Đây là các yếu tố ảnh hưởng chung đến toàn bộ hệ thống NHTM
• Sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế:
Nếu nền kinh tế đang ở trong giai đoạn tăng trưởng, phát triển cao, nhu cầu về vốn cho đầu tư, phát triển tăng mạnh thì nó tạo điều kiện thuận lợi cho ngành ngân hàng phát triển, nhu cầu huy đọng vốn của ngân hàng tăng cao. Đồng thời khi kinh tế phát triển thì khả năng tích lũy của người dân cũng tăng mạnh. Đó chính là nguồn tài nguyên lớn cho công tác huy động vốn của NHTM. Ngược lại, khi nền kinh tế phát triển chậm, hoặc suy thoái, nhu cầu đầu tư và khả năng tích lũy giảm nên công tác huy động vốn của ngân hàng cũng giảm. Sự ổn định của nền kinh tế cũng ảnh hưởng đến lãi suất, tỷ giá,
lạm phát, thu nhập, chu kỳ chi tiêu của người dân. Các yếu tố này đều có tác động không nhỏ đến khả năng huy động vốn của NHTM. Ví dụ như khi thu nhập của người dân gia tăng là điều kiện để gia tăng quy mô và thay đổi kỳ hạn của nguồn tiền. Một ví dụ khác, thời vụ chi tiêu cũng ảnh hưởng đến quy mô và tính ổn định của nguồn tiền. Cụ thể vào các dịp tết, nguồn tiết kiệm của dân cư cũng như tiền gửi của doanh nghiệp có xu hướng giảm sút do nhu cầu chi tiêu gia tăng. Hoặc như ảnh hưởng của yếu tố lạm phát có thể được thấy rất rõ ràng. Trong những giai đoạn lạm phát cao thì người dân có xu hướng thu hút tích trữ vàng, ngoại tệ mạnh và nguồn huy động của ngân hàng cũng theo xu hướng đó. Còn khi lạm phát ổn định thì nguồn huy động của NHTM có xu hướng thu hút được nhiều nội tệ hơn.
• Hành lang pháp lý:
Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng nhiều đến khả năng huy động vốn của NHTM. Nếu hành lang pháp lý được mở rộng theo hướng khuyến khích sự phát triển của thị trường tài chính thì các NHTM cũng được phép huy động nhiều hơn so với số vốn chủ sở hữu của mình. Và ngược lại, khi hành lang pháp lý thu hẹp lại theo hướng kìm hãm sự phát triển quá nóng của thị trường tài chính thì lượng vốn mà ngân hàng được phép huy động trên vốn chủ sở hữu sẽ giảm đi.
• Các chính sách kinh tế vĩ mô:
Hệ thống NHTM là một phương tiện để qua đó Ngân hàng Nhà nước thực hiện sự điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế. Các chính sách tài chính tiền tệ như chính sách lãi suất chiết khấu, chính sách chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở đều ảnh hưởng đến lượng vốn mà NHTM huy động được. Khi ngân hàng Nhà nước muốn thu hẹp cung tiền thì với các công cụ trên Ngân hàng nhà nước sẽ tác động làm giảm khả năng huy động và lượng vốn khả dụng của các NHTM với mục tiêu kìm
hãm sự phát triển quá mức của nền kinh tế. Và ngược lại, khi muốn mở rộng cung tiền, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, với các công cụ trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động làm tăng khả năng huy động vốn cũng như lượng vốn khả dụng của các NHTM.
• Sự phát triển của thị trường tài chính:
Một quốc gia có thị trường tài chính phát triển là điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động huy động vốn. Thị trường tài chính phát triển sẽ tạo ra nhiều công cụ nợ cũng như nhiều sản phẩm dịch vụ mới hữu hiệu và thiết thực cho công tác huy động vốn của ngân hàng. Thị trường tài chính phát triển còn tạo ra sự cạnh tranh giữa các NHTM. Sự cạnh tranh càng gay gắt thì các chính sách mà các ngân hàng đưa ra để thu hút vốn ngày càng nhiều và hiệu quả hơn, góp phần làm hoàn thiện hơn thị trường tài chính, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế nói chung và đem lại nhiều lợi ích cho người gửi tiền.
• Tâm lý của người dân:
Một quốc gia có dân số cao, tỷ lệ người dân có thu nhập cao lớn là điều kiện thuận lợi cho các NHTM có thể thu hút được một lượng vốn lớn. Ngoài ra, tâm lý người dân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác huy động vốn của các NHTM vì nó ảnh hưởng đến việc ra quyết định gửi tiền của người dân. Nếu người dân vẫn còn thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt hoặc tích trữ tiền tại nhà thì đó là một khó khăn lớn đối với ngân hàng. Ngược lại, nếu người dân đã quen với việc thanh toán điện tử, thấy được lợi ích của việc gửi tiền vào ngân hàng thì đây là điều kiện tốt cho ngân hàng huy động vốn. Mặt khác, khi người dân dự đoán lạm phát cao hoặc sẽ xảy ra những biến động về kinh tế, chính trị thì nhu cầu tiết kiệm, gửi tiền và nắm giữ nội tệ của người dân giảm, dẫn đến nguồn cho huy động vốn của ngân hàng giảm, cơ cấu huy động thay đổi và ngược lại.
• Cạnh tranh giữa các Ngân hàng.
Trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, các ngân hàng thương mại đang phải hoạt động kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Bởi các ngân hàng thương mại sử dụng một loại nguyên liệu đặc biệt đó là tiền – loại nguyên liệu có tính xã hội cao và tính nhạy cảm cao. Bằng chứng là chỉ một sự thay đổi nhỏ về lãi suất huy động cũng có thể có sự chuyển dịch của khách hàng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Thêm vào đó lại rất khó tạo được sự khác biệt trong sản phẩm ngân hàng vì khi một ngân hàng cho ra một sản phẩm mới thì nhanh chóng các ngân hàng bạn cũng có thể tung ra thị trường một sản phẩm tương tự, thậm chí tính năng còn ưu việt hơn do khắc phục được nhược điểm. Để nâng cao hiệu quả huy động vốn, mỗi ngân hàng cần phải nhận thức rõ môi trường kinh doanh, đối thủ cạnh tranh, xác định thị trường mục tiêu, phát huy lợi thế cạnh tranh, đồng thời cũng phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ...