Xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, phù hợp với thực tế. Đặc biệt là đối với các văn bản liên quan đến bất động sản, đăng ký giao dịch bảo đảm… Theo điều 113 của Luật đất đai năm 2003 thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê chỉ được thế chấp, bảo lãnh quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng để sản xuất kinh doanh (không phải để tiêu dùng) nên ngân hàng không được nhận quyền sử dụng đất là tài sản đảm bảo cho các khoản vay tiêu dùng. Đây là điều gây khó khăn cho ngân hàng khi quyết định cho khách hàng vay hay không, do vậy ở điều luật này nên có sự sửa đổi để phù hợp với tình hình mới.
Trong những năm gần đây, ở Hà Nội tình hình phát triển nhà ở theo quy hoạch phát triển, nhất là nhà chung cư, nhà vườn, biệt thự, trong các khu đô thị tăng nhanh về số lượng xây dựng cũng như nhu cầu mua của người sử dụng nhưng việc cho vay đối với loại mua nhà này cũng còn nhiều khó khăn. Bởi việc vay vốn mua nhà và thế chấp chính ngôi nhà hình thành từ vốn vay không được phòng công chứng nhà nước chấp nhận. Tuy nhiên nhận thấy đây là khoản thế chấp có thể chấp có thể chấp nhận được, do vậy cần phải có sự sửa đổi trong việc thế chấp tài sản này, để đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của người dân về nhà ở.
Có thể thấy ở Việt Nam hiện nay vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà còn chậm khiến khách hàng khó có thể sử dụng tài sản là nhà đất làm tài sản đảm bảo hợp lệ trong quan hệ tín dụng. Thủ tục, thời gian đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục xác nhận tại một số cơ quan, chính quyền phường, xã gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, mạng lưới đăng ký giao dịch bảo đảm còn mỏng, phân bố chưa hợp lý…Do vậy trong thời gian tới các cơ quan nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện chính sách một cửa, đơn giản hoá các thủ tục để việc thực hiện các thủ tục được nhanh chóng, thuận lợi. Đối với các phòng công chứng, có thể mở thêm các phòng mới, hoặc cho thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia để giảm gánh nặng cho nhà nước.