Bối cảnh thế giớ

Một phần của tài liệu Sự chuyển biến trong tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu trước năm 1925 (Trang 32 - 41)

1.2.2. Đông Á - trước nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây

Sau cách mạng công nghiệp, chủ nghĩa tư bản ở các nước Châu Âu đang nhanh chóng đạt đến thời kỳ tự do cạnh tranh chuyển dần sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, đẩy nhanh quá trình xâm chiếm thị trường thuộc địa. Đối với các nước tư bản phương Tây, thuộc địa giờ không chỉ còn là nơi tước đoạt của cải, nơi di dân, buôn bán hương liệu hay truyền bá đức tin nữa, ngược lại, thuộc địa phải là nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu và nhân công, là nơi tiêu thụ sản phẩm của nền công nghiệp của chính quốc, là địa bàn cho xuất khẩu công nghiệp và tiến tới cả xuất khẩu tư bản. Bên cạnh đó, thuộc địa cũng là nơi mà người da trắng thực hiện sứ mệnh khai hóa văn minh, “nơi xuất khẩu các luồng tư tưởng và lối sống (tiến bộ hay phản động) của phương Tây”[42, 31]

Trong khi đó, các nước ở Đông Á là những nước lạc hậu, trì trệ dưới sự thống trị của chế độ phong kiến. Đông Á là một thị trường hoang sơ, chưa được khai phá, giàu có về mặt tài nguyên khoáng sản và đông nhân công, trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý cũng như đẩy nhanh quá trình xâm chiếm của các nước đế quốc Phương Tây. Do tính chất, yêu cầu và mục đích xâm lược đã thay đổi về cơ bản cho nên từ đầu thế kỷ XIX, thủ đoạn xâm thực của các chủ nghĩa thực dân phương Tây đối với các nước Đông Á đã thay đổi. “Nếu như giai đoạn trước, thủ đoạn chủ yếu là thiết lập quyền bá chủ thương mại, chinh phục là biện pháp hỗ trợ khi cần thiết, còn trong giai đoạn này thì chinh phục và thiết lập chế độ thống trị thực dân là thủ đoạn chủ yếu và mục tiêu hàng đầu của cuộc xâm thực” [42, 32]. Các cuộc chiến tranh chinh phục thường mở đầu và kết hợp chặt trẽ với ngoại giao pháo thuyền. Khi không được đáp ứng yêu cầu đầy đủ thì ngay lập tức, thực dân phương Tây phát động chiến tranh, khuất phục bằng vũ lực.

Trong ba thế kỷ đầu khi chủ nghĩa thực dân Phương Tây bắt đầu quá trình xâm lược Đông Á theo phương thức chủ nghĩa thực dân thương mại, dường như các nhà cầm quyền và dân chúng ở các khu vực này còn chưa đầy đủ về nguy cơ này, do chưa đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của thiết chế chính trị bản địa cũng như độc lập, chủ quyền của các nước này. Đến đầu thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa thực dân Phương Tây bắt đầu thay đổi thủ đoạn xâm lược, trực tiếp đe dọa đến chủ quyền và sự tồn vong của các dân tộc ở Đông Á, các nhà cầm quyền nơi đây tỏ ra lúng túng, bị động bởi họ không thể đánh giá đúng bản chất sức mạnh và dã tâm xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Nhìn lại lịch sử xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây và quá trình đấu tranh chống xâm lược của các dân tộc Đông Á trong thế kỷ XIX, chúng ta có thể thấy nổi lên ba phương thức ứng phó tiêu biểu [42, 42] như sau:

Phương thức thứ nhất: chấp nhận dễ dàng ách chiếm đóng của thực dân Phương Tây [42, 42]. Đây là phương thức ứng phó đã được các thủ lĩnh một số đảo ở các quần đảo ngày nay là Philippin, Inđônêxia, quốc vương Campuchia và một số Sultan ở các Sultanate miền Trung bán đảo Mã Lai lựa chọn. Trong đó, trường hợp của Campuchia là một ví dụ điển hình nhất. Vốn nằm trong địa bàn tranh chấp quyền lực giữa Xiêm và Việt Nam, nhưng khi thực dân Pháp xâm lược thì quốc vương Nôrôđôm đã tự nguyện thần phục nhằm thoát khỏi sức ép của hai nước láng giềng.

Phương thức ứng phó thứ hai: kiên quyết chống lại cuộc xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây bằng biện pháp kháng chiến [41, 42]. Đây là phương thức ứng phó được nhiều dân tộc Đông Á lựa chọn nhất. Các quốc gia lựa chọn phương thức đối đầu này đều là những cường quốc quân sự ở khu vực, lại được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo dân chúng. Chính nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng mà lực lượng kháng chiến của một số nước đã gây cho quân xâm lược Phương Tây một số tổn thất nghiêm trọng, buộc chúng không thể áp dụng được chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, ví dụ như công cuộc chinh phục Việt Nam của thực dân Pháp kéo dài gần 30 năm (1858 – 1884), công cuộc chinh phục Miến Điện của thực dân Anh cũng kéo dài trong vòng 60 năm (1824 – 1885)….Các cuộc kháng chiến tiêu biểu phải kể đến cuộc kháng chiến của Việt Nam chống Pháp, Miến Điện chống Anh, cuộc kháng chiến của triều Mãn Thanh chống lại các cuộc xâm lược của chủ nghĩa thực dân Phương Tây trong hai cuộc chiến tranh thuốc phiện (1839 – 1842 và 1856 – 1860). Tuy kháng chiến quyết liệt, anh dũng song cuối cùng các dân tộc Đông Á đều chịu sự khuất phục của các đội quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Phương Tây. Điều đó chứng tỏ trong bối cảnh thế kỷ XIX, phương thức kháng chiến theo kiểu truyền thống không phải là sự lựa chọn phù hợp để đối phó với chủ nghĩa thực dân Phương Tây.

Phương thức ứng phó thứ ba: tiến hành cải cách, duy tân theo mô hình phát triển phương Tây [42, 43]. Đây là một phương thức đặc biệt được lựa chọn không những để ứng phó với nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây mà còn giúp cho các dân tộc ở Đông Á thay đổi mô hình và quỹ đạo phát triển, tự giải thoát khỏi sự trì trệ và bế tắc của lịch sử. Mặc dù thể hiện dưới nhiều hình thức và sắc thái khác nhau, song thể hiện nỗ lực của các dân tộc Đông Á trong việc mô phỏng mô hình phát triển tư bản chủ nghĩa của phương Tây nhằm chỉnh sửa mô hình phát triển truyền thống của mình, mở ra con đường phát triển mới của dân tộc mình thoát khỏi tình trạng lạc hậu, thoát khỏi họa nô dịch của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Tiêu biểu là Nhật Bản và Trung Quốc. Ngoài ra, ở Việt Nam có nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phứ Thứ, Nguyễn Lộ Trạch, sau là có phong trào Duy tân của các lãnh tụ như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can; cải cách ở Miến Điện do vua Mindon Min năm 1853…Các phong trào này tuy diễn ra sôi nổi nhưng đều thất bại do vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phía các lực lượng thủ cựu, song đã thể hiện được mục đích cứu nguy dân tộc, giải trừ tai ách bị nô dịch bởi chủ nghĩa thực dân phương Tây.

1.2.2.2 Một số biến cố lớn của lịch sử thế giới a) Duy tân Nhật Bản

Nhật Bản trước năm 1868 là một nước phong kiến phương Đông. Cũng như Việt Nam, vào giữa thế kỷ XIX, trước áp lực của các nước phương Tây đòi mở cửa khẩu, Nhật Bản một mặt nhờ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong kinh tế, mặt khác nhờ một số người lãnh đạo có ý chí kiên quyết duy tân, sớm tỉnh ngộ trước họa xâm lăng Âu Mỹ, cho nên sau cuộc đấu tranh quyết liệt và thắng lợi chống các thế lực thủ cựu, Nhật Bản đã kịp thời phát triển nhanh theo con đường tư bản chủ nghĩa tuy vẫn còn giữ nhiều tàn tích phong kiến trọng yếu trong chính trị. Nhật Bản nhờ phát triển theo con đường

tư bản chủ nghĩa mà giữ được độc lập tự do cho dân tộc, sớm cường thịnh và tiến hành bành trướng chính sách thực dân.

Sau khi cuộc kháng chiến “Cần Vương” tan rã, những người Việt Nam yêu nước lo tìm con đường mới để giải phóng thì nổ ra cuộc chiến tranh Nga – Nhật 1904 – 1905, Nhật đại thắng. Cuộc đại thắng này vang dội thế giới, tác động vào trí óc của những người Việt Nam yêu nước cũng như nhiều người yêu nước thuộc các dân tộc khác. “Tấm gương của Nhật Bản thực sự đã có sức thu hút mạnh mẽ đối với suy nghĩ của các sĩ phu yêu nước, tiến bộ lúc bấy giờ” [25, 22]. Họ “không chú ý mấy đến việc rất cơ bản là Nhật chiếm Lưu cầu, Đài Loan, sát nhập Triều Tiên, tỏ ra là một đế quốc có tham vọng đất đai lớn, mà chú ý nhiều đến việc một cường quốc da vàng đánh bại một cường quốc da trắng và như thế đáng làm anh cả, làm đầu đàn cho Á châu vùng dậy” [23,22]. Lúc này xuất hiện “một khuynh hướng mong chờ Nhật Bản giúp đỡ đã xảy ra và phát triển trong hầu khắp phong trào đấu tranh giải phóng của Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Philippin và Việt Nam”[37, 270]. Sự kiện đó tác động rất lớn đến hướng đi cứu nước của Phan Bội Châu “Trận Nga – Nhật chiến tranh mà Nhật đại thắng thật có chỗ hay cho chúng tôi rất lớn. Trong óc chúng tôi đến đây có một thế giới mới lạ mở ra” [5, 371]. Các nhà tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX “đã coi Nhật Bản như một tấm gương của các dân tộc Châu Á đã tự tìm con đường để độc lập, phú cường, đứng ngang hàng với phương Tây” [25,47]. Vì lẽ đó mà Phan Bội Châu đã tổ chức ra phong trào Đông Du nhằm cầu sự viện trợ, giúp đỡ của người Nhật để đánh đuổi sự xâm lăng của Pháp, giành lại nền độc lập cho dân tộc. Như vậy, dưới ảnh hưởng của Nhật Bản duy tân mà khởi đầu từ cải cách Minh Trị “nhiều nhân vật ưu tú của các phong trào dân tộc, dân chủ của nhiều nước Châu Á đã có những hoạt động thực tế riêng ở từng đất nước hoặc hoạt động chung trên đất nước Nhật Bản vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX” [37, 275]

b. Cách mạng Tân Hợi Trung Quốc (1911)

Trung Quốc là nước gần Việt Nam nhất, lại là nước không chỉ đồng văn, đồng chủng mà lại đồng bệnh. Sau cuộc chiến tranh Trung Nhật (1895), uy thế của triều đình Mãn Thanh xuống thấp; cuộc đấy tranh của nhân dân Trung Quốc không ngừng phát triển; các sĩ phu tiến bộ và trí thức tư sản đã mạnh dạn đòi cải cách, họ dịch thuật những tư tưởng tư sản tiến bộ phương Tây, sáng lập ra nhiều học hội, học đường, nhà xuất bản. Cường học hội của phe Khang Hữu Vi là Lương Khải Siêu với chủ trương “biện pháp duy tân”, duy trì cải tiến chế độ phong kiến nhà Thanh. Còn Hưng Trung hội theo phe trí thức Tây học do Tôn Trung Sơn đứng đầu với chủ trương đánh đổ Mãn Thanh, khôi phục Trung Hoa, thành lập chính phủ liên hiệp. Tuy tiến bộ hơn so với Cường học hội song sức ảnh hưởng của Hưng Trung hội lại không nhiều. Năm, 1898, Vua Quang Tự nghe theo lời của Khang Hữu Vi, ban bố lệnh tiến hành cải cách, nhưng Từ Hy Thái hậu đã dựa vào phe thủ cựu mà phế truất ngôi Quang Tự. Tuy thất bại song “phong trào cải cách cuối thế kỷ XIX đã đặt những nền tảng rất căn bản cho sự thành công của cách mạng tư sản Trung Quốc sau này do Tôn Trung Sơn lãnh đạo” [42, 45].

“Vụ Mậu Tuất chính biến 1898 đó đã ảnh hưởng đến các nhà Nho yêu nước và tiến bộ ở Việt Nam và từ đó nhà Nho Việt Nam rủ nhau đi nếm mùi “Tân thư”, “tân văn” và tư tưởng tư sản Tây phương qua sách báo Trung Quốc đặt biệt là những tác phẩm của Lương Khải Siêu” [23,24]. Sự thắng lợi của cách mạng Tân Hợi (1911) với sự ra đời của nhà nước Trung Hoa dân quốc đã làm cho “Châu Á thức tỉnh”. “Sự kiện này đã có tác động tích cực đối với sự tiến triển mạnh mẽ hơn trong tư tưởng, tình cảm của Phan Bội Châu trên con đường dân chủ tư sản và tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của Việt Nam Quang phục hội (1912)” [26, 23]. Việt Nam Quang Phục hội ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng về tư tưởng chính trị của các nhà cách mạng Việt Nam xuất thân từ tầng lớp phong kiến hồi đầu thế kỷ XX. Với việc

tổ chức Việt Nam Quang Phục hội ra đời ngay sau cách mạng Tân Hợi thành công “khẳng định một sự thật lịch sử là giữa cách mạng hai nước từ sớm đã có mối quan hệ mật thiết, một mối quan hệ hai chiều….Cách mạng Tân Hợi đã mở màn cho một thời kỳ cận đại, một mối quan hệ mà các thế hệ sau có nghĩa vụ tăng cường và phát triển một cách đúng đắn vì lợi ích chung của cả hai nước và hai dân tộc” [37, 62]

c) Thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga 1917

Vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, đầu của thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển lên một tầm cao mới, chuyển từ giai đoạn tự do canh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và nó đã bộc lộ những mặt hạn chế của nó. Chính trong bối cảnh đó, cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã bùng nổ và thắng lợi. Thắng lợi này đã mở ra một đường lối cứu nước mới cho các dân tộc bị áp bức: con đường giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sau thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác - Lênin đã được không ngừng tuyên truyền vào các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam, đây là tiền đề tư tưởng quan trọng cho việc hình thành tư tưởng cách mạng tiến bộ của các nhân sỹ, trí thức.

Thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga đã làm cho “Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Châu Á mặc dù còn phải trải qua một thời kỳ đầy khó khăn nhưng tiền đề lịch sử cho sự thắng lợi đã trở thành khả năng hiện thực” [30, 12]. Đón nhận luồng tư tưởng mới của cách mạng tháng Mười, Phan Bội Châu dường như “bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài” và hiểu ra rằng chỉ có “chủ nghĩa xã hội nghĩa là xe tăng của nhà triết học để xông vào thành lũy của chủ nghĩa quốc gia, mà cũng là toán quân vô địch của nhà nhân từ để phá tan đồ đảng của chủ nghĩa tư bản” [6, 127]. Ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga đã tạo nên sự chuyển biến mới trong tư tưởng

của Phan Bội Châu theo hướng ngày càng tiệm cận đến với chủ nghĩa Lê nin, Phan Bội Châu đã hướng theo cách mạng Tháng Mười với một niềm hy vọng tìm thấy trong đó lối thoát cho sự bế tắc về tư tưởng của mình và con đường cứu nước giải phóng dân tộc

Tiểu kết Chƣơng 1

Trong chương 1, tác giả tập trung đi sâu vào tìm hiểu, phân tích hoàn cảnh lịch sử trong nước và thế giới tác động đến sự hình thành, phát triển, chuyển biến trong tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu. Đó là những điều kiện về gia đình, quê hương; sự biến đổi trong xã hội Việt Nam dưới ảnh hưởng của công cuộc khai thác, bóc lột của Pháp, tìm hiểu một số nỗ lực tìm hướng đi mới cho phong trào yêu nước; một số sự kiện lịch sử thế giới diễn ra như Duy tân Minh Trị (Nhật Bản), Cách mạng Tân Hợi (Trung Quốc), cách mạng tháng Mười Nga….Từ trong bối cảnh lịch sử có tính chất giao thời ấy, vấn đề đặt ra lúc này chính là cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp. Yêu cầu đó đặt lên vai những nhà yêu nước Việt Nam trọng trách trong việc tìm ra con đường, phương thức giải phóng dân tộc.

Phan Bội Châu sinh ra trong bối cảnh ấy, được thừa hưởng cái truyền thống của gia đình, quê hương, đã sớm hình thành cái chí hướng yêu nước, cứu nước cứu dân. Chính vì cái chí hướng bất biến ấy, Phan Bội Châu đã không ngần ngại vượt qua những hạn chế về ý thức hệ và đường lối cứu nước của các thế hệ đi trước; tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây (thông qua Tân văn, tân thư); chuyển từ một nhà Nho yêu nước truyền thống trở thành một nhà Nho duy tân, chủ động tiếp thu những cái mới, tiến bộ của thời

Một phần của tài liệu Sự chuyển biến trong tư tưởng chính trị của Phan Bội Châu trước năm 1925 (Trang 32 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)