Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhen nhóm từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2007 đã tạo hiệu ứng dây chuyền và biến thành bão lớn trong năm 2008.
Khi nền kinh tế Mỹ và châu Âu xấu đi, nguồn vốn đầu tư có sự dịch chuyển sang
những thị trường mới. Tại châu Á, Nhật Bản, Úc, bất động sản trở nên đắt đỏ. Điểm khác biệt cơ bản của thị trường bất động sản Việt Nam với thị trường bất động sản Mỹ và các nước châu Âu đó là thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn là một thị trường non trẻ, thiếu minh bạch và thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu.
Tại thời điểm cơn bão đang ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Mỹ và châu Âu, Việt Nam lại là một thị trường tiềm năng do xuất phát điểm thấp. Là nước đang
phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Với đà tăng trưởng năm 2007, cùng với việc dịch chuyển cơ cấu dân số về các thành phố kiếm việc
làm và lập nghiệp; việc tăng dân số cơ học; sự tăng trưởng của mức sống; việc ra đời của hàng chục nghìn doanh nghiệp mỗi năm; sự phát triển không ngừng của
ngành công nghiệp bán lẻ và phân phối đã dẫn đến lượng cầu về nhà ở, văn phòng, khu mua sắm, hạ tầng khu công nghiệp, khách sạn tăng lên nhanh chóng.
Thị trường bất động sản non trẻ của Việt Nam còn có sự hấp dẫn khác trong giai đoạn này. Đó là, trong khi xét về tổng thể, thị trường bất động sản của Mỹ, Úc,
Nhật Bản, tuy có những sự khác biệt riêng, nhưng do có sự liên kết về kinh tế nên có những xu hướng phát triển theo tính chu kì gần sát nhau. Chính sự non trẻ này
đã tạo ra sức hấp dẫn đa dạng hóa danh mục đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm giảm thiểu rủi ro và khai thác lợi nhuận tiềm năng.
Năm 2007 được coi là năm đỉnh điểm của chu kì tăng trưởng kinh tế Việt Nam với
tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,48%. Năm 2007, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư
trực tiếp nước ngoài khoảng 20,3 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm
40% tổng số vốn. Cùng với sự hưng phấn của nền kinh tế, các ngân hàng thương
mại đã mạnh tay cho vay. Theo số liệu của Ngân Hàng Nhà Nước, trong sự tăng đột biến từ quý IV/2007 đến quý I/2008, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng lớn. Đỉnh điểm của sự bùng nổ tín dụng là tháng 12/2007, khoảng 41.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD) được bơm vào nền kinh tế từ các ngân hàng của thành phố Hồ Chí Minh.
Khi những cơn sốt bất động sản lên đến đỉnh điểm, giá bất động sản tăng chóng
mặt thì có thể nhận thấy một điều nghịch lý là: Việt Nam - quốc gia có thu nhập
bình quân đầu người thuộc hàng thấp nhất, lại có giá bất động sản thuộc vào hàng cao nhất trên thế giới.
Theo thống kê của CB Richard Ellis, giá các căn hộ chung cư cao tầng tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tháng 10/2007 tăng khoảng 30% so với năm 2006;
cuối tháng 1, đầu tháng 2/2008 tăng khoảng 50% so với năm 2006. Tỷ lệ lấp đầy các văn phòng cho thuê loại A và B tại thành phố Hồ Chí Minh là trên 95% với giá
thuê trung bình trên 50USD/m2/tháng.
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn; trong khi đó, bản thân những biến động xấu của nền kinh tế
vĩ mô, lạm phát và lãi suất cao cũng đã làm chùng bước không ít nhà đầu tư.