Phát hiện lại loài rái cá mũi lông

Một phần của tài liệu miền nam việt nam sức mạnh của sông mê kông - eleanor j. sterling (Trang 33 - 34)

Rái cá mũi lông (Lutra sumatrana) được Nhóm Chuyên Gia về Rái Cá của IUCN xếp vào 1 trong 5 loài rái cá cần được sự quan tâm bảo vệ ở mức cao nhất; tình trạng của nó trên thế giới vẫn chưa rõ ràng. Tại Việt Nam, việc điều tra rái cá mũi lông đã có từ năm 1925, nhưng nó chỉ được phát hiện một vài lần, cho thấy số lượng ít ỏi của nó. Các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát được rái cá mũi lông ở Việt Nam vào năm 1932 và một vài lần sau đó tới trước năm 1941. Do cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất xảy ra, loài này không thể khảo sát được và 36 năm sau không có ghi nhận về nó. Khi cuộc chiến tranh Mỹ-Việt Nam kết thúc, các nhà khoa học Việt Nam lại tiến hành các nghiên cứu về động vật hoang dã ở miền Nam Việt Nam và vào năm 1977 2 cá thể rái cá mũi lông được tìm thấy, 1 ở huyện Ngọc Hiên thuộc tỉnh Cà Mau và 1 ở huyện Phùng Hiệp thuộc tỉnh Cần Thơ. Không có thông tin nào về loài này cho đến năm 2000 khi các nhà khoa học Việt Nam tiến hành 2 cuộc khảo sát ở châu thổ sông Mê Kông và tìm được một quần thể rái cá mũi lông tại Khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng (nay là vườn quốc gia) thuộc tỉnh Kiên Giang.

Lần này, bên cạnh việc sử dụng các phương pháp khảo sát cũ (phỏng vấn các các bộ kiểm lâm và những thợ săn địa phương, tìm các dấu vết và phân và quan sát trực tiếp), các nhà nghiên cứu đã sử dụng bẫy máy ảnh. Theo phương pháp này, các máy ảnh được đặt ở các vị trí quan trọng với các bộ phận cảm nhận chuyển động bằng hồng ngoại được bố trí để chụp ảnh động vật khi chúng đi qua. Kỹ thuật không thâm nhập này được sử dụng ngày càng nhiều ở nhiều khu vực để phát hiện các loài hiếm và khó tiếp cận. Trong trường hợp này, nó đã xác nhận được sự tồn tại của một loài bị nghi ngờ là đã tuyệt chủng ở Việt Nam trong vài thập kỷ. Cuộc khảo sát này cũng ghi nhận loài rái cá vuốt bé hiếm (Aonyx cinerea) trong các vùng đất ngập nước này.

Việc phát hiện lại loài rái cá mũi lông ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc quy hoạch bảo tồn. Bất chấp những nỗ lực bền bỉ của các cán bộ kiểm lâm, sự tác động của con người lên khu bảo tồn thiên nhiên này vẫn còn rất mạnh và bao gồm săn bắt, đánh cá, lấy thực vật và làm giảm chất lượng nước. Vì Vườn Quốc gia U Minh Thượng có các quần thể của loài rái cá mũi lông cực kỳ hiếm, việc thành lập một chương trình giám sát rái cá và một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo tồn rái cá cần được ưu tiên. Việc bảo tồn rái cá phụ thuộc vào việc quản lý thành công các vùng đất ngập nước ở Việt Nam. Hiện nay cách tốt nhất có lẽ là cho phép các cộng đồng địa phương được khai thác một cách bền vững các khu vực này.

Một phần của tài liệu miền nam việt nam sức mạnh của sông mê kông - eleanor j. sterling (Trang 33 - 34)