4. Ý nghĩa của đề tài
3.1.6. Điều kiện kinh tế, xã hội
Diện tích, dân số
Tổng diện tích tự nhiên của huyện Đông Triều là 397,7 km2, dân số theo số liệu thống kê đến ngày 25/05/2011 là 163.984 người, xấp xỉ số dân
của thành phố Hạ Long, hầu hết là người Kinh. Mật đọ dân số xấp xỉ 412 người / km2 . Dân số Đông Triều phần lớn là công nhân ngành than, có gốc từ đồng bằng Bắc Bộ.
Huyện Đông Triều gồm có 19 xã và 2 thị trấn: TT Đông Triều và TT Mạo Khê có diện tích là 1.982,7 ha; dân số 43.803 người.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp:
Đông Triều đã phát triển mạnh mẽ, tác động tích cực nhiều mặt vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản là ngành chủ đạo mà điển hình là khai thác than đá. Than thuộc loại Antraxit, có chất lượng tốt, giá trị sử dụng cao.
Các mỏ than có vị trí từ vùng Đông Triều đến Cẩm Phả với các vỉa than có cấu tạo và hình thái phức tạp, biến động về chiều dày và chất lượng than. Tổng trữ lượng ước tính đến ngày 01/01/2011, độ sâu – 350m khoảng 48,7 tỷ tấn, cho phép khai thác 45 – 75 triệu tấn/năm theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 và các năm tiếp theo.
Hoạt động khai thác than hàng trăm năm qua tại huyện Đông Triều đã gây nhiều tác động mạnh tới môi trường: phá huỷ cảnh quan; bụi và ồn trên khai trường, khu vực xung quanh, dọc các tuyến vận chuyển; gây xói lở, bồi lắng dòng chảy; thu hẹp môi trường sống của động vật hoang dã do mất rừng; làm cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước ngầm, gây ô nhiễm môi trường nước mặt (sông, hồ) và nước biển ven bờ, tỷ lệ tổn thất trong khai thác hầm lò còn tới trên 40%, số vụ tai nạn lao động ngày càng tăng, các bãi thải mỏ ngày càng lớn trong khi chưa có biện pháp xử lý lượng chất thải khổng lồ này...
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Triều có bước phát triển khá, các ngành nghề truyền thống tiếp tục phát triển; diện mạo của các làng nghề sản xuất gốm, sứ thủ công mỹ nghệ đã thay đổi cơ bản về quy mô sản xuất, chất lượng, mỹ thuật và thị trường tiêu thụ sản phẩm; từng
bước người thợ thủ công mỹ nghệ đã tự khẳng định được thương hiệu của gốm sứ Đông Triều trên thị trường. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển mạnh như Công ty liên doanh gốm Hoàng Quế, Công ty TNHH Quang Vinh, Công ty TNHH Thắng Lợi, Công ty cổ phần Quang và Mỹ nghệ xuất khẩu, Công ty vận tải Thành Tâm... đã góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương. Năm 2006, một số sản phẩm chủ yếu tăng trưởng khá như sản xuất 66,8 triệu viên gạch nung, tăng 12%; đá xây dựng 27.000 m 3; sứ các loại đạt gần 5,5 triệu sản phẩm... Hệ thống bến, bãi bốc xếp hàng hóa đường sông được quy hoạch và đầu tư đã đi vào hoạt động, là đầu mối vận chuyển sản phẩm trên địa bàn huyện.
Đông Triều có rất nhiều làng nghề được được phục vụ nhân dân và thị trường như : Làng nghề Gốm Sứ Đông Triều, như xay xát gạo, mộc gia dụng, thợ nề, sản xuất vật liệu xây dựng, nấm ăn và nguyên liệu, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre làm thúng, mủng, rèn, cơ khí nhỏ, sửa chữa, dệt may, thêu ren, điêu khắc than đá...
Nông nghiệp:
Trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, ngành kinh tế chủ đạo của Đông Triều cũng đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Tuy đã phải dành khá nhiều diện tích đất canh tác để phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, bến bãi... song việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ được thực hiện và hiệu quả. Đến 2010, 90,5% diện tích lúa trên đồng chủ yếu được cấy bằng giống mới, giống thuần có năng suất cao, chất lượng tốt.
Diện tích cây vụ động được mở rộng từ 1.293 ha năm 2001 lên 3.118 ha, trong đó cây ngô đông là 852 ha. So với năm 2001, hệ số quay vòng đất hiện đã tăng từ 2,45 lên 2,5 lần; giá trị sản xuất từ 16,5 triệu đồng ha lên 32,5 triệu đồng ha canh tác, năng suất lúa bình quân tăng từ 45,8 tạ/ha/vụ lên 57,5 ta/ha/vụ; sản lượng lương thực tăng từ 59.902 tấn lên 65.000 tấn, do đó đã đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, một phần được chuyển sang hàng
hoá. 100% số xã, thị trấn giờ đây đang xây dựng những cánh đồng với 1.219 ha theo mô hình cánh đồng đạt giá trị sản xuất trên 40 triệu đồng trở lên/ha, bước đầu có hiệu quả. Hệ thống chợ của huyện và các xã đều đã được quy hoạch, mở mang và đầu tư để tạo mở thị trường tiêu thụ hàng hóa cho nông dân, tạo thêm chỗ làm việc cho người kinh doanh thương mại, dịch vụ và cũng là để tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Doanh thu của ngành thương mại, dịch vụ năm 2006 ước đạt 358 tỷ đồng tăng 27,5% so với năm 2005 và chiếm hơn 19% tỷ trọng kinh tế chung. Tỷ lệ hộ giàu có trong huyện đã chiếm 11%; số hộ khá và trung bình có 80,3%. Số hộ sản xuất giỏi và hộ giàu ngày càng tăng, đời sống vật chất tinh thần ngày được nâng cao; trên 90% số hộ có xe máy...
Văn hóa, xã hội
Về văn hoá, xã hội, Đông Triều có nhiều nét đặc sắc. Ngoài đền thờ Lê Chân ở thôn An Biên xã Thuỷ An, Đông Triều còn dày đặc các di tích lịch sử văn hoá thời Lý Trần, đặc biệt là thời Trần. Đông Triều là quê gốc của nhà Trần. Tổ tiên nhà Trần làm nghề đánh cá trên sông, sau lênh đênh về sông Hồng rồi định cư và phát tích từ phủ Thiên Trường Nam Định song vẫn gắn bó với quê gốc, An Sinh Vương Trần Liễu đã trở về Đông Triều lập ấp An Sinh. Tám mộ vua Trần đã di dời về đây và ngay thời Trần đã xây Đền An Sinh ở khu trung tâm các lăng mộ. Ngoài tám ngôi mộ và Đền An Sinh, đỉnh núi Thiên Kỳ ở phía bắc xã An Sinh còn có am Ngoạ Vân, nơi vua Trần Nhân Tông qua đời, nay còn lăng Trần Nhân Tông, trong đó có Phật Hoàng Tháp (tháp Vua Phật). Theo sử sách, ở chùa Ngọc Thanh ( thôn Đạm Thuỷ xã Thuỷ An) còn có lăng vua Trần Thuận Tông. ở xã Yên Đức có dấu vết Vườn Thượng Uyển ở chân núi Phượng Hoàng và bài thơ đề là của Trần Nhân Tông khắc trong hang núi Mèo .
Đông Triều có hơn một trăm đình, chùa, nghè, miếu cổ. Thời Lý trên đất Đông Triều đã có nhiều ngôi chùa lớn, nay ở chùa Quỳnh Lâm còn một
tấm bia lớn thời Lý. Trong toàn huyện, di vật còn lại nhiều nhất là từ thời Trần về sau. Các chùa Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Bác Mã xưa rất nổi tiếng, đặc biệt là chùa Quỳnh Lâm, nơi Trần Nhân Tông, sư Pháp Loa, sư Huyền Quang - các vị tổ của Thiền Phái Trúc Lâm đều đã có công xây dựng lớn. Xưa có tượng Di Lặc bằng đồng là một trong ‘’tứ đại khí’’ của nước ta. Chùa rộng hàng trăm gian, có gác cao treo khánh đá, chuông đồng, là nơi hàng trăm nhà sư dịch kinh Đại Tạng, hàng vạn tín đồ trong đó cả vua quan triều đình dự hội Thiên Phật. ở đây có Quỳnh Lâm viện và thi xã Bích Động, nơi gặp gỡ của các nhà thơ lớn cuối thời Trần.
Ngoài chùa Quỳnh (liệt hạng 15-11-1991), cụm di tích lịch sử văn hoá xã Yên Đức (liệt hạng 16-12-1993), chùa Bác Mã - di tích Đệ tứ Chiến khu (liệt hạng 5-9-1994), Đông Triều đã tôn tạo đền Lê Chân, chùa Cảnh Huống và vừa xây dựng lại đền An Sinh (liệt hạng 28-4-1962). ở Mạo Khê có di tích chùa Non Đông (Tương Quang tự) còn bia từ thời Trần. ở xã Đức Chính có bia và đền Trạo Hà thờ một vị tướng triều Tây Sơn... đang cần được bảo vệ và tôn tạo. Rất tiếc là đình Bình Lục một công trình kiến trúc đặc sắc đã thành phế tích. Khu mộ cổ ở Mạo Khê cho thấy Đông Triều xưa là một điểm dừng trên hành lang xâm lược thời Đông Hán.
Đông Triều từng có những tài năng kiệt xuất, nhất là thời Trần. Đó là danh nhân Trần Thì Kiến, thám hoa Trần Đình Thâm, bảng nhãn Lê Hiến Phủ.
Đông Triều còn có bề dày truyền thống về văn hoá, giáo dục. Là huyện đầu tiên trong tỉnh xoá mù chữ và phổ cập tiểu học, nay Đông Triều có bốn trường phổ thông trung học.
Đông Triều là huyện có nhiều liệt sĩ, nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất trong tỉnh. Tổng kết kháng chiến huyện Đông Triều vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng.
Giao thông
- Quốc lộ 18A Nối Đông Triều với Thị Xã Chí Linh Tỉnh Hải Dương qua cầu địa phận (Vàng Dán).
- Phà Triều nối Đông Triều với huyện Kinh Môn Hải Dương qua sông Kinh Thầy.
- Cầu Hoàng Thạch nối thị trấn Mạo Khê với thị trấn Minh Tân huyện Kinh Môn Hải Dương Qua sông Đá Vách.
- Đông Triều cũng có tuyến đường sắt Hà Nội - Cảng Cái Lân đi qua với ga chính là ga Tràng An.