Hiện nay số lượng nhân viên tín dụng tiêu dùng của ngân hàng còn khá khiêm tốn, so với tiềm năng phát triển mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng thì số lượng hiện nay không thể đủ để đáp ứng nhu cầu đó. Do đó ngân hàng cần phải nhanh chóng tuyển dụng thêm các nhân viên tín dụng tiêu dùng mới để đáp ứng nhu cầu trên. Giúp cho việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng được dễ dàng hơn, có quy mô ngày một lớn hơn.
3.2.3 Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực
Đi đôi với việc nâng cao số lượng nhân viên tín dụng tiêu dùng, thì ngân hàng cũng cần phải có chính sách đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn một cách hợp lý. Bởi cho vay tiêu dùng là một lĩnh vực mới đối với ngân hàng Quân Đội, do vậy cán bộ cho vay tiêu dùng vẫn đang vừa thiếu lại vừa yếu, không thể đáp ứng được nhu cầu mới. Những nhân viên này thường được chuyển từ các phòng tín dụng khác sang, và mới được tuyển dụng nên trình độ chuyên môn vẫn chưa cao.
Để có thể có được những nhân viên có trình độ chuyên môn cao về cho vay tiêu dùng thì cần phải mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ chuyên sâu về cho vay tiêu dùng, các khoá học ngắn hay mời chuyên gia thuyết trình có thể mang lại hiệu quả cao.
Việc đào tạo sẽ giúp cho các nhân viên có thể đáp ứng được tình hình mới. Giúp cho ngân hàng có thể cạnh tranh được trong tình hình mới, khi mà các ngân hàng khác cũng đang đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng.
3.2.3 Cải tiến, hoàn thiện quy trình cho vay
Đối với bất kỳ khoản cho vay nào ngân hàng cũng phải thực hiện các bước phân tích tín dụng. Phân tích tín dụng là việc ngân hàng thu thập và phân tích thông tin nhằm xác định uy tín tư cách pháp lý, sức mạnh tài chính và khả năng thanh
toán của người vay…trong quá khứ, hiện tại cũng như trong tương lai, hiệu quả của dự án…Phân tích tín dụng là công việc nghiêm túc, không thể làm chiếu lệ. Trong môi trường gia tăng cạnh tranh giữa các ngân hàng, khách hàng đòi hỏi các ngân hàng phải thực hiện qui trình phân tích nhanh, gọn và tiết kiệm chi phí; đây cũng là hoạt động liên quan đến trách nhiệm của nhiều phòng ban và cán bộ ngân hàng. Do vậy quy trình phân tích tín dụng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
• Được xây dựng và thống nhất trong toàn ngân hàng, tránh tuỳ tiện, duy ý trí. Quy trình này phải được ban lãnh đạo ngân hàng quyết định và phổ biến đến các phòng ban có liên quan cũng như các cán bộ tín dụng.
• Được xây dựng chi tiết trong nội dung phân tích, tránh chung chung. Mỗi phòng chức năng trong ngân hàng cũng như cán bộ ngân hàng cần biết mình phải làm gì, đến mức nào.
• Toàn bộ quy trình phải nhằm thực hiện các nguyên tắc tín dụng ngân hàng. 3.2.3.1 Nâng cao chất lượng công tác thẩm định khách hàng
Thẩm định khách hàng là một yêu cầu vô cùng quan trọng khi ngân hàng xem xét có cho khách hàng vay hay không. Việc này đòi hỏi cần phải có những cán bộ có năng lực chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp tốt. Thẩm định khách hàng ở đây là việc xem xét, đánh giá về tình trạng của khách hàng như về nhân thân, tình trạng hôn nhân, hộ khẩu, khả năng tài chính…Đây là những yếu tố vô cùng quan trọng để ngân hàng có thể cho khách hàng vay hay không. Do khách hàng ngày càng có được sự đáp ứng từ phía nhiều ngân hàng khác nhau, nên công tác thẩm định cũng phải được tiến hành một cách nhanh chóng nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn. Đây là một công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi ngân hàng cần phải nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định. Chất lượng công tác thẩm định ở đây thể hiện ở: thời gian nhanh nhất và đảm bảo an toàn cho ngân hàng. Nếu làm tốt được việc này thì cho vay tiêu dùng sẽ trở nên an toàn và sinh lợi nhiều hơn cho ngân hàng. Việc thẩm định nhanh chóng sẽ giúp ngân hàng
thu hút được các khách hàng của mình, họ sẽ quyết định khi cảm thấy hài lòng. Nếu thời gian thẩm định quá lâu, điều này có thể làm khách hàng nản lòng và do vậy họ có thể tìm đến với ngân hàng khác. Tuy nhiên việc thẩm định cũng không thể làm một cách sơ sài, chiếu lệ. Bởi nếu không thẩm định chính xác, nó sẽ mang tới hậu quả xấu cho ngân hàng về sau khi thu hồi nợ. Đề xuất đối với vấn đề này đó chính là việc xây dựng hệ thống chấm điểm tự động. Hệ thống chấm điểm tự động là một phần mềm riêng được thiết kế theo các tiêu chí về chấm điểm khách hàng. Hiện nay ở ngân hàng Quân Đội đã có hệ thống chấm điểm tự động đối với khách hàng là các doanh nghiệp, tuy nhiên đối với cho vay tiêu dùng thì hiện tại vẫn chưa có. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác thẩm định khách hàng, trong thời gian tới ngân hàng nên xây dựng thêm hệ thống chấm điểm tự động với cho vay tiêu dùng, nó cũng giúp cho các nhân viên tín dụng có thể thực hiện một cách nhanh hơn, có thể quản lý và theo dõi một cách dễ dàng hơn.
3.2.3.2 Tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay
Cho vay là một quá trình lâu dài, bắt đầu từ việc nhận hồ sơ, xem xét khách hàng cho vay cho đến khi khách hàng hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi cho ngân hàng. Việc ngân hàng thường ít để ý đến công tác kiểm tra sau khi cho vay là khá phổ biến, điều này có thể dẫn đến việc khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, lừa đảo gây thất thoát cho ngân hàng. Do vậy ngân hàng cần phải quan tâm hơn nữa đến việc kiểm tra kể cả trước, trong và sau khi cho vay. Bằng cách ngân hàng yêu cầu khách hàng phải kê khai đầy đủ các khoản chi tiêu dùng từ khoản cho vay, tình hình sử dụng tài sản đó. Định kỳ cán bộ ngân hàng sẽ có các đợt kiểm tra đối với khách hàng về khoản cho vay đó xem có biểu hiện gì bất thường không. Nếu có ngân hàng sẽ đưa ra các biện pháp xử lý như ngừng cung cấp khoản vay, yêu cầu khách hàng trả nợ,…Có thể nói rủi ro xảy đến cho ngân hàng khá lớn từ việc ngân hàng buông lỏng việc quản lý sau khi cho vay. Việc ít bị giám sát sau khi cho vay sẽ khiến cho khách hàng sẽ lợi dụng để sử dụng sai mục đích, hoặc không chú
trọng cho khoản vay làm cho nguy cơ không trả được nợ tăng lên. Ngân hàng Quân Đội cần phải quan tâm hơn nữa để các khoản cho vay tiêu dùng có hiệu quả cao.
3.2.4 Nâng cao khả năng thu nợ
Thu nợ là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cho vay, việc cho vay chỉ thực sự có hiệu quả khi ngân hàng thu được nợ. Thu nợ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của ngân hàng. Do vậy ngân hàng cần phải quán triệt trong công tác thu nợ của mình. Bình thường việc thu nợ là do khách hàng mang đến ngân hàng để trả, tuy nhiên nhiều trường hợp khách hàng dây dưa không chịu trả gây thiệt hại cho ngân hàng, do vậy ngân hàng cần phải đôn đốc, đốc thúc khách hàng trả nợ khi đến kỳ. Việc thu được nợ nhiều khi cũng phụ thuộc vào chu kỳ thu nhập của khách hàng. Thu nhập ở đây muốn nói đến các khoản thu nhập của khách hàng từ tiền lương, thưởng, phụ cấp và các khoản khác, thông thường các khoản thu nhập này thường có một chu kỳ nhất định do vậy ngân hàng cần phải đưa ra những chu kỳ hợp lý cho khách hàng để giúp họ có khả năng trả nợ tốt hơn.
3.2.5 Xử lý tài sản đảm bảo
Khi khách hàng không thể trả được nợ vay, hay có dấu hiệu vi phạm hợp đồng tín dụng thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản đảm bảo. Việc xử lý tài sản đảm bảo là một công việc rất phức tạp, do vậy ngân hàng cần phải có chính sách hợp lý để xử lý những tài sản này. Cụ thể là phải thành lập công ty xử lý tài sản cầm cố, thế chấp. Nếu xử lý các tài sản đảm bảo sẽ giúp cho ngân hàng tránh được các thiệt hại, đảm bảo thu nhập. Điều này lại phụ thuộc vào quyết định chung của ngân hàng Quân Đội, đối với chi nhánh thì công tác kiểm tra, thẩm định giá trị tài sản đảm bảo là công việc rất quan trọng.
3.2.6 Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ngân hàng hiện đại
Trong thời đại hiện nay, công nghệ thông tin đã trở thành một công cụ vô cùng quan trọng trong hoạt động của các ngân hàng. Việc xử lý công việc trên một hệ thống hiện đại giúp cho ngân hàng có thể nâng cao khả năng hoạt động, đáp ứng được đầy đủ nhanh chóng nhiều dịch vụ cho khách hàng. Hiện nay, tại ngân hàng Quân Đội hệ thống công nghệ thông tin đã được đầu tư khá tốt, tuy nhiên vẫn còn chưa xứng tầm. Do vậy trong thời gian tới ngân hàng cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong việc đầu tư trang thiết bị công nghệ mới đồng thời bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công nhân viên của mình có thể sử dụng hệ thống công nghệ thông tin này một cách thành thạo. Việc ngân hàng cung cấp trên trang Web của mình số lượng thông tin khá hạn chế so với các ngân hàng cũng là điều cần phải được cải tiến. Bởi trong thời đại ngày nay việc sử dụng Internet đã trở nên khá phổ biến với người dân Việt Nam và nhu cầu tìm kiếm thông tin trên mạng cũng ngày càng tăng. Với việc giới thiệu đầy đủ các thông tin trên trang Web sẽ giúp cho khách hàng có một cái nhìn trực quan hơn, sinh động hơn. Đó cũng là một hình thức marketing khá hiệu quả hiện nay.
3.3 Kiến nghị
3.3.1 Đối với ngân hàng nhà nước
3.3.1.1 Thông tin tín dụng của ngân hàng nhà nước (CIC)
Hiện nay hệ thống tra cứu thông tin duy nhất là trung tâm thông tin tín dụng của ngân hàng nhà nước (CIC) nhưng do một số ngân hàng nhiều khi không cập nhật thông tin đầy đủ nên vẫn xảy ra trường hợp khách hàng có dư nợ tại ngân hàng khác nhưng CIC vẫn không có thông tin. Các cơ quan cung cấp thông tin cá nhân khác như công an, địa chính, chính quyền phường, xã thì chưa sẵn sàng cung cấp các thông tin liên quan. Do vậy, điều này đòi hỏi sự thống nhất, phối hợp giữa các
ngân hàng, các cơ quan ban ngành cùng hợp tác để có thể có được những thông tin mà ngân hàng cần.
3.3.1.2 Về các văn bản của ngân hàng nhà nước
Tuy cho vay tiêu dùng có đặc thù riêng nhưng hiện nay các ngân hàng thương mại vẫn thực hiện theo quy chế cho vay (chung) của tổ chức tín dụng đối với khách hàng (ban hành theo quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của thống đốc ngân hàng nhà nước). Điều này gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại khi cho vay đối với khách hàng, do vậy ngân hàng nhà nước cần có những quy định cụ thể hơn nữa đối với khoản cho vay tiêu dùng.
3.3.2 Hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về cho vay tiêu dùng
Xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, phù hợp với thực tế. Đặc biệt là đối với các văn bản liên quan đến bất động sản, đăng ký giao dịch bảo đảm… Theo điều 113 của Luật đất đai năm 2003 thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê chỉ được thế chấp, bảo lãnh quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng để sản xuất kinh doanh (không phải để tiêu dùng) nên ngân hàng không được nhận quyền sử dụng đất là tài sản đảm bảo cho các khoản vay tiêu dùng. Đây là điều gây khó khăn cho ngân hàng khi quyết định cho khách hàng vay hay không, do vậy ở điều luật này nên có sự sửa đổi để phù hợp với tình hình mới.
Trong những năm gần đây, ở Hà Nội tình hình phát triển nhà ở theo quy hoạch phát triển, nhất là nhà chung cư, nhà vườn, biệt thự, trong các khu đô thị tăng nhanh về số lượng xây dựng cũng như nhu cầu mua của người sử dụng nhưng việc cho vay đối với loại mua nhà này cũng còn nhiều khó khăn. Bởi việc vay vốn mua nhà và thế chấp chính ngôi nhà hình thành từ vốn vay không được phòng công chứng nhà nước chấp nhận. Tuy nhiên nhận thấy đây là khoản thế chấp có thể chấp có thể chấp nhận được, do vậy cần phải có sự sửa đổi trong việc thế chấp tài sản này, để đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của người dân về nhà ở.
Có thể thấy ở Việt Nam hiện nay vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà còn chậm khiến khách hàng khó có thể sử dụng tài sản là nhà đất làm tài sản đảm bảo hợp lệ trong quan hệ tín dụng. Thủ tục, thời gian đăng ký giao dịch bảo đảm, thủ tục xác nhận tại một số cơ quan, chính quyền phường, xã gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, mạng lưới đăng ký giao dịch bảo đảm còn mỏng, phân bố chưa hợp lý…Do vậy trong thời gian tới các cơ quan nhà nước cần phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện chính sách một cửa, đơn giản hoá các thủ tục để việc thực hiện các thủ tục được nhanh chóng, thuận lợi. Đối với các phòng công chứng, có thể mở thêm các phòng mới, hoặc cho thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia để giảm gánh nặng cho nhà nước.
3.3.3 Xây dựng môi trường cạnh tranh, lành mạnh trong cho vay tiêu dùng
Để cho vay tiêu dùng được phát triển một cách hiệu quả thì cần phải có được một môi trường cạnh tranh, lành mạnh. Do cho vay tiêu dùng mới được phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây nên hoạt động cho vay còn nhiều vấn đề nỗi cộm, đòi hỏi chính phủ phải có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời để hoạt động này đi vào hoạt động có khuôn khổ hơn.
Kết Luận
Sau một thời gian thực tập tại ngân hàng Quân Đội, chi nhánh Minh khai đã giúp cho có thể hiểu biết thêm về các hoạt động của ngân hàng. Đây là một thời gian vô cùng quý báu đối với sinh viên, bởi trong bốn năm học của mình thì chỉ có duy nhất kỳ cuối của năm thứ tư sinh viên mới có thể có được điều kiện thực tập, điều này bổ sung quan trọng cho những kiến thức đã được học ở trường. Điều này góp phần không nhỏ để giảm khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế. Giúp em ra trường có thêm được tự tin, giảm bớt đi những bở ngỡ ban đầu.
Em xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các anh chị trong chi nhánh Minh Khai, ngân hàng Quân Đội, nhất là các anh, chị trong phòng tín dụng cá nhân. Đã giúp đỡ em, tạo điều kiện để em có thể hiểu biết hơn về các nghiệp vụ của ngân hàng cũng như khi giao dịch với khách hàng, cung cấp số liệu để em có thể viết bài. Đồng thời em cũng xin cảm ơn thầy - TS. Đặng Ngọc Đức đã hướng dẫn em thực hiện chuyên đề này.
Trong chuyên đề này, em đã viết về đề tài nâng cao chất lượng cho vay tiêu dùng. Đây là một lĩnh vực mới và có rất nhiều điều thú vị nảy sinh. Đề tài đã mang đến cho em nhiều thông tin bổ ích. Tuy nhiên, do trình độ chuyên môn có hạn cũng như chỉ được nghiên cứu trong một thời gian không dài do vậy chuyên đề chưa thực sự hoàn chỉnh và còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ hơn. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của thầy để cho chuyên đề được hoàn thiện hơn.