Tổng quan về tình hình kinh tế xã hội và hoạt động ngân hàng của

Một phần của tài liệu Rui ro tin dung tai NHNTVN chi nhanh Can Tho.docx (Trang 42 - 45)

TP.Cần Thơ trong thời gian qua:

Thành phố Cần Thơ nằm ở phía nam tả ngạn hạ lưu Sông Hậu, trên quốc lộ 1A, quốc lộ 91, với hệ thống giao thông thủy, bộ rất thuận tiện cho việc giao lưu từ TP.Hồ Chí Minh tới các tỉnh Nam Sông Hậu và ngược lại. Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, kinh tế, xã hội, TP.Cần Thơ còn được xem là trung tâm kinh tế, văn hóa, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và của cả nước. Mặc dù nằm trong vùng ngập lũ hàng năm vào mùa mưa, song vì là vùng đất nông nghiệp hạ lưu, điều kiện về đất đai, lao động, thời tiết, khí hậu, độ ẩm của Cần Thơ rất thuận lợi cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng ngành nghề, và các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch của thành phố.

Đầu năm 2004, thực hiện Nghị Quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính Trị về “Xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Tỉnh Cần Thơ đã được chia tách thành Tỉnh Hậu Giang và TP.Cần Thơ trực thuộc Trung Ương. Đây là một Nghị quyết quan trọng mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của TP.Cần Thơ.

Một số thành tựu nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội, và riêng về hoạt động ngân hàng TP.Cần Thơ đạt được sau thời gian triển khai Nghị quyết:

Năm 2005:

Sau hai năm chuyển đổi lên thành phố trực thuộc Trung Ương, kinh tế TP. Cần Thơ có bước phát triển khá toàn diện, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,7%, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp-xây dựng (tỷ trọng 43,14%), dịch vụ- thương mại (tỷ trọng 39,59%), nông nghiệp (tỷ trọng 17,37%). Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 11,6 triệu đồng/người/năm (chỉ tiêu đề ra 8,4 triệu) tăng gấp 1,84 lần so với năm 2000.

Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ở mức cao đạt 8.013 tỷ đồng, tăng 21,57% so với thực hiện năm 2004. Trong đó, khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh có mức tăng trưởng cao nhất (52,8%), công nghiệp quốc doanh địa phương giảm 10%. Tổng mức hàng hóa bán ra, doanh thu dịch vụ đạt được 25.500 tỷ đồng, tăng 31,88% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu toàn thành phố đạt 624 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ (xuất khẩu đạt 372 triệu USD, nhập khẩu đạt 252 triệu USD).Tình hình thu ngân sách cũng có bước tăng trưởng, đạt 1.998 tỷ đồng, tăng 21,83%, chi ngân sách đạt 1.741 tỷ đồng, tăng 40% so với thực hiện năm 2004.

Tổng vốn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn đạt 4.811 tỷ đồng, trong đó, huy động bằng VND đạt 4.140 tỷ đồng, chiếm 86% và ngoại tệ quy VND đạt 671 tỷ đồng chiếm 14%. So với tổng vốn huy động, huy động từ các tổ chức kinh tế đạt 1.690 tỷ đồng (chiếm 35%), huy động tiết kiệm đạt 3.121 tỷ đồng (chiếm 65%). Tuy vốn huy động tăng khá nhưng chỉ chiếm 46,7% trên tổng dư nợ, phần còn lại vẫn là vốn điều chuyển từ Trung Ương và vay các TCTD khác.

Tổng dư nợ nền kinh tế tại các TCTD trên địa bàn đạt 10.300 tỷ đồng, trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 7.562 tỷ đồng, chiếm 73,42% tổng dư nợ; dư nợ trung dài hạn đạt 2.738 tỷ đồng, chiếm 26,58% tổng dư nợ. Nợ quá hạn, nợ khoanh, nợ chờ xử lý là 340 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,3% tổng dư nợ.

Năm 2006:

Trong năm 2006, mặc dù sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn như biến động giá vật tư, nguyên nhiên vật liệu, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn là trên lúa, tuy nhiên, với quyết tâm, TP.Cần Thơ đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, sắp xếp lại các DNNN nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 16,18% so với năm 2005. So với cùng kỳ, các chỉ tiêu kinh tế thành phố đạt được lần lượt là: tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.983 tỷ đồng, tăng 21%; tổng mức hàng hóa bán ra đạt 26.554 tỷ đồng (tăng 25%), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 748 triệu USD, tăng 16% (trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 466 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 282 triệu USD). Tổng thu ngân sách toàn thành phố đạt 2.462 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2005 và đạt 117% so với kế hoạch Trung Ương giao; chi ngân sách đạt 2.090 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2005 và đạt 129% dự toán kế hoạch năm 2006.

Tổng vốn huy động từ nền kinh tế năm 2006 là 5.880 tỷ đồng, trong đó, huy động bằng VND đạt 5.070 tỷ đồng, chiếm 86%; huy động bằng ngoại tệ quy VND đạt 810 tỷ đồng, chiếm 14%. Trong 5.880 tỷ đồng vốn huy động, vốn huy động từ các tổ chức kinh tế đạt 1.880 tỷ đồng, chiếm 32%; vốn huy động tiết kiệm đạt 3.500 tỷ đồng chiếm 59%, vốn huy động bằng hình thức phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi đạt 500 tỷ đồng, chiếm 9%.

Tổng dư nợ nền kinh tế tại các TCTD trên địa bàn đạt 11.430 tỷ đồng, trong đó, dư nợ VND đạt 9.480 tỷ đồng chiếm 82,95% tổng dư nợ; dư nợ ngoại tệ quy VND đạt 1.950 tỷ đồng, chiếm 17,06% tổng dư nợ. Trong tổng dư nợ 11.040 tỷ đồng, thị phần của các NHTMNN chiếm 60%, tương đương 6.858 tỷ đồng, các NHTMCP và liên doanh chiếm 40%, tương đương 4.572 tỷ đồng. Nợ xấu trên địa bàn tính đến cuối năm là 316 tỷ đồng, chiếm 2,76% trên tổng dư nợ, trong đó, nợ khoanh và nợ chờ xử lý là 13 tỷ đồng, chiếm 0,11% tổng dư nợ.

6 tháng đầu năm 2007 :

Trong 06 tháng đầu năm 2007, tình hình kinh tế, xã hội của TP.Cần Thơ tiếp tục phát triển ổn định so với cùng kỳ năm 2006. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.379 tỷ đồng, tăng 18%, trong đó, khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh địa phương và Trung ương giảm 19%. Tổng mức doanh thu bán lẻ ước đạt 6.750 tỷ đồng, tăng 36%. Kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 333 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ (kim ngạch xuất khẩu đạt 198 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 135 triệu USD). So với cùng kỳ, tình hình thu ngân sách đạt 1.198 tỷ đồng, giảm 6%, chi ngân sách đạt 1.025 tỷ đồng, tăng 28%.

Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố trong sáu tháng đầu năm đạt 7.350 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, trong đó, huy động bằng VND đạt 6.321 tỷ đồng, chiếm 86%; huy động bằng ngoại tệ quy VND đạt 1.029 tỷ đồng, chiếm 14%. Huy động từ các tổ chức kinh tế đạt 2.058 tỷ đồng, chiếm 28%, huy động tiết kiệm đạt 4.776 tỷ đồng, chiếm 65%, huy động bằng hình thức phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi đạt 516 tỷ đồng, chiếm 7% trên tổng vốn huy động.

Tổng dư nợ nền kinh tế tại các TCTD ước đạt 12.450 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó dư nợ VND đạt 10.333 tỷ đồng, chiếm 83% tổng dư nợ, dư nợ ngoại tệ quy VND đạt 2.117 tỷ đồng, chiếm 17% tổng dư nợ. Trong tổng dư nợ 12.450 tỷ đồng, thị phần của các NHTMNN chiếm 57%, tương đương 7.096 tỷ đồng, các NHTMCP và liên doanh chiếm 43%, tương đương 5.354 tỷ đồng. Nợ xấu trên địa bàn ước tính đến cuối tháng 06/2007 là 210 tỷ đồng,

chiếm 1,68% tổng dư nợ, trong đó, nợ khoanh và nợ chờ xử lý là 12 tỷ đồng, chiếm 0,09% trên tổng dư nợ.

Một phần của tài liệu Rui ro tin dung tai NHNTVN chi nhanh Can Tho.docx (Trang 42 - 45)