I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU THU HÚT FDI CỦA
2. Quan điểm về thu hút FDI
2.1. Xác định FDI là nguồn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư trong nước
Phú Thọ cũng như nhiều tỉnh thành khác trên cả nước luôn luôn coi trọng FDI và xem nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như là một thành phần quan trọng cấu thành nên cơ cấu đầu tư của tỉnh. Thực tế qua nhiều năm, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn chiếm trên dưới 20% trong tổng đầu tư phát triển của tỉnh, là một nguồn bổ sung quan trọng cho sự thiếu hụt của các nguồn đầu tư trong nước, bên cạnh viện trợ phát triển chính thức ODA. Trong tình trạng nợ nước ngoài nhiều như Việt Nam thì không thể trông chờ quá nhiều vào nguồn vốn ODA, do đó tập trung vào thu hút FDI là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Đối với những tỉnh miền núi như Phú Thọ, quy mô sản xuất nhỏ và thiếu vốn là những đặc trưng của thành phần kinh tế trong nước. Nguồn vốn FDI chảy vào tỉnh như một luồng gió mới, làm khởi sắc bộ mặt kinh tế của tỉnh. Các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nhiều lao động, mặt bằng tiền lương cao hơn doanh nghiệp trong nước, quy mô sản xuất lớn và đóng góp cao cho ngân sách nhà nước. Ngoài mặt bổ sung về mặt số lượng, nguồn vốn FDI còn giúp cải thiện các nguồn vốn trong nước về mặt chất lượng. Thông qua quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp FDI tạo ra các “tác động tràn”, giúp tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo không khí cạnh tranh bình đẳng, do đó giúp các doanh nghiệp trong nước cải thiện được hiệu quả hoạt động của mình. Do có nhiều tác động tích cực như vậy nên FDI là nguồn vốn bổ sung không thể thiếu trong các chính sách phát triển kinh tế của tỉnh Phú Thọ. Song nguồn vốn FDI cũng có tính chất hai mặt. Vì vậy trong quá trình thu hút FDI,
tỉnh Phú Thọ luôn cân nhắc và điều chỉnh nguồn vốn này sao cho hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của nó.
2.2. Đa dạng hóa các đối tác đầu tư nước ngoài
Trong hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh thì việc đa dạng hóa các đối tác là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất. Càng có nhiều đối tác thiết lập quan hệ với tỉnh, tỉnh càng có cơ hội lựa chọn cho mình những đối tác phù hợp nhất. Bên cạnh đó, tỉnh còn có thêm nhiều cơ hội học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quản lý, công nghệ kỹ thuật của các nước bạn cũng như là mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.
Thực tế ở tỉnh Phú Thọ, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào tỉnh có cơ cấu theo đối tác rất mất cân đối. Hàn quốc là đối tác chủ yếu của tỉnh, chiếm đa số dự án cũng như lượng vốn đầu tư. Phú Thọ đã phần nào chiếm được cảm tình của quốc gia này, song nếu chỉ phụ thuộc vào mỗi một đối tác là Hàn Quốc thì tỉnh sẽ phải gánh chịu nhiều rủi ro, đặc biệt trong trường hợp nền kinh tế nước bạn bất ổn hay rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, đa dạng hóa các đối tác đầu tư nước ngoài là một quan điểm cơ bản của tỉnh trong thời gian tới.
2.3. Thu hút FDI đi kèm ổn định chính trị và xã hội
Vốn FDI là một nguồn vốn quan trọng của nền kinh tế, song do đặc thù là nó phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài nên cùng tiềm ẩn nhiều sự bất ổn. Sự có mặt của các doanh nghiệp FDI có nguy cơ gây ra những mất ổn định về chính trị và xã hội ở địa phương. Nếu nguồn vốn FDI có tỷ trọng lớn hơn 50% tổng vốn đầu tư thì nguồn vốn FDI sẽ chi phối các nguồn vốn các và kinh tế của địa phương sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn này. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI thường có khả năng công nghệ và vốn vượt trội so với các doanh nghiệp trong nước nên có nguy cơ chèn ép, lấn át khu vực kinh tế trong nước. Các doanh nghiệp FDI cũng sử dụng nhiều lao động và có kỷ luật làm việc nghiêm ngặt. Việc các doanh nghiệp này không tuân thủ luật lao động có thể làm thiệt hại cho người lao động, gây tình trạng khiếu kiện, đình công, tạo ra sự bất ổn đối với toàn xã hội. Đầu tư nước ngoài mà không được chọn lọc cũng sẽ gây ra các thảm họa về môi trường, bởi các nhà đầu tư có thể lợi dụng địa phương làm nơi thải ra các công nghệ và kỹ thuật lạc hậu. Do đó, thu hút FDI cũng cần song song với quá trình cân nhắc sự
đánh đối giữa phát triển kinh tế nhanh chóng và sự ổn định chính trị - xã hội và bảo vệ môi trường sống.