kiểm toán báo cáo tài chính tại Công ty AVA
Trên cơ sở nghiên cứu nội dung và thủ tục soát xét trong quy trình kiểm toán báo cáo tài chính được xây dựng tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Kế toán-Kiểm toán Việt Nam và tình hình áp dụng thủ tục trên đối với 2 Công ty A và B, Em xin mạnh dạn đưa ra một số nhận xét sau :
Thứ nhất : Về việc thiết kế các thủ tục soát xét trong quy trình kiểm toán báo cáo tài chính tại Công ty: Nhìn nhận một cách tổng quát, các thủ tục soát xét trong quy trình kiểm toán báo cáo tài chính đã được quy định tương đối chặt chẽ (có thể tham khảo Quyết định của Giám đốc Công ty về việc Ban hành quy trình và tài liệu soát xét Hồ sơ kiểm toán báo cáo tài chính trong phụ lục 3.1). Trong một cuộc kiểm toán cụ thể, việc soát xét được thực hiện theo từng bước của quy trình kiểm toán từ giai đoạn lập kế hoạch đến giai đoạn kết thúc. Do Công ty đã có một quy trình kiểm toán chuẩn được thiết lập một cách đầy đủ và chi tiết vì vậy việc soát xét đã có căn cứ và tương đối toàn diện. Điều này sẽ là cơ sở để các KTV cũng như tất cả các thành viên liên quan khác thực hiện công việc soát xét một cách đúng hướng, hiệu quả. Mặt khác, quy định của Công ty, việc soát xét phải được thực hiện qua ba cấp soát xét, về mặt ưu điểm, công việc kiểm toán sẽ được soát xét kỹ lưỡng, giúp nâng cao chất lượng của cuộc kiểm toán. Có thể khẳng định rằng, với quy định về thủ tục soát xét như trên, nếu tất cả các cuộc kiểm toán đều được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định đã đề ra thì chất lượng của các cuộc kiểm toán sẽ được nâng cao hơn, việc đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ nhân viên cũng được tốt hơn và do đó cũng tạo nền nếp, thói quen làm việc theo đúng các chính sách, quy định của Công ty
Tuy nhiên, việc thiết kế thủ tục soát xét trong quy trình kiểm toán báo cáo tài chính tại Công ty vẫn có một số hạn chế nhất định:
Một là, Các thủ tục soát xét của Công ty mới chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn chưa có tài liệu chính thức đầy đủ. Thực tế, Quyết định về việc ban hành Quy trình và tài liệu soát xét Hồ sơ kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty mới chỉ nằm trên dự thảo, chưa được ban hành chính thức. Trong dự thảo này cũng chưa có những quy định cụ thể về các thủ tục soát xét trong quy trình kiểm toán báo cáo tài chính. Kèm theo đó, các bản tổng hợp soát xét của Công ty cũng chưa phổ biến cho các cấp bậc nhân viên trong Công ty. Vì vậy trong quá trình thực hiện, có nhiều nhân viên còn chưa biết đến việc lập các bản kiểm tra soát xét trênlà điều không thể tránh khỏi.
Hai là, Công ty chưa xây dựng quy định về thủ tục soát xét sau cuộc kiểm toán, soát xét hàng năm. Thực tế cho thấy rằng, việc soát xét này là cần thiết nhằm rút kinh nghiệm về các công việc đã làm, có phương hướng cụ thể để đào tạo, bồi dưỡng nhân viên nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính cho các cuộc kiểm toán tiếp theo.
Ba là, Công ty cũng chưa có chế tài cụ thể về việc xử lý hành vi không tuân thủ các quy định chính sách của Công ty. Vì vậy sẽ có tình trạng thủ tục đã được xây dựng nhưng do không có tính chất bắt buộc nên các KTV sẽ không tiến hành một cách nghiêm túc. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn cho chất lượng kiểm toán của Công ty.
Thứ hai: Về tình hình thực hiện các thủ tục soát xét : Nhìn chung,
Công ty đã thực hiện tương đối tốt việc soát xét công việc kiểm toán. Trong một cuộc kiểm toán, sau khi các kiểm toán viên tự rà soát lại công việc của mình, công việc soát xét còn được thực hiện ở 3 cấp quản lý: trưởng nhóm kiểm toán, chủ nhiệm kiểm toán và Ban Giám đốc và được thực hiện ở cả 3 giai đoạn của cuộc kiểm toán. Điều này không những đảm bảo cho cuộc kiểm
toán đạt hiệu quả mà còn hoàn thành các mục tiêu khác như phát hành báo cáo đúng tiến độ theo yêu cầu của khách hàng, không làm ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện kiểm toán khách hàng khác. Bên cạnh đó, Công ty đã thực hiện tốt hoạt động tổ chức và soát xét đối với các hồ sơ kiểm toán. Những quy định về trình bày, tham chiếu, sắp xếp các giấy tờ làm việc khoa học được thực hiện chặt chẽ. Hoạt động soát xét lại các hồ sơ kiểm toán cũng được thực hiện một cách nghiêm túc. Hồ sơ kiểm toán là sản phẩm của cuộc kiểm toán, là kết quả quá trình làm việc của các KTV. Vì thế, khi sản phẩm cuối cùng được soát xét một cách đầy đủ tất yếu sẽ kiểm soát được quá trình tạo ra sản phẩm đó tức là kiểm soát tốt cuộc kiểm toán.
Tuy vậy, việc thực hiện công việc soát xét không phải lúc nào cũng đạt được hiệu lực và hiệu quả cao. Một số hạn chế cụ thể của hoạt động này tại AVA bao gồm :
Trước hết: Trong từng giai đoạn của cuộc kiểm toán, việc thực hiện các thủ tục soát xét chưa thật chặt chẽ. Trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán, công việc soát xét chưa được thực hiện thường xuyên. Nhiều trường hợp hoạt động tìm hiểu về khách hàng chưa được thực hiện hoặc thực hiện rất sơ sài dẫn đến tình trạng Công ty không am hiểu về khách hàng nhưng vẫn chấp nhận kiểm toán. Phổ biến nhất là trường hợp KTV có thực hiện khâu tìm hiểu khách hàng nhưng không thế hiện trên các giấy tờ làm việc. Công việc xem xét, đánh giá về khách hàng chỉ dựa vào kinh nghiệm của những người khảo sát nên không đảm bảo tính khách quan. Đồng thời việc không lưu trên các giấy tờ làm việc đã gây khó khăn cho những người thực hiện kiểm toán. Mặt khác, trong giai đoạn này, hầu như Công ty cũng không có sự soát xét kế hoạch kiểm toán cũng như chương trình kiểm toán chi tiết. Trong giai đoạn thực hiện kiểm toán và kết thúc kiểm toán công việc soát xét của trưởng nhóm kiểm toán đối với giấy tờ làm việc của các thành viên trong đoàn cùng với sự
soát xét lại của các chủ nhiệm kiểm toán và thành viên Ban Giám đốc nhiều khi không được thể hiện trên các giấy tờ làm việc nên rất khó để xác định hoạt động soát xét có thực sự diễn ra hay không. Việc không tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy trình soát xét theo quy định của Công ty không những ảnh hưởng đến chất lượng của công việc kiểm toán mà còn tạo thói quen không thực hiện đúng chính sách của Công ty tạo tiền lệ không tốt cho các KTV và trợ lý KTV trong các cuộc kiểm toán sau.
Tiếp theo đó : Trong một số khâu của hoạt động kiểm toán, vai trò soát xét của từng cấp soát xét, đặc biệt là vai trò của chủ nhiệm kiểm toán và trưởng nhóm kiểm toán chưa được phân biệt rõ ràng. Đặc biệt trong trường hợp chủ nhiệm kiểm toán làm trưởng nhóm kiểm toán thì vai trò soát xét của chủ nhiệm kiểm toán đó hầu như không còn, chủ yếu chỉ còn vai trò soát xét của trưởng nhóm kiểm toán. Trong trường hợp này, đã mất đi một khâu soát xét quan trọng của chủ nhiệm kiểm toán. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của quá trình soát xét, do đó, Công ty đã có giải pháp là đề nghị một chủ nhiệm kiểm toán khác soát xét, tuy nhiên công việc này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên.
Bên cạnh đó, Trong một số trường hợp, do áp lực về mặt thời gian, báo cáo kiểm toán được ưu tiên hoàn thiện số một nên việc thực hiện soát xét khác chưa được thực hiện đầy đủ theo đúng quy trình, báo cáo phát hành trước khi hồ sơ kiểm toán được hoàn thiện. Việc hoàn thiện sau này chỉ còn mang tính chất hình thức.
Ngoài ra, Công ty cũng chưa thực hiện công việc soát xét chất lượng hàng năm. Đây là một hạn chế rất lớn của Công ty. Do không thực hiện công việc soát xét chất lượng hàng năm nên Công ty sẽ không thể tổng kết đánh giá được chất lượng kiểm toán mà đơn vị mình đã thực hiện trong năm cũng như
sẽ không có cơ sở để đưa ra phương hướng để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán trong năm kế tiếp.
Đánh giá một cách khái quát nhất, tại AVA, các quy định về quy trình soát xét cũng đã được xây dựng. Tuy nhiên, các quy định đó chưa đầy đủ và chưa được thể hiện bằng văn bản công bố chính thức, đào tạo đầy đủ cho nhân viên. Việc tuân thủ các quy định trong quá trình kiểm toán còn chưa được chú trọng, cách thức thực hiện quy trình soát xét tại Công ty cũng chưa thể hiện được phong cách làm việc chuyên nghiệp. Mặc dù hiện tại, cách làm đó đáp ứng được mục tiêu hoàn tất được nhiều cuộc kiểm toán trong mùa kiểm toán song về lâu dài, Công ty cần có sự hoàn thiện hơn về việc thiết kế và thực hiện quy trình soát xét trong quy trình kiểm toán.