- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, và
2.7.5. Thủ tục áp dụng
Theo thủ tục chung, để tòa án có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bên khởi kiện (là nguyên đơn) phải làm đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và phải có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu đó là cần thiết. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải cam kết đền bù mọi thiệt hại cho Bị đơn nếu việc áp dụng các biện pháp đó là không xứng đáng và bị lạm dụng. Sau khi nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các chứng cứ kèm theo, Chánh án tòa án có thẩm quyền chỉ định ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu (đối với trường hợp người yêu cầu nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng với việc nộp đơn khởi kiện). Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết. Trước khi ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tòa án có thể yêu cầu người khởi kiện tạm đóng một khoản tiền bảo đảm để khi có thiệt hại do việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gây ra thì bồi thường ngay và tòa án sẽ giải quyết việc bồi thường đó trong cùng một vụ kiện. Người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm này trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu;
Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình tòa án giải quyết vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải xem xét, giải quyết trong thời hạn 3 ngày ngay sau khi người yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm;
Trường hợp Hội đồng xét xử nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi người yêu cầu thực hiện xong biện pháp bảo đảm.