Tôi đã kể cho các bạn về những khó khăn, những vấp váp trong quá trình nghiên cứu gốm làm vật liệu chế tạo ống chân không cho Công ty Hitachi, về việc tôi phải ra đi do đối lập ý kiến với ông phó giám đốc phụ trách kỹ thuật mới lên chức. Người ta đơn phương ra quyết định với tôi: “Đề tài nghiên cứu này vượt quá khả năng của anh. Hãy đứng sang một bên để nhường chỗ cho người khác.” Và tôi rời khỏi công ty. Nếu có ở lại thì cũng không thể biến giấc mơ thành hiện thực vì người ta có chịu hiểu cho mình đâu. Nghe tin tôi rời công ty, toàn bộ nhân viên dưới quyền do tôi đảm trách kéo đến phòng ở của tôi trong khu tập thể công ty. Họ đồng thanh nói: “Chúng tôi cũng sẽ thôi việc để đi với anh”. Không ai chịu nghe theo lời khuyên của tôi là nên ở lại để tiếp tục công việc. Đến cả cấp trên của tôi, ông Aoyama Masaji cũng nói với tôi: “Tôi cũng thôi việc theo cậu. Tôi sẽ tìm nguồn vốn, thành lập công ty mới để cậu tiếp tục nghiên cứu.”
Ông Aoyama đến gặp hai người bạn đồng học thời còn là sinh viên khoa Công nghiệp trường đại học Kyoto. Đó là ông Nishieda Ichie và ông Majikawa Tamotsu. Cả hai ông đều đang giữ trọng trách trong Công ty Sản xuất Bảng điện Miyaki Denki.
Ông Aoyama ra sức thuyết phục hai ông bạn. Mặc dù họ không mấy tin tưởng (“Chúng tôi chẳng biết cái cậu Inamori ấy giỏi giang đến mức nào, nhưng giỏi thì giỏi chứ mới 26, 27 tuổi đầu thì làm nên trò trống gì”), nhưng cuối cùng họ cũng đồng ý. Họ còn kéo được cả ông Miyaki Otoya, giám đốc Công ty Miyaki Denki cùng bỏ vốn ra lập công ty cho tôi.
Để đưa công ty vào hoạt động, cần phải có vốn đầu tư thiết bị như lò nung điện, cần vốn mua nguyên liệu, cần vốn lưu động… Số vốn đó lên tới cả 10 triệu yên. Thời đó, mười triệu yên là khoản tiền rất lớn, nằm ngoài khả năng của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải vay ngân hàng.
Để vay ngân hành thì phải có tài sản thế chấp. Ông Nishieda – phó giám đốc Công ty Miyaki Denki, bạn đồng học và là người được ông Aoyama thuyết phục – mang luôn căn nhà đang ở làm tài sản thế chấp ngân hàng. Vì tôi - người mà ông ấy chưa từng gặp – và vì công ty mới ông ấy dám chấp nhận rủi ro không biết chừng mất hết cơ nghiệp.
Tôi nghe kể lại, khi đem chuyện thành lập công ty ra bàn với vợ, ông Nishieda nửa đùa nửa thật: “Này bà nó ơi. Bà chuẩn bị tinh thần ngôi nhà bị phát mãi đấy nhá…”. Tức thì vợ ông ấy vừa cười vừa đáp lại: “Biết làm sao được. Đàn ông các anh đã phải lòng nhau thì cái gì mà chẳng mang cho nhau hết…”.
Nhờ những tấm lòng hào hiệp giúp đỡ, tôi ra độc lập được.