Môi trường kinh doanh

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp tại Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Thắng Lợi (Trang 34 - 35)

PHẦN 3 NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

3.1.Môi trường kinh doanh

Theo báo cáo từ các địa phương, tại thời điểm đầu năm học 2012-2013, cả nước có 13546 trường mẫu giáo, tăng 402 trường so với năm học trước; 15496 trường tiểu học, tăng 159 trường; 10334 trường trung học cơ sở, tăng 101 trường và 2392 trường trung học phổ thông, tăng 42 trường. Trong năm học này, cả nước có 241,3 nghìn giáo viên mẫu giáo, tăng 38,7% so với năm học 2011-2012; giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 834,8 nghìn người, tăng 0,8%, bao gồm: 373,5 nghìn giáo viên tiểu học, tăng 2%; 312,1 nghìn giáo viên trung học cơ sở, tương đương năm học trước và 149,2 nghìn giáo viên trung học phổ thông, giảm 0,6%. Tính đến hết tháng Ba năm 2013, cả nước có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (trong đó 04 tỉnh, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2) và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Có thể nói Việt Nam đang là một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nói chung và các công ty cung ứng thiết bị giáo dục nói riêng.

3.1.1. Thuận lợi

Có thể thấy rằng, từ trước đến nay cho dù kinh tế có suy thoái nghiêm trọng đến thế nào thì sự quan tâm của người dân đối với ngành giáo dục cũng chưa bao giờ sụt giảm. Họ luôn ý thức được tầm quan trọng của giáo dục đối với con em mình, vì vậy họ không ngần ngại đầu tư tiền bạc vào công cuộc giáo dục cho con em mình. Doanh thu của ngành giáo dục vẫn khá cao kể cả trong thời kì khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất. Như vậy, có thể nói giáo dục luôn là một ngành có thị trường hấp dẫn.

Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích và đẩy mạnh sự phát triển của ngành giáo dục. Năm 2012, nhà nước đã đầu tư 151.200 tỷ đồng để phát triển ngành giáo dục. Con số này lên tới 170.000 tỷ đồng vào năm 2012.

Bên cạnh đó, một số chính sách giảm bớt thủ tục hành chính của nhà nước đã góp phần tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

3.1.2. Khó khăn

Khi Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội xâm nhập và tiếp cận thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Có nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài liên kết với doanh nghiệp trong nước thành lập các công ty kinh doanh trong ngành sản xuất và cung ứng thiết bị giáo dục.

Họ có vốn đầu tư lớn, trình độ năng lực khoa học công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm quản lý, tác phong làm việc chuyên nghiệp, các chuyên gia cao cấp.v.v.. nên sẽ là mối đe doạ với các doanh nghiệp trong nước.

Nguyên vật liệu tăng cao khiến cho công ty gặp khó khăn trong việc cân bằng chi phí để có thể hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay vẫn xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức nhỏ lẻ chuyên làm nhái sản phẩm của các công ty, doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng nhằm thu lợi về mình, điều này gây ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu và hình ảnh của các công ty, doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc như công ty TNHH TBGD Thắng Lợi. Bên cạnh đó, nguồn hàng nhập lậu chất lượng thấp từ Trung Quốc cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp vì giá thành có tính cạnh tranh cao. Dù chất lượng những mặt hàng này không tốt nhưng do giá rẻ, đa dạng nên vẫn được nhiều người dân có mức thu nhập thấp lựa chọn.

Nhiều sản phẩm của công ty TNHH TBGD Thắng Lợi đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế nhưng lại không phù hợp với môi trường và đặc thù riêng của các trung tâm, cơ sở giáo dục, vì vậy mà công ty đã bị lỡ mất một số đơn đặt hàng lớn.

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập tốt nghiệp tại Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Thắng Lợi (Trang 34 - 35)