Sự phát triển của dịch vụ 3G tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Xây dựng chiến lược kinh doanh dịch vụ 3G của Công ty Viễn thông Viettel.doc (Trang 30 - 32)

b. Các sản phẩm dịch vụ chính

2.2.4. Sự phát triển của dịch vụ 3G tại Việt Nam

Ngày 5/11/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành “Hồ sơ mời thi tuyển cấp phép thiết lập mạng 3G cho 7 doanh nghiệp viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép thiết lập mạng 2G”. Các doanh nghiệp này bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty thông tin di động (VMS), Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (HaNoi Telecom), Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom), Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile). Đợt thi tuyển lần này nhằm lựa chọn ra 4 doanh nghiệp, thậm chí là Liên danh giữa các doanh nghiệp trong số 7 doanh nghiệp thi tuyển để Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép và cấp tần số nhằm triển khai dịch vụ 3G tại Việt Nam.

Ngày 18/02/2009, lễ tiếp nhận và mở hồ sơ thi tuyển 3G đã diễn ra tại Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên với 7 doanh nghiệp di động chỉ có 6 hồ sơ được nộp do EVN Telecom và HaNoi Telecom cùng liên danh thực hiện hồ sơ.

Ngày 2/4/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố các doanh nghiệp có giấy phép 3G là: Viettel, VNPT, VMS và liên danh EVN + HaNoi Telecom, trong đó Viettel là doanh nghiệp đạt số điểm cao nhất với 966 điểm. Riêng Gtel tuy không trúng tuyển nhưng cũng đã liên danh với Vinaphone để triển khai mạng và dịch vụ thông tin di động 3G. Còn S-Fone, với công nghệ CDMA sẵn có, thì thực chất S- Fone coi như đã có 3G nên mạng này chưa chắc đã phải tìm kiếm đối tác.

Như vậy, Việt Nam nằm trong số những quốc gia bắt đầu ứng dụng 3G và có nhiều lợi thế như: không phải mò mẫm dò đường, công nghệ cũng không còn quá mới mẻ và giá thiết bị phần cứng, phần mềm cũng đã dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, triển khai mạng 3G cũng có nhiều rủi ro:

- Đầu tư cho 3G quá lớn và gần như phải xây dựng một mạng mới. Trên thực tế, nhu cầu hiện nay vẫn chủ yếu là thoại 2G, nếu phát triển mạng 3G mà không có người sử dụng thì không hiệu quả.

- Những dự án cần đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn lâu dài đều dễ trở thành “ cái bẫy” nếu như chúng ta không tính toán kỹ về hiệu quả đầu tư và chiến lược phát triển theo từng giai đoạn theo nhu cầu thị trường, đặc biệt khi đầu tư vào thị trường dịch vụ công nghệ mới tại một thị trường đặc thù như Việt Nam.

- Số lượng máy di động đầu cuối hiện nay vừa hạn chế về số lượng vừa giá thành quá cao nên không phù hợp với đại đa số người tiêu dùng.

Một phần của tài liệu Xây dựng chiến lược kinh doanh dịch vụ 3G của Công ty Viễn thông Viettel.doc (Trang 30 - 32)