Xây dựng hệ thống thông tin BĐS Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới

Một phần của tài liệu Tác động của sự minh bạch thông tin trong thị trường bất động sản Việt Nam đối với công tác thẩm định giá bất động sản.pdf (Trang 49 - 50)

Căn cứ các dữ liệu khảo sát tại 10 nước được lựa chọn bao gồm 5 nước phát triển (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật) và 5 nước đang phát triển tại châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan), mỗi nước đều xây dựng hệ thống thông tin BĐS ở mức độ chi tiết khác nhau, nhưng nhìn chung có thể xếp các dữ liệu vào 4 nhóm chính như sau:

1. Thông tin liên quan đến CUNG: số lượng nhà ở (hoặc cao ốc) khởi công xây dựng, tổng chi tiêu cho xây dựng, giá trị đặt hàng cho các hợp đồng xây dựng, các giấy phép xây dựng đã cấp và tiến độ, số lượng công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Các số liệu từ nguồn cung của các nước chủ yếu chỉ dựa trên các dự án được cấp phép và khởi công chứ không dựa vào số liệu đăng ký đầu tư. Tại Việt Nam, các số liệu này có thể được cập nhật một phần từ chính các cơ quan cấp phép xây dựng tại địa phương. Việc hệ thống hóa các dữ liệu đòi hỏi việc kiểm tra theo dõi tiến độ xây dựng của các dự án có phù hợp với giấy phép xây dựng đã được cấp hay không, vì nếu các dự án bị đình hoãn kéo dài thì thông tin nguồn cung sẽ bị sai lệch. Hệ thống thông tin có thể được công bố chi tiết đến mức tính được số lượng dự án bị đình hoãn.

2. Thông tin liên quan đến khối lượng thị trường: số lượng nhà mới đã bán, số lượng bán nhà đã có sẵn, số lượng nhà xây xong chưa bán hết. Tại Việt Nam, các số liệu này rất khó thu thập vì từ trước đến nay các chủ đầu tư đều không muốn công bố số liệu thật. Từ tháng 01-2009 khi các giao dịch kinh doanh nhà ở đều phải qua sàn thì việc từng bước áp dụng quy định này sẽ trở nên khả thi hơn.

3. Thông tin liên quan đến giá trị thị trường: chỉ số giá xây dựng/chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số thị trường nhà ở, chỉ số giá bán nhà ở bình quân, chỉ số giá đất bình quân. Tại Việt Nam, các chỉ số này hiện vẫn đang được lập một cách rời rạc theo từng khu vực do các công ty kinh doanh BĐS tự xây dựng. Sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ đưa vào áp dụng chỉ số REMI (chỉ số BĐS Việt Nam). Tuy nhiên, tại phần lớn các nước được nghiên cứu thì chỉ số này cần đi kèm với chỉ số giá xây dựng, vật liệu xây dựng và chỉ số giá đất để có thể kiểm soát việc xác định giá trị BĐS một cách hợp lý.

Các chỉ số về giá các loại cổ phiếu/chứng khoán BĐS cũng là thông tin có liên quan chặt chẽ đến TTBĐS, nhưng các chỉ số này được theo dõi riêng biệt theo hệ thống của thị trường chứng khoán, không thuộc nhóm thông tin này.

4. Thông tin liên quan đến CẦU: số lượng đơn xin vay mua nhà, giá trị giải ngân để cho vay mua nhà, dự kiến mức tăng hộ gia đình mới. Tại Việt Nam, số liệu trên có thể thu thập được từ ngân hàng Nhà nước và các địa phương. Tuy nhiên, cách cập nhật kịp thời và chính xác các số liệu này là điều khó khăn vì phải có giải pháp để loại trừ nhu cầu do đầu cơ và số lượng đơn xin

mua nhà trong diện được giải chấp sẽ thường xuyên thay đổi phụ thuộc chính sách tín dụng của ngân hàng.

Ngoài ra, các dữ liệu kinh tế vĩ mô như mức tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người... cũng được các nước xem là đầu vào quan trọng để tính toán nhu cầu.

Ngoài các loại thông tin trên thì tại các nước phát triển còn có các thống kê theo dõi đặc điểm và chất lượng của từng loại BĐS (nhằm mục đích nâng cao chất lượng BĐS, nâng cao điều kiện sống của cộng đồng), nhưng phần lớn các dữ liệu này không được thống kê tại các nước đang phát triển.

Một phần của tài liệu Tác động của sự minh bạch thông tin trong thị trường bất động sản Việt Nam đối với công tác thẩm định giá bất động sản.pdf (Trang 49 - 50)