Trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ thông tin đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Các hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại được nối mạng với nhau, có thể cung cấp dịch vụ 24/24h, đồng thời nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng và quản lý vốn cho ngân hàng. Theo tính toán và kinh nghiệm của các ngân hàng nước ngoài, công nghệ thông tin có thể làm giảm 76% chi phí hoạt động ngân hàng, góp phần làm giảm đáng kể thời gian và nhân lực phục vụ cho công việc.
Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin, VCB là ngân hàng tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế vào
quản lý và kinh doanh. VCB coi hạ tầng công nghệ thông tin là lợi thế cạnh tranh cốt lõi của mình so với các ngân hàng khác tại Việt Nam. Với tầm quan trọng của các hoạt động thanh toán quốc tế cũng như cơ sở dữ liệu khách hàng lớn và phức tạp, VCB đã chủ động phát triển nền tảng CNTT hiện đại có khả năng hỗ trợ tối đa các hoạt động ngân hàng. Hàng năm VCB đầu tư 20-30 triệu USD cho phần cứng và các giải pháp công nghệ. Hệ thống core banking được VCB triển khai dần từ 1999 đến năm 2001 thì đưa vào toàn bộ hệ thống. Năm 2002,VCB chính thức đưa dịch vụ ngân hàng trực tuyến vào hoạt động. Lúc đó, VCB là ngân hàng đầu tiên đưa ra dịch vụ này. Sau này, core banking chính là hệ thống lõi để VCB triển khai các dịch vụ khác như internet banking, mobile banking, VCB-Money (Home banking), SMS Banking,..
Tuy nhiên, hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng vẫn chưa hỗ trợ được việc lập báo cáo phục vụ quản lý rủi ro lãi suất. Việc cung cấp thông tin phục vụ cho việc dự báo, kiểm soát rủi ro còn gặp nhiều khó khăn. Khi cần dự báo dựa vào số liệu quá khứ, việc trích lọc số liệu mất rất nhiều thời gian, nhiều số liệu không thể tách ra theo từng kỳ hạn. Bên cạnh đó, ngân hàng chưa có công cụ phân tích độ nhạy của lãi suất để xác định ảnh hưởng của việc thay đổi lãi suất đối với kết quả hoạt động kinh doanh khi thị trường thay đổi.
Nếu được sự hỗ trợ từ các công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, công tác thu thập và xử lý thông tin của ngân hàng sẽ nhanh chóng và chính xác hơn rất nhiều. Chính vì vậy, có thể nhận thấy, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng là mục tiêu hết sức cấp thiết đối với NHTMCP Ngoại thương Việt Nam nói riêng và với hệ thống NHTM Việt Nam nói chung.