Giai đoạn điều tra vụ án hình sự là bước của quá trình tố tụng tiếp theo, trong đó cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự do BLTTHS quy định để chứng minh hành vi phạm tội đã xảy ra do ai thực hiện, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội đó. Đồng thời làm rõ động cơ mục đích, nguyên nhân và điều kiện phạm tội...
trên cơ sở đó đảm bảo các chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Pháp luật tố tụng hình sự nước ta quy định: "CQĐT có quyền áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chức cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can" (Điều 11 BLTTHS). Các biện pháp hợp pháp mà CQĐT được áp dụng trong giai đoạn điều tra rất nhiều, tuy nhiên tựu chung lại có thể phân chia thành hai nhóm sau:
Thứ nhất, các biện pháp tố tụng nhằm thu thập và kiểm tra chứng cứ gồm: Hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, lấy lời khai người bị hại, đối chất, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, thu giữ, giám định, nhận dạng v.v... Việc áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự để tiến hành điều tra vụ án hình sự của CQĐT được gọi là các hoạt động điều tra.
Thứ hai, các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định tố tụng quan trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng như: Quyết định khởi tố bị can, áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giữ, tạm giam).
Các biện pháp nói trên khi được áp dụng đều liên quan trực tiếp tới các quyền cơ bản của công dân, nên đòi hỏi việc áp dụng phải tuân thủ đúng về trình tự cũng như thủ tục do BLTTHS đã quy định. Do đó, việc giám sát chặt chẽ đảm bảo quá trình điều tra vụ án hình sự được thực hiện theo đúng quy định của BLTTHS là trách nhiệm của VKS. Hoạt động giám sát quá trình điều tra vụ án hình sự là sự thể hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong giai đoạn điều tra, một trong những chức năng cơ bản của VKS nhằm bảo đảm cho các hoạt động điều tra của CQĐT được khách quan, toàn diện, việc áp dụng các biện pháp điều tra theo luật định phải có căn cứ và hợp pháp.
Trách nhiệm và quyền hạn của VKS đối với hoạt động điều tra được quy định khá đầy đủ trong BLTTHS, cụ thể:
1. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố, bảo đảm việc điều tra được khách quan, toàn diện và đầy đủ. Viện kiểm sát phải kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật trong quá trình điều tra và đề ra biện pháp khắc phục.
2. Viện kiểm sátcó nhiệm vụ:
- Áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật này quy định để mọi hành vi phạm tội đều phải được điều tra và xử lý kịp thời, không để lọt người phạm tội, không làm oan người vô tội;
- Bảo đảm không để một người nào bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế các quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm một cách trái pháp luật;
- Bảo đảm hoạt động điều tra phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này. Trong việc điều tra phải thu thập cả chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, làm rõ những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can và tìm ra những nguyên nhân, điều kiện phạm tội;
- Bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị can là có căn cứ và hợp pháp... (Điều 141 BLTTHS).
Với quy định trên cho thấy, toàn bộ hoạt động điều tra của CQĐT đều nằm dưới sự kiểm sát chặt chẽ của VKS. Để thấy được cụ thể việc thực hiện chức năng kiểm sát điều tra vụ án hình sự, chúng tôi đi sâu vào phân tích và làm rõ chức năng kiểm sát đối với từng hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi nội dung của đề tài này chúng tôi chỉ đi sâu phân tích một số hoạt động kiểm sát thể hiện việc thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp của VKS trong giai đoạn điều tra để từ
đó làm rõ vai trò, trách nhiệm của VKS cũng như phương pháp, cách thức kiểm sát như thế nào khi thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các hoạt động điều tra của CQĐT.