấu chốt để cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ là giá cả, chất lượng và dịch vụ. Đôi khi đòi hỏi về giá cả lại lớn hơn đòi hỏi về chất lượng. Do người tiêu dùng Hoa Kỳ thích thay đổi, họ muốn mua những hàng hoá rẻ, chất lượng vừa phải hơn những mặt hàng bền mà giá lại đắt. Vì nguyên nhân này mà các hàng hoá của Trung Quốc rất thành công trên thị trường Hoa Kỳ. Một điều nữa cần lưu ý là khi bán hàng trên thị trường Hoa Kỳ, công tác marketing đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thị trường Hoa Kỳ luôn thu hút mọi nhà xuất khẩu trên khắp thế giới, khi đã qua được giai đoạn giới thiệu sản phẩm và thâm nhập được vào hệ thống phân phối, các nhà xuất khẩu nước ngoài sẽ nhận được những đơn đặt hàng rất lớn, ổn định và lâu dài đem lại nguồn doanh thu ổn định và ngày càng tăng, giúp các nhà sản xuất tái đầu tư mở rộng sản xuất, liên tục phát triển.
Thị trường Hoa Kỳ được quản lý trên cơ sở pháp luật. Trong thương mại, các văn bản luật bao gồm luật điều chỉnh chung, luật điều chỉnh từng nhóm các mặt hàng và thậm chí một số mặt hàng có luật điều chỉnh riêng. Các luật này rất chặt chẽ và đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt. Hệ thống luật này khá phức tạp và làm cho các nhà xuất khẩu nước ngoài gặp khó khăn nếu không nắm vững.
Chính sách thương mại của Hoa Kỳ nói chung là tự do và mở rộng. Hàng hoá nước ngoài vào thị trường Hoa Kỳ phải chịu các mức thuế khác nhau và phải chịu sự điều chỉnh của các luật lệ và quy định của nước này. Đối với hệ thống thuế quan Hoa Kỳ áp dụng ba biểu thuế suất. Một là, hệ thống thuế quan theo quy chế quan hệ thương mại bình thường (NTR) áp dụng cho những quốc gia thành viên của WTO. Hai là, hệ thống thuế quan theo hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập áp dụng cho các nước đang phát triển được Hoa Kỳ cho phép. Ba là, hệ thống thuế quan cho các quốc gia có quan hệ không thân thiện với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có một hệ thống pháp luật về thương mại vô cùng rắc rối và phức tạp. Bộ luật thương mại (UCC) được coi là bộ luật cái của hệ thống pháp luật về thương mại của Hoa Kỳ bao gồm: luật về trách nhiệm sản phẩm (theo luật này, nhà sản xuất và người bán hàng phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng về chất lượng hàng hoá sản phẩm bán ra trên thị trường Hoa Kỳ), luật bảo hành và bảo vệ người tiêu dùng... Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn áp dụng công cụ phi thuế quan rất nghặt nghèo như: vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, đóng gói, bao bì, nhãn mác hàng hóa... Chính vì vậy để có thể thành công thâm nhập thị trường vô cùng tiềm năng và cũng đầy phức tạp này các doanh nghiệp Việt Nam cần có một hiểu biết sâu sắc và nắm vững các đặc trưng của nó.
Hiện nay, trên thế giới và Hoa Kỳ có rất nhiều công ty bán buôn, bán lẻ, phân phối, hoặc kinh doanh thương mại chuyên bán các sản phẩm do các công ty khác sản xuất (tiếng Anh gọi chung là Original Equipment Manufacturer - OEM). Tuy được gọi là Original Equipment Manufacturer, song các công ty này thực tế không sản xuất mà chỉ bán hàng đến người tiêu dùng. Những hàng hóa họ tiêu thụ có thể do chính họ thiết kế, sau đó đặt sản xuất hoặc do chính các nhà sản xuất thiết kế.
Trong hầu hết các trường hợp OEM không thêm trị giá gia tăng vào sản phẩm mà chỉ gắn thương hiệu của họ trên sản phẩm. Việc gắn thương hiệu của OEM trên sản phẩm có thể do nhà sản xuất tiến hành hoặc do bản thân OEM tiến hành. Ví dụ, giầy thể thao Wilson chắc chắn không phải do Công ty Wilson sản xuất mà chỉ mang thương hiệu Wilson mà thôi. Trong một số ít trường hợp, các OEM có thêm trị giá gia tăng vào sản phẩm. Ví dụ, OEM có thể mua máy tính của một nhà sản xuất nào
đó sau đó kết hợp với phần cứng hoặc phần mềm của chính họ rồi bán theo hình thức hệ thống chìa khóa trao tay.
Để tiết kiệm chi phí sản xuất, bản thân các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ cũng đặt gia công toàn bộ hoặc một phần hàng hóa và dịch vụ ở nước ngoài thay vì cho sản xuất tại cơ sở của mình ở trong nước. Hình thức kinh doanh này (tiếng Anh gọi là outsoursing) đang rất phát triển ở Hoa Kỳ. Ví dụ, một công ty sản xuất đồ gỗ Hoa Kỳ có thể đặt gia công linh kiện gỗ ở Việt Nam mang về lắp ráp thành tủ rượu và bán tại Hoa Kỳ (họ không đặt thành phẩm vì tủ rượu cồng kềnh, chi phí vận tải cao). Để góp phần đạt mục tiêu tiết kiệm chi phí sản xuất đến năm 2010 mỗi năm 6 tỉ USD, mới đây, Công ty ô tô Ford của Hoa Kỳ đã đưa ra kế hoạch tăng gấp đôi trị giá linh kiện ô tô mua từ Trung Quốc, mỗi năm dự kiến đạt khoảng 2,5 - 3 tỉ USD. Vì thế, hiện nay, nhiều hàng hóa ở Hoa Kỳ có ghi dòng chữ “Assembled in USA” (lắp ráp tại Mỹ) thay cho “Made in USA” (sản xuất tại Mỹ). Nhiều công ty Hoa Kỳ hiện nay vừa là nhà sản xuất vừa là OEM và có những công ty đã bỏ hẳn sản xuất chuyển thành OEM. Ví dụ, Công ty Nike vốn dĩ là nhà sản xuất nhưng hiện nay hoạt động chủ yếu như một OEM.
Để đáp ứng nhu cầu của các OEM và các nhà sản xuất có nhu cầu “outsouring” như vừa nói, trên thế giới hiện nay không thiếu các công ty chuyên sản xuất hàng theo hợp đồng cho các công ty khác, trong đó có những công ty lớn với doanh số hàng năm tới hàng tỷ USD. Ví dụ, Công ty Flextronics International của Xingapo có nhà máy trên khắp thế giới với doanh số 15 tỉ USD (2004), chuyên sản xuất máy chơi game Xbox cho Microsoft, điện thoại di động cho Ericsson, thiết bị chỉ đường cho Cisco, máy in cho HP…
Qua những đặc điểm cơ bản trên, việc ký được Hiệp định thương mại và giành được quy chế Tối huệ quốc (MFN) của Hoa Kỳ có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam. Hoa Kỳ là một thị trường khổng lồ, Việt Nam chỉ cần chiếm một thị phần nhỏ trên thị trường Hoa Kỳ cũng đã là rất lớn đối với nền kinh tế nước ta hiện nay, ví dụ kim
ngạch ngoại thương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ cần chiếm 1% tổng kim ngạch buôn bán của Hoa Kỳ cũng đã khoảng 20 tỷ USD.