Trước tiên là chọn một sàn giao dịch chứng khoán phù hợp. Câu hỏi đầu tiên mà bất kỳ một vị CEO nào cũng phải trả lời là công ty nên niêm yết trên sàn giao dịch chứng
khoán nào? Câu hỏi này không dễ trả lời vì việc nên niêm yết ở nước nào còn phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh và chiến lược phát triển của công ty và sự hiểu biết của các nhà lãnh đạo công ty về tâm lý và xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng trên những sàn giao dịch chứng khoán này. Tuy nhiên, điều quan trọng mà các công ty cần biết là các sàn giao dịch chứng khoán thường cạnh tranh để các công ty niêm yết trên sàn của mình. Tuy nhiên họ có thể có những quan điểm khác nhau về tiêu chuẩn chọn lựa các công ty sẽ được niêm yết.
Sau khi đã lựa chọn được sàn giao dịch chứng khoán thích hợp thì điều quan trọng tiếp theo là công ty phải hiểu biết tường tận các qui định để được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đó. Các công ty cũng cần ý thức rằng những qui định của các sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài khắt khe hơn nhiều so với những qui định hiện đang được áp dụng cho các sàn giao dịch chứng khoán tại VN, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến báo cáo tài chính, quản trị doanh nghiệp, thuế và quan hệ với nhà đầu tư.
Yêu cầu về báo cáo tài chính
Hầu hết tất cả các sàn giao dịch chứng khoán ở các nước đều yêu cầu các công ty phải công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được soạn lập theo các Chuẩn Mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) của 3 năm tài chính trước khi niêm yết. Đa số các DN Việt Nam không soạn lập báo cáo tài chính theo IFRS, và nếu các công ty này có soạn lập báo cáo tài chính theo IFRS thì không phải lúc nào cũng được kiểm toán viên đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần cho các báo cáo tài chính đó. Lý do là để tuân thủ đầy đủ theo IFRS, các công ty VN cần có khả năng duy trì một hệ thống có thể lưu trữ và cung cấp được các thông tin cần thiết, bao gồm các dữ liệu quá khứ và tương lai, theo một phương thức giúp cho việc soạn lập được báo cáo tài chính theo IFRS. Các công ty cần lập một kế hoạch chi tiết vì để thực hiện được việc này công ty phải bỏ ra một chi phí đáng kể và quá trình thực hiện sẽ cần phải có sự liên kết của rất nhiều bộ phận quan trọng trong hoạt động kinh doanh của công ty. Quá trình chuẩn bị cho việc soạn lập các báo cáo tài chính theo IFRS là một công việc khá nặng nề. Các công ty vừa và nhỏ của VN có thể mất ít nhất là 2 năm để hoàn
thành quá trình chuẩn bị này. Các công ty lớn có cơ cấu kinh doanh và mô hình phức tạp có thể mất từ 3 năm trở lên để chuyển đổi qua hệ thống báo cáo theo IFRS. Do vậy, ban lãnh đạo công ty cần phải dự trù quỹ thời gian hợp lý và nguồn nhân lực giỏi để thực hiện việc chuyển đổi này. Đối với các tổ chức tài chính thì việc chuyển đổi sang báo cáo theo IFRS đặc biệt khó khăn hơn vì các tổ chức này có mạng lưới hoạt động rất rộng và sản phẩm của họ cũng rất đa dạng.
Sau khi các công ty hoàn thành việc lập báo cáo tài chính theo IFRS, các báo cáo này phải được kiểm toán. Các công ty cũng nên lưu ý là các báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán loại trừ, sẽ có thể không được các sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài hay các nhà đầu tư tiềm năng quốc tế chấp nhận.
Ngoài việc phải công khai các báo cáo tài chính của 3 năm tài chính trước khi niêm yết, các công ty niêm yết ở nước ngoài cũng sẽ phải tuân thủ theo các quy định chi tiết về việc báo cáo thông tin tài chính hiện hành và các yêu cầu về báo cáo khác. Ngoài các báo cáo quý chi tiết, để tuân thủ theo các quy định về niêm yết, các công ty cũng phải công bố chi tiết những sự kiện quan trọng của công ty một cách kịp thời, ví dụ như những thay đổi trong cơ cấu quản lý của công ty, các vấn đề về pháp lý cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường.
Quản trị Doanh nghiệp
Đối với các công ty niêm yết ở nước ngoài, việc quản trị doanh nghiệp tốt cũng có tầm quan trọng không kém. Các vấn đề liên quan đến giám đốc độc lập, trình bày về giao dịch với các bên liên quan, tính hiệu quả của hội đồng kiểm toán được coi là những lĩnh vực mà các công ty Việt Nam cần phải nỗ lực để thực hiện theo đúng các yêu cầu đối với các công ty niêm yết ở nước ngoài. Những công ty này cũng cần phải có các hệ thống và thủ tục kiểm soát nội bộ tốt, hoạt động một cách hiệu quả để có thể ngăn chặn được gian lận và sai sót.
Các quy định thuế quốc tế
Các công ty muốn niêm yết ở nước ngoài cần lưu ý về vấn đề hoạch định thuế. Những rủi ro về thuế có thể làm sụt giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu các công ty Việt Nam và có thể có ảnh hưởng bất lợi đến việc niêm yết ở nước ngoài của các công ty
này. Các công ty cần xem xét những vấn đề trên một cách kỹ lưỡng trước khi niêm yết ở nước ngoài.
Quan hệ với nhà đầu tư
Sau khi hoàn tất việc niêm yết ở nước ngoài, các công ty Việt Nam sẽ phải tiếp xúc nhiều hơn với các nhà đầu tư quốc tế. Các nhà đầu tư này sẽ đòi hỏi công ty nỗ lực hỗ trợ để họ có thể theo dõi hoạt động của công ty. Một trang web sử dụng dễ dàng, được cập nhật kịp thời và có đầy đủ tất cả thông tin về công ty là một cách thức tốt mà các công ty nên áp dụng. Các báo cáo tài chính trước đây và hiện hành, lịch sử của công ty, thông tin trên các phương tiện đại chúng về giá cổ phiếu và các chi tiết về hoạt động kinh doanh của công ty cũng nên được cập nhật trên trang web này. Ngoài ra, các nhà đầu tư lớn như các quỹ đầu tư và những thành viên tầm cỡ khác trong giới đầu tư sẽ có thể liên lạc để tổ chức các cuộc gặp mặt với lãnh đạo hoặc để hiểu rõ thêm về các vấn đề đã được công bố ra đại chúng. Do vậy, các công ty niêm yết trên các thị trường lớn trên thế giới thường có một bộ phận chuyên trách về quan hệ với nhà đầu tư.
Chi phí niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài
Các công ty Việt Nam cần ý thức rằng chi phí niêm yết trên sàn nước ngoài cao hơn rất nhiều so với chi phí niêm yết trên sàn trong nước vì quá trình này đòi hỏi phải có sự tham gia của những tổ chức có tầm cỡ quốc tế trong lĩnh vực bảo lãnh phát hành, kiểm toán, tư vấn pháp luật và tư vấn doanh nghiệp,… Một nhân tố mà các DN Việt Nam thường ít để ý đến là cần phải đảm bảo những nguồn lực thiết yếu để giám sát việc niêm yết và các nghiệp vụ có liên quan sau khi đã niêm yết. Các công ty xin niêm yết cần lưu ý rằng họ không chỉ phải tuân thủ các yêu cầu về niêm yết tại thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, mà quan trọng hơn là phải tiếp tục đáp ứng được những yêu cầu này và duy trì việc tuân thủ trong suốt quá trình niêm yết.
Việc niêm yết ở nước ngoài sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho các DN Việt Nam. Tuy nhiên để tối đa hóa các lợi ích, các DN Việt Nam phải cẩn thận xem xét vấn đề này vì việc có tên công ty mình xuất hiện trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài không phải
là đích đến mà thực sự là điểm khởi đầu cho một hành trình mới những công ty này cam kết sẽ đi đến cùng.
Vai trò của các công ty kiểm toán trong việc niêm yết ở nước ngoài
Sự tham gia chính của các công ty kiểm toán trong quá trình niêm yết ở nước ngoài phần lớn việc kiểm toán các báo cáo tài chính soạn lập theo IFRS. Tương tự việc kiểm toán các báo cáo tài chính được soạn lập theo các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, việc soạn lập báo cáo tài chính theo IFRS là trách nhiệm của ban giám đốc và trách nhiệm của kiểm toán viên là đưa ra ý kiến độc lập liệu các báo cáo tài chính này có được soạn lập trung thực và hợp lý, xét trên mọi phương diện trọng yếu, về tình hình tài chính của công ty hay không.