Quy mô của ngành đồ gỗ

Một phần của tài liệu Thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang thị trường Mỹ.DOC (Trang 25 - 26)

10 năm qua, Việt Nam đã có khá nhiều cụm công nghiệp chế biến gỗ quy mô tương đối lớn ở Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam... với 2.526 doanh nghiệp năm 2007 , trong đó chủ yếu là các DN dân doanh (1.961 DN), thu hút khoảng 170.000 lao động. Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ các nước vào Việt Nam. Hiện nay cả nước có 410 dự án đầu tư nước ngoài vào ngành chế biến gỗ, trong đó có hơn 300 dự án đã thực hiện với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Chỉ tính trong năm 2006, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong chế biến gỗ đã đóng góp hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ 1,93 tỷ USD. Bình Dương, nơi đóng góp gần 40% kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước, có tới 369 doanh nghiệp chế biến gỗ; trong đó có 194 doanh nghiệp nước ngoài với vốn đầu tư hơn 700 triệu USD.Các doanh nghiệp trong nước cũng tăng cường quy mô sản suất với những tên tuổi được nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài biết tới như Khải Vy, Trường Thành, Tiến Đạt, Đại Thành, Tiến Triển. Công ty TNHH Khải Vy từ 2 nhà máy ở TPHCM và Bình Định đã đầu tư nâng lên 4 nhà máy, sử dụng 4.800 công nhân, xuất khẩu mỗi tháng hơn 500 container đồ gỗ và đang đàm phán mua thêm một nhà máy trị giá 25 triệu USD. Trong danh sách 10 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu Việt Nam hiện nay có nhiều doanh nghiệp 100% vốn trong nước, đã chứng tỏ sự vươn lên của các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước vốn lâu nay thường bị xem là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nói đến công nghiệp đồ gỗ thì không thể không nhắc đến các làng nghề truyền thống của Việt Nam.Hiện nay cả nước có khoảng 342 làng nghề gỗ mỹ nghệ, trong đó có những làng nghề lớn như Vân Hà (Hà Nội), Hữu Bằng, Dư Dụ, Vạn Điểm, Chuyên Mỹ, Nhị Khê (Hà Tây), Bích Chu (Vĩnh Phúc), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Đông Giao (Hải Dương), Đồng Minh (Hải Phòng), La Xuyên (Nam Định), Kim Bồng (Quảng Nam).v.v. Không chỉ được đánh giá cao về chất lượng, các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Việt Nam còn phong phú về mẫu mã, chủng loại, phục vụ cho mọi nhu cầu đa dạng của cuộc sống từ đồ trang trí nội thất như bàn, ghế, tủ, đèn... đến các loại tượng, đồ trang sức, đồ dùng nhà bếp. Sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt ở thị trường hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần mang lại kim ngạch xuất khẩu hàng trăm triệu USD/năm.

Nhìn chung quy mô của các xí nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu là các xí nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất kết hợp giữa thủ công và cơ khí. Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng đồ gỗ công nghiệp thường có sự đầu tư mới về các trang thiết bị và công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, trong khi đó đại bộ phận các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ có hệ thống thiết bị khá lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng lớn hay các thị trường yêu cầu chất lượng cao.

Một phần của tài liệu Thúc đẩy xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam sang thị trường Mỹ.DOC (Trang 25 - 26)