Năm 1983, xu hướng tự do hóa ngành viễn thông diễn ra ở Nhật Bản, biểu hiện qua việc tư nhân hóa Công ty điện thoại điện tín nhà nước Denden Kosha (hiện nay là NTT). Trong bối cảnh đó, tại cuộc họp của hội đồng quản trị Công ty Kyocera, tôi đề nghị các thành viên chấp thuận dự án thành lập Công ty điện thoại Dainhi Denden.
Tôi yêu cầu hội đồng quản trị cho phép tôi được sử dụng 100 tỷ trong số 150 tỷ yên tiền vốn mà công ty Kyocera đã tích lũy được kể từ khi thành lập.
Việc thò chân vào lĩnh vực thông tin viễn thông khi đó bị coi là hành động khiêu chiến vô vọng với NTT. Nhưng hội đồng quản trị Kyocera chấp thuận đề xuất của tôi - bằng cách thành lập Công ty Điện thoại
Dainhi Denden (hiện nay là KDDI).
Ở Nhật Bản thời đó, công ty nhà nước Denden Kosha độc quyền thị trường điện thoại quốc nội. Vì thế, giá cước điện thoại khá đắt so với mặt bằng giá cước trên thế giới. Mọi người đều hy vọng với sự xuất hiện của công ty điện thoại mới sẽ có sự cạnh tranh và như vậy giá cước điện thoại sẽ rẻ đi nhiều.
Nhưng không ai dám lập ra một công ty điện thoại mới vì mức độ rủi ro quá lớn khi phải đương đầu với công ty nhà nước khổng lồ Denden Kosha. Chính vì thế, tôi quyết định đứng ra “ khiêu chiến”.
Mặc dù vậy, trước một đối thủ có doanh số hàng năm lên tới 40.000 tỷ yên, tổng số nhân viên 330 ngàn người, sở hữu hệ thống hạ tầng thiết bị từ thời Minh Trị và mạng lưới cáp thông tin có ở khắp mọi miền Nhật Bản thì không ai không ngán ngại. Trong khi Kyocera chúng tôi dù đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng, nhưng doanh số hàng năm vào thời điểm đó mới chỉ là 2.200 tỷ yên, tổng số nhân viên cũng chỉ có 11 ngàn người. Thế mà, chúng tôi lại quyết định lập ra công ty điện thoại mới để cạnh tranh thì chẳng khác nào “châu chấu đá xe”. Đó là chưa kể chúng tôi hoàn toàn “mù tịt” về lĩnh vực thông tin viễn thông. Chuyên môn của bản thân tôi là Hóa ứng dụng, đương nhiên là kẻ nghiệp dư trong công nghệ thông tin. Một người như vậy lại đòi đương đầu với ông độc quyền nhà nước khổng lồ thì có khác gì Đông Ki-sốt đòi vung ngọn giáo cổ lỗ đánh nhau với cối xay gió.
Trong tình cảnh đó, để bắt đầu công cuộc lớn lao như vậy thì phải có ý chí, động cơ và mục đích thật cao cả mới lay chuyển được lòng người.
Đêm nào cũng như đêm nào, tôi luôn thao thức trước khi ngủ, tự chất vấn lòng mình: Động cơ lập công ty điện thoại mới của mình có trong sáng thật không? Tâm địa mình có thật sự “thiện” không? Hay chỉ vì mình muốn chơi trội? Muốn được lưu danh? Có thực sự vì lợi ích của người dân hay chỉ là nói miệng thế thôi?...
Suốt nửa năm trời, kể cả những lúc trở về nhà sau bữa rượu tàn, tôi vẫn cứ lặp đi lặp lại trong lòng những lời tự vấn như vậy. Chỉ sau khi biết chắc lòng mình, ý chí mình gây dựng sự nghiệp này hoàn toàn vì lợi ích của người dân, vì lợi ích của xã hội và không mảy may dao động, tôi mới quyết định đặt chân vào con đường này.
Quyết tâm của tôi được rất nhiều nhà kinh doanh ủng hộ. Năm 1984, tôi thành lập Công ty Điện thoại Dainhi Denden.
Và chẳng bao lâu sau, làn gió tự do hóa thiết bị thông tin di động - tức là điện thoại gắn trên xe ôtô thời đó, và ngày nay là điện thoại di động – tràn tới, tôi đề xuất dự án “Tiến thẳng sang điện thoại di động” trong cuộc họp hội đồng quản trị của Dainhi Denden.