Tại Việt Nam cho đến nay kỹ thuật chứng khoán hóa vẫn chưa được phổ biến mặc dù trên thực tế đã có một số giao dịch phát hành chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản được thực hiện như Năm 2008, nghiệp vụ CKH lần đầu được thực hiện tại Việt Nam bởi công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) và được đánh giá tương đối thành công, tạo một bước đệm khá tốt cho việc áp dụng CKH vào Việt Nam sau này.
Nguồn vốn của các doanh nghiệp hiện nay vẫn phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay trung và dài hạn của các ngân hàng, một khi hệ thống ngân hàng suy yếu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Việc thiết lập một thị trường vốn trong nước hiệu quả, cụ thể là thị trường trái phiếu sẽ mang đến cho doanh nghiệp một kênh huy động vốn mới khi khả năng cấp tín dụng của ngân hàng bị hạn chế. Mặt khác, thị trường trái phiếu trong nước giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn vay. Với một thị trường trái phiếu phát triển thì lãi suất trái phiếu là thước đo đánh giá mức độ tín nhiệm của thị trường đối với trái phiếu đó, điều này giúp các doanh nghiệp sẽ xác định đúng chi phí vốn khi đưa ra các quyết định đầu tư khi mà lãi suất cho vay của các ngân hàng có thể được ấn định dựa trên cơ sở cạnh tranh, do vậy không phản ánh được chi phí cơ hội thực sự của vốn.
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy được sự cần thiết phải có một thị trường trái phiếu tại Việt Nam, giảm bớt nguy cơ của một nền kinh tế quá phụ thuộc
vào tín dụng ngân hàng để đầu tư. Hiện nay, chúng ta đã có một số tiền đề thuận lợi để doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua ứng dụng chứng khoán hóa:
- Sự mở cửa thị trường tài chính Việt Nam trong những năm qua đã thu hút nhiều nhà đầu tư, tập đoàn tài chính và những ngân hàng lớn trên thế giới đem theo một lượng lớn vốn và những kinh nghiệm về cách thực hiện các kỹ thuật tài chính như chứng khoán hóa.
- Sự hội nhập của thị trường tài chính Việt Nam và thế giới tạo điều kiện để tiếp thu kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và những nước trong khu vực về cách thức chọn lựa mô hình CKH và cách thức xây dựng các bộ luật, quy định liên quan.
- Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dầu khí, viễn thông, điện lực, sản xuất hàng xuất khẩu (nông sản, may mặc, chế biến thủy hải sản…) hay phát triển hạ tầng kinh doanh nhà ở là các đối tượng có nguồn tài sản tài chính phù hợp với giao dịch chứng khoán hóa với dòng tiền ổn định và mức độ phân tán rủi ro cao.
- Trong vài năm gần đây, thị trường vốn Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về cả quy mô lẫn chất lượng.
- Các ngân hàng và các tổ chức tài chính Việt Nam đang tiếp thu các công nghệ hiện đại và có khả năng cung cấp các dịch vụ tài chính mới phù hợp với giao dịch CKH.
- Sự phát triển nhanh của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam dẫn đến nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư mới, các công ty này là có thể là nhà đầu tư tiềm năng nhất của chứng khoán hóa.
- Dự thảo chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn 2050 đang được Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt là lập quỹ tín thác bất động sản để huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân và các nhà đầu tư nhỏ nhằm thực thi đề án “chứng khoán hóa bất động sản”.