Định hướng thu hút FDI

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Phú Thọ Thực trạng và giải pháp.doc (Trang 81 - 83)

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU THU HÚT FDI CỦA

3. Định hướng thu hút FDI

3.1. Ưu tiên lĩnh vực công nghiệp chế biến và công nghệ cao

Công nghiệp vốn là ngành truyền thống và có thế mạnh của tỉnh Phú Thọ. Tỉnh có một trữ lượng phong phú các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các khoáng sản quý hiếm như: cao lanh, penpat, pyrit, đá xây dựng,... Đây là điều kiện để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản ở địa phương. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua ngành công nghiệp của địa phương chưa thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, do cơ sở hạ tầng và giao thông còn khó khăn. Đó là lý do tỉnh ưu tiên thu hút các dự án khai thác và chế biến khoáng sản trong thời gian tới để khai thác các thế mạnh tài nguyên tự nhiên của tỉnh.

Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến nông lâm sản cũng được tỉnh chú trọng. Phú Thọ nổi tiếng với những đồi chè bao la và được coi là đặc trưng của vùng. Tuy nhiên, để chế biến cây chè thành một sản phẩm có thương hiệu, uy tín và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thì chưa có doanh nghiệp nào làm được. Người trồng chè vẫn đang trong tình trạng bị các tư thương “mua rẻ, bán đắt”; một số doanh nghiệp trồng và khai thác chè với công nghệ còn ở trình độ thấp, tiềm lực về tài chính hạn chế nên công nghiệp chế biến cây chè chưa thực sự phát triển.Ngoài ra, công nghiệp chế biến lâm sản, thịt lợn sữa xuất khẩu... chưa cao, chưa khai thác được các tiềm năng về rừng và về nông nghiệp phong phú của tỉnh nên cần ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực này.

Lĩnh vực công nghệ cao cũng là lĩnh vực được tỉnh ưu tiên đầu tư trong thời gian tới. Đến nay tuy đã có nhiều dự án FDI đầu tư vào công nghiệp song các dự án đó đa số đầu tư vào lĩnh vực may mặc xuất khẩu, dệt,.. sử dụng nhiều lao động song công nghệ hạn chế.Do đó các dự án này chưa đóng góp được nhiều vào việc nâng cao trình độ công nghệ và kỹ thuật của tỉnh. Mặt khác, các dự án này đang lãng phí nguồn nhân lực của tỉnh vốn được đánh giá là có tỷ lệ qua đào tạo cao. Việc ưu tiên đầu tư các ngành công nghệ cao là để khai thác thế mạnh về nguồn nhân lực, giúp đa dạng hóa các ngành công nghiệp và nâng cao trình độ công nghệ của tỉnh.

3.2. Thu hút có chọn lọc FDI vào khu vực dịch vụ

Dịch vụ là ngành kinh tế có vai trò rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá- hiện đại hoá, là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đến năm 2020, dịch vụ là ngành kinh tế có vai trò hết sức quan trọng, chiếm tỷ trọng tới 40% trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, trong 7 năm 2001-2007, Phú Thọ mới thu hút được 8 dự án FDI đầu tư vào ngành dịch vụ. Vì vậy , Phú Thọ đã đưa ra những định hướng nhằm đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Dù vậy, dịch vụ vốn là ngành kinh tế nhạy cảm và có nhiều rủi ro. Các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực này phải được sàng lọc một cách kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến các yếu tố văn hoá xã hội khác cũng như ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững của địa phương, gìn giữ các giá trị văn hóa, đặc biệt là đối với tỉnh Phú Thọ, một tỉnh được coi là vùng đất tổ, là cội nguồn tâm linh của cả dân tộc Việt Nam, có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời. Mặt khác, nền tảng để phát triển ngành dịch vụ ở Phú Thọ còn thiếu và yếu. Nếu Phú Thọ thu hút một cách ồ ạt, thiếu chọn lọc các dự án FDI vào ngành dịch vụ thì có thể gây khó khăn cho công tác quy hoạch trong dài hạn của địa phương và trong công tác quản lý. Vì vậy, thu hút một cách chọn lọc các dự án đã được tỉnh đặt ra như một định hướng cho các dự án FDI vào ngành dịch vụ. Để đáp ứng yêu cầu đó, tỉnh đã tiến hành nghiên cứu thăm dò thị trường và đưa ra bản chào về đầu tư vào các dự án trọng điểm của tỉnh. Trong số các lĩnh vực dịch vụ thì thương mại - du lịch (khai thác tiềm năng du lịch đền Hùng, đầm Ao Châu, nước khoáng nóng Thanh Thủy, rừng quốc gia Xuân Sơn...), tài chính- ngân hàng và kinh doanh bất động sản là những ngành thuộc nhóm được ưu tiên nhất.

3.3. Ưu tiên đầu tư vào xây dựng hạ tầng KCN,CCN

Cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu thuộc về môi trường đầu tư. Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài thì cơ sở hạ tầng các KCN-CCN là yếu tố cơ sở hạ tầng được quan tâm nhất, vì tại các KCN-CCN đó, các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp tiến hành đầu tư và sản xuất kinh doanh. Ở Phú Thọ cũng như các địa phương khác, vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thường được lấy từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên,

nguồn vốn này là có hạn và khả năng huy động chậm chạp, do đó chưa đáp ứng được các nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng đang tăng nhanh, đặc biệt là hạ tầng KCN-CCN. Thấy rõ được các khó khăn này, trong những năm vừa qua, tỉnh Phú Thọ đã kêu gọi và ưu tiên các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm huy động các nguồn vốn khác trong xây dựng cơ bản. Kết quả là khá khả quan sau sự hình thành CCN Đồng Lạng thuộc huyện Phù Ninh được Công ty TNHH phát triển hạ tầng Đồng Lạng làm chủ đầu tư. Trong giai đoạn 2001-2007, CCN Đồng Lạng đã thu hút được 16/76 dự án FDI của cả tỉnh. Tuy nhiên, nhu cầu về các KCN-CCN của tỉnh vẫn còn rất cao, nhiều quỹ đất dành cho xây dựng các KCN-CCN chưa được khai thác. Do vậy, trong thời gian tới, Phú Thọ ưu tiên các dự án đầu tư vào hạ tầngKCN-CCN, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.

3.4. Ưu tiên dự án vốn lớn và công nghệ hiện đại

Thời gian vừa qua, tuy tình hình thu hút FDI đã có những biến chuyển khả quan song vẫn còn không ít tồn tại, mà một trong những tồn tại đó là quy mô các dự án FDI thu hút được quá nhỏ.Mức vốn đầu tư đăng ký cấp phép bình quân cho một dự án giai đoạn 2001- 2007 là 4,65 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước là khoảng 10 triệu USD/1 DA. Các dự án nhỏ này tạo ra các tác động tích cực thấp hơn với doanh thu thấp hơn, kim nghạch xuất khẩu nhỏ hơn, sử dụng ít lao động hơn và đóng góp ngân sách ít hơn so với các dự án có vốn đầu tư lớn. Do đó, tỉnh đang có định hướng thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có vốn lớn bằng các chính sách ưu đãi và ưu tiên thích hợp.

Ngoài ra, trình độ công nghệ lạc hậu đi kèm theo đó là năng suất lao động thấp đã hạn chế không nhỏ đến khả năng phát triển kinh tế của tỉnh. Để nhanh chóng “đi tắt đón đầu”, thu hẹp khoảng cách trong phát triển kinh tế so với các địa phương khác và so với mặt bằng chung của cả nước, Phú Thọ đã nêu rõ quan điểm là thu hút các dự án FDI có công nghệ hiện đại. Điều đó sẽ giúp tỉnh học hỏi được nhiều kinh nghiệm quản lý các công nghệ hiện đại và tiếp thu các công nghệ đó qua hình thức liên doanh hay chuyển giao công nghệ, qua đó góp phần nâng cao trình độ về khoa học công nghệ chung của toàn tỉnh.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Phú Thọ Thực trạng và giải pháp.doc (Trang 81 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(118 trang)
w