1.7.2.1. Dân số và thành phần dân tộc
Toàn bộ huyện Con Cuông có 13 xã và thị trấn với hơn 68.000 nhân khẩu gồm bốn dân tộc chính là Thái, Đan Lai (Thổ), Kinh, Hoa cùng sinh sống. Mặc dù, tập quán sinh hoạt của các dân tộc rất khác nhau nhưng họ chung sống rất đoàn kết. Do vị trí địa lý, điều kiện sống của họ còn gặp nhiều khó khăn nên đa số đang được hưởng trợ cấp từ chương trình 135 cho các vùng sâu, vùng xa. Chiếm đa số dân cư sinh sống trong các vùng lõi của Vườn Quốc Gia Pù Mát là người Thái với tập tục văn hóa, tín ngưỡng lâu đời ; có những lễ hội gắn liền với mùa bội thu và sản xuất nông nghiệp.
Chiếm số ít trong thành phần dân tộc là người Kinh và người Đan Lai. Người Kinh chủ yếu tập trung ở thị trấn Con Cuông hoặc những người từ nơi khác di cư đến. Người Đan Lai chủ yếu tập trung ở ba bản Cò Phạt, Bản Cồn và Bản Búng thuộc xã Môn Sơn nằm ở phía Đông Nam của Vườn Quốc Gia Pù Mát, họ sống và canh tác ở những nơi đất dốc.
Do được Nhà nước quan tâm nên hiện nay nhiều đối tượng được tiếp cận với điều kiện học tập tốt hơn giúp nâng cao trình độ, thay đổi nhận thức của người dân, dần xóa bỏ những tập tục sản xuất kém hiệu quả, ảnh hưởng đến sự bảo tồn, phát triển rừng và đa dạng sinh học.
1.7.2.2. Nông nghiệp :
Đa số người dân xung quanh vùng đệm làm nghề trồng lúa, các loại hoa màu khác như : đỗ, ngô, lạc khoai, sắn...Nhờ được sự quan tâm của Nhà nước và nhiều ngành, hiện tại người dân địa phương nơi đây đã dần tiếp thu được những kĩ thuật canh tác mới, sản xuất theo mùa vụ, xóa bỏ những tập tục canh tác cũ, kém hiệu quả. Ngoài ra người dân còn tham gia chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như : trâu, bò. lợn, gà...làm gia tăng kinh tế hộ gia đình.
Xã Môn Sơn là một xã vùng sâu biên giới gồm 12 thôn bản với hơn 8.200 nhân khẩu, thuộc ba dân tộc Thái, Đan Lai và Kinh. Với chỉ thị 30 của Bộ chính trị năm 1998 về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ra đời, xã Môn Sơn
nhờ thực hiện tốt cuộc vân động và tuyên truyền nên đã giúp bà con thay đổi tập tục canh tác cũ, áp dụng đầu tư kĩ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Hiện nay, mỗi năm người dân thuộc xã đã tiến hành sản xuất 3 vụ/năm, năng suất lúa hàng năm đạt 54 – 57,8 tạ/ha/vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế xã đạt trên 13%năm.
Ngoài nghề chính của bà con là sản xuất nông nghiệp thì bà con còn tham gia dệt thổ cẩm. Đây là mặt hàng đang ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Thổ cẩm của người Thái đặc biệt nổi tiếng với kiểu dáng, màu sắc và chất lượng rất tốt. Hiện làng nghề dệt thổ cẩm ở hai xã môn Sơn và Lục Dạ đang phát triển đóng góp vào kinh tế hộ gia đình của người dân nơi đây.
Chương 2