Tôi đang điều hành “Quỹ Inamori”
Hàng năm, Quỹ Inamori tổ chức trao tặng giải thưởng quốc tế - Giải thưởng Kyoto – cho những nhà khoa học xuất sắc. Công ty Kyoto của chúng tôi phát triển được như ngày nay là nhờ công lao của biết bao người trong xã hội. Là người nắm giữ phần lớn cổ phần của Công ty Kyoto, tôi có được một tài sản khổng lồ không thể ngờ tới. Để tỏ lòng biết ơn với đời, để trả ơn cho đời, tôi quyết định lập ra Giải thưởng Kyoto. Tính đến năm 2004, Giải Kyoto vừa tròn 20 tuổi.
Giải Kyoto dành cho ba lĩnh vực: Kỹ thuật Công nghệ Tiên tiến, Khoa học Cơ bản, và Tư tưởng - Nghệ thuật. Ngoài ra, khi bình xét giải, thì ngoài khả năng chuyên môn, chúng tôi còn chú trọng tới nhân cách của các ứng viên. Giải Kyoto gồm một tấm Huy chương gắn hồng ngọc và ngọc bích lấp lánh do công ty chúng tôi chế tác. Đi kèm với Huy chương là một khoản tiền mặt trị giá 50 triệu yên.
Trong số các giải thưởng quốc tế trên thế giới thì Giải Kyoto do tôi đề xướng là giải thưởng được đánh giá cao không thua kém giải Nobel. Các nhà khoa học trên thế giới thuộc đủ mọi lĩnh vực đều mong ước đoạt được giải này.
Quá trình lựa chọn người đoạt giải được tổ chức ra sao? Hàng năm, ban tổ chức giải thưởng gửi hàng ngàn thư đề nghị giới thiệu cho các chuyên gia nổi tiếng của từng lĩnh vực ở Nhật Bản và khắp nơi trên toàn thế giới. Người ta giới thiệu các ứng viên cho ban tổ chức. Các ứng viên được xét chọn qua ba bước. Bước bình chọn của Ủy ban Chuyên môn. Bước bình chọn của Ủy ban Thẩm tra. Và bước bình chọn của Ủy ban Trao Giải Kyoto. Ba bước bình chọn này thường mất cả năm trời. Cuối cùng là việc quyết định người đoạt giải.
Từ trước tới nay, hầu hết các nhà khoa học được Giải Kyoto đều là những người có kết quả nghiên cứu đầy sáng tạo và đi trước thời đại. Nhưng hầu hết người được Giải lại không phải là người Nhật Bản. Người ta thường nghĩ Giải Kyoto là giải thưởng của Nhật Bản thì đương nhiên đa số người nhận giải sẽ phải là người Nhật Bản. Nhưng trên thực tế, với việc xét chọn công bằng, người được nhận giải phần lớn là người Mỹ và người các nước khác.
Chỉ cần nhìn vào kết quả tuyển chọn của Giải Kyoto, tôi nhận thấy với nền giáo dục ở Nhật Bản như hiện nay thì khó lòng nuôi dưỡng được tính sáng tạo trong học sinh. Các nước Âu- Mỹ, nhất là Mỹ, đang sản sinh ra những tài năng kiệt xuất đến mức so về tính sáng tạo thì Nhật Bản không là gì cả. Thực tế là các
giáo sư hàng đầu Nhật Bản trong Ủy ban Thẩm định vẫn thường nói với tôi: “Một sự thực đáng buồn là người Nhật Bản chúng ta không thể so sánh được với người Mỹ về khả năng sáng tạo.”