1. Mục tiêu đề xuất bảng câu hỏi khảo sát:
Với mong muốn tìm hiểu nhận định của các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tín dụng về sự đồng tình đối với các nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng cũng như các giải pháp để có thể khắc phục, hạn chế rủi ro tín dụng nhằm phục vụ cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu “Rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ - Thực trạng và giải pháp” nên tác giả đã đề xuất bảng câu hỏi khảo sát gởi đến 60 cán bộ tín dụng hiện đang cùng công tác với tác giả tại bộ phận tín dụng của NHNTVN-CNCT để ghi nhận các ý kiến.
2. Một số hạn chế khi thực hiện việc khảo sát:
Bảng câu hỏi điều tra được thiết kế với mong muốn ban đầu của tác giả là có thể sử dụng phần mềm nghiên cứu để phân tích ảnh hưởng của các nhân tố như tuổi, trình độ chuyên môn, số năm công tác trong lĩnh vực tín dụng của các cán bộ tín dụng cũng như mức dư nợ bình quân mỗi cán bộ tín dụng chuyên quản tác động như thế nào đến nhóm nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía ngân hàng dẫn đến rủi ro tín dụng, đề từ đó có thể đưa ra những giải pháp khắc khục, hạn chế rủi ro tín dụng một cách tốt hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế bảng câu hỏi và với tình hình thực tế tại NHNTVN-CNCT, tác giả nhận thấy:
- Về trình độ chuyên môn: do yêu cầu xét tuyển khi vào làm việc ở bộ phận tín dụng nên tất cả 60 cán bộ hiện đang công tác tại bộ phận tín dụng (gồm 03 phòng nghiệp vụ: Phòng Quan hệ khách hàng, Phòng Quản lý rủi ro, Phòng Quản lý nợ) đều có trình độ đại học với hai chuyên ngành Tài chính – Tín dụng và Ngoại Thương.
- Về nhân tổ tuổi của cán bộ tín dụng: 80% số cán bộ tín dụng có độ tuổi từ 22 tuổi đến 32 tuổi. Số cán bộ có độ tuổi trên 32 tuổi hiện đang giữ các chức vụ quản lý (trưởng phòng, phó phòng, kiểm soát các phòng nghiệp vụ và Phó Giám đốc phụ trách tín dụng). Do phần lớn cán bộ tín dụng có độ tuổi không chênh lệch nhiều nên mức độ ảnh hưởng không lớn. Độ tuổi của cán bộ tín dụng đều trẻ vừa có tác dụng tích cực, vừa có tác dụng tiêu cực. Cán bộ trẻ thông
thường sẽ năng nổ, hoạt bát, sáng tạo, được đào tạo bài bản (chính sách giáo dục đào tạo ngày một tiến bộ hơn để phù hợp với sự phát triển của xã hội và nền kinh tế), tuy nhiên các cán bộ trẻ sẽ không có nhiều kinh nghiệm, đôi khi thiếu sự chính chắn trong việc ra quyết định, bên cạnh đó chưa có cái nhìn tổng quát về con người, sự việc cũng như chưa có các mối quan hệ rộng rãi.
- Về dư nợ bình quân mỗi cán bộ tín dụng chuyên quản và số thâm niên công tác: do Ngân hàng Ngoại Thương không có chính sách quy định mức dư nợ bình quân mỗi cán bộ tín dụng phải chuyên quản mà thông thường sẽ dựa vào số năm công tác, và năng lực của từng cán bộ để phân công quản một số đơn vị. Sau một thời gian sẽ có sự phân công luân chuyển các đơn vị giữa các cán bộ. Thêm vào đó, Ngân hàng Ngoại Thương đang áp dụng theo quy trình tín dụng mới, có sự phân chia rõ ràng giữa ba bộ phận (quan hệ khách hàng, quản lý rủi ro, quản lý nợ). Chính vì những nguyên nhân trên nên việc xác định dư nợ bình quân mỗi cán bộ tín dụng chuyên quản rất khó thực hiện.
Do tình hình thực tế như đã phân tích nên tác giả rất khó có thể tổng hợp số liệu để phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tuổi, trình độ chuyên môn, số năm công tác trong lĩnh vực tín dụng của các cán bộ tín dụng cũng như mức dư nợ bình quân mỗi cán bộ tín dụng chuyên quản tác động như thế nào đến nhóm nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía ngân hàng dẫn đến rủi ro tín dụng.
Thêm vào đó, các nhân tố ảnh hưởng đến nhóm nguyên nhân khách quan từ phía nền kinh tế, các cơ quan ban ngành có liên quan, từ phía khách hàng dẫn đến rủi ro tín dụng rất khó thống kê và xác định.
Trên đây là những khó khăn, hạn chế của quá trình đề xuất, thiết kế bảng câu hỏi, thu thập thông tin, xử lý kết quả khảo sát điều tra, và cũng là một phần hạn chế của đề tài nghiên cứu.