Tinh thần tranh đấu là điều cần thiết trong cả thể thao lẫn cuộc đời. Nhưng, tinh thần mà tôi nói ở đây khác hẳn với kiểu tranh đấu chống đối của những kẻ ương ngạnh. Người can đảm thực sự là người biết lắng nghe ý kiến của người đi trước, của cấp trên, là người biết sửa chữa khiếm khuyết và biết bù đắp những gì mà mình còn thiếu.
Người thực sự có tinh thần tranh đấu và can đảm là người bình thường thì rất lặng lẽ nhưng có ý chí tranh đấu bất chấp hiểm nguy. Trong thể thao cũng như trong công việc, những người biết lắng nghe, có tinh thần tranh đấu thực sự là những người sẽ tiến xa.
Oba Mitsuo - người đầu tiên trên thế giới một mình đơn độc chu du từ Bắc cực tới Nam cực. Công ty Dainhidenden chúng tôi hân hạnh được cung cấp một số trang thiết bị theo đề nghị của ông Oba khi ông đi xuyên qua Nam cực.
Trở về, ông Oba có đến chỗ tôi để cám ơn sự hợp tác của công ty cho chuyến đi. Tôi có hỏi ông: “Chắc ông phải mạo hiểm lắm trong suốt chuyến đi băng qua Bắc cực và Nam cực. Ông thật sự là một người có dũng khí và lòng quả cảm”. Tức thì ông Oba đáp: “Ông nhầm rồi. Tôi không có được dũng khí như ông nói đâu. Thực sự tôi là một kẻ nhút nhát”.
Ông còn cho tôi biết thêm, phần lớn những thành viên hừng hực lòng quả cảm và dũng khí của đội thám hiểm đều gặp thất bại giữa chừng. Ngược lại, số sống sót và trở về được đều là những người như ông – nhút nhát và luôn sợ hãi.
Nghe chuyện ông kể, tôi nghĩ trong thám hiểm, trong kinh doanh, trong nghiên cứu cũng như nhau. Người đi được đến cùng chặng đường là người thận trọng, thận trọng đến mức nhút nhát, và là người chuẩn bị đầy đủ, tỉ mỉ nhất trước khi bắt tay vào bất cứ việc gì.