III. VIỆT NAM GIA NHẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI WTO:
3. Các cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO:
3.4. Hoạt động đầu tư:
Minh bạch hóa chính sách đầu tư/ kinh doanh:
- Việt Nam không có cam kết tổng thể về chính sách đầu tư mà chỉ có nghĩa vụ minh bạch hóa vấn đề này. Trong báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO, ngoài việc mô tả hiện trạng chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư , Việt Nam khẳng định một số nguyên tắc sau:
Nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực ngành nghề mà pháp luật không cấm và được quyết định hình thức, địa điểm đầu tư, tỷ lệ góp vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm..., trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
- Danh mục lĩnh vực đầu tư/ kinh doanh có điều kiện hoặc cấm đầu tư/ kinh doanh sẽ được định kỳ rà soát nhằm xác định những quy định còn chòng chéo hay mâu thuẫn để xem xét sửa đổi, bổ sung, hoặc loại bỏ.
- Việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ danh mục các lĩnh vực/ ngành nghề cấm đầu tư/ kinh doanh hoặc đầu tư / kinh doanh có điều kiện sẽ tuân thủ hoàn toàn các nghĩa vụ của Việt Nam với WTO, kể cả những nghĩa vụ về minh bạch hóa, nghĩa vụ theo hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) và biểu cam kết cụ thể của Việt Nam về dịch vụ. Ý kiến của doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức có liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các danh mục này trong quá trình soạn thảo sẽ được công khai hóa phù hợp với Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Cam kết về điều kiện và thủ tục cấp phép
Việt Nam bảo đảm áp dụng các điều kiện và thủ tục cấp phép theo nguyên tắc không tạo ra các rào cản độc lập về tiếp cận thị trường; cụ thể là:
- Thủ tục và điều kiện cấp phép phải được công bố trước khi có hiệu lực và phải xác định rõ thời hạn để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc cấp phép.
- Cơ quan có thẩm quyền phải xem xét và quyết định việc cấp phép trong thời hạn đã xác định nêu trên.
- Lệ phí xét hồ sơ xin cấp phép không được tạo ra một rào cản độc lập về tiếp cận thị trường.
- Theo yêu cầu của người nộp hồ sơ xin cấp phép, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo tình trạng hồ sơ và phải cho biết hồ sơ đó đã đầy đủ hay chưa; hồ sơ được coi là đầy đủ khi đã điền đủ các thông tin phải cung cấp theo quy định, nếu có yêu cầu bổ sung thông tin, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo không chậm trễ cho người nộp hồ sơ và phải nêu rõ những thông tin cần bổ sung để hoàn thiện hồ sơ; người nộp hồ sơ phải có cơ hội để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ.
- Trường hợp không được cấp phép, người nộp hồ sơ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản lý do từ chối cấp phép.
- Trường hợp hồ sơ cần phê duyệt, người nộp hồ sơ phải được thông báo không chậm trễ bằng văn bản sau khi hồ sơ đó đã được phê duyệt.
- Khi bị từ chối cấp phép, người nộp hồ sơ có thể nộp hồ sơ mới để sửa đổi các điều kiện chưa đáp ứng yêu cầu cấp phép đã nêu trong hồ sơ đã nộp trước đó;
- Trường hợp cần kiểm tra để cấp phép hành nghề, cơ quan có thẩm quyền phải ấn định trong thời gian hợp lý.
Cam kết mở cửa thị trường đầu tư trong các ngành dịch vụ
Việt Nam đã cam kết mở cửa 11/12 ngành với 110 phân ngành dịch vụ theo quy định của WTO, gồm:
• Các dịch vụ kinh doanh;
• Các dịch vụ thông tin ( chuyển phát, viễn thông, nghe nhìn);
• Dịch vụ phân phối ( bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhường quyền thương mại);
• Các dịch vụ giáo dục ( giáo dục phổ thông cơ sở, giáo dục bậc cao, giáo dục cho người lớn, các dịch vụ giáo dục khác);
• Các dịch vụ môi trường ( xử lý nước thải, rác thải, khí thải, đánh giá tác động môi trường);
• Các dịch vụ tài chính ( bảo hiểm, ngân hàng , chứng khoán);
• Các dịch vụ y tế ( bệnh viện, nha khoa, và khám bệnh);
• Các dịch vụ du lịch ( nhà hàng, khách sạn, đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch);
• Các dịch vụ giải trí, văn hóa, thể thao ( nhà hát, nhạc sống, kinh doanh trò chơi điện tử);
• Các dịch vụ vận tải ( vận tải biển, vận tải thủy nội địa, vận tải hàng không, vận tải đường sắt, vận tải đường bộ, các dịch vụ hỗ trợ cho tất cả các phương thức vận tải.
Nhìn chung, trừ một số ngành dịch vụ chưa được cam kết, lộ trình mở các cửa các dịch vụ nói trên được thực hiện ngay sau khi Việt Nam chính thức là thành viên của WTO hoặc trong một số năm kể từ thời điểm gia nhập.
Cam kết về hình thức đầu tư ( hiện diện thương mại) và điều kiện góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam
- Trừ khi có quy định khác trong biểu cam kết về dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức:
• Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
• Doanh nghiệp liên doanh
• Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài
Văn phòng đại diện của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không được phép kinh doanh thu lợi nhuận
Nhà đầu tư nước ngoài không được phép hiện diện thương mại dưới hình thức chi nhánh, trừ khi có quy định khác trong biểu cam kết
- Trừ khi pháp luật Việt Nam có quy định khác hoặc theo sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam với tỷ lệ không quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Sau 01 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, hạn chế nói trên sẽ được loại bỏ, trừ hạn chế đối với ngân hàng và các ngành không được đưa vào biểu cam kết. Đối với các ngành/ phân ngành khác nêu trong biểu cam kết , tỷ lệ cổ phần nhà đầu tư nước ngoài được phép mua lại của doanh nghiệp Việt Nam phải phù hợp với hạn chế về vốn góp nước ngoài quy định tại biểu cam kết( nếu có), kể cả những hạn chế về hình thức trong giai đoạn chuyển đổi( nếu có thể áp dụng)
Cho dù có những hạn chế nêu trong biểu cam kết, song các điều kiện về sở hữu, hoạt động, hình thức pháp nhân quy định tại Giấy phép đầu tư / chứng nhận đầu tư hoặc các hình thức khác sẽ không hạn chế hơn các điều kiện áp dụng trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO