Các khu vực đất ngập nước U Minh nằm ở phía Tây của tỉnh Cà Mau, khoảng 365 km về phía Tây Nam của thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực này là căn cứ quan trọng của những chiến sĩ kháng chiến trong các cuộc chiến tranh với người Pháp và người Mỹ. Đáng chú ý là bất chấp những xáo trộn do chiến tranh và những lần cháy rừng gần đây, U Minh vẫn còn những khu vực đất ngập nước rộng lớn nhất, lâu đời nhất và có số lượng loài phong phú nhất của châu thổ sông Mê Kông. Mọc trên tầng than bùn dày nhất của vùng châu thổ (1-3m), các khu rừng đầm lầy ở đây có những chức năng quan trọng đối với những khu vực xa xôi, trong đó có lọc nước ngầm; giữ và giải phóng chậm nước ngọt trong mùa khô; và ngăn quá trình axit hóa đất và nước.
Khu vực rừng ngập mặn rộng lớn tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng nở hoa vào tháng 6 và tháng 11 với rất nhiều hoa và ong. Trong nước, gần như đen vì hàm lượng than bùn cao, có tôm và cua cũng như thỉnh thoảng có rùa – tất cả những loài này có thể bắt gặp, ở những nơi khá đặc biệt, tại các chợ địa phương. Trong số 186 loài chim được ghi nhận tại địa điểm này, nhiều loài sống trong rừng và có phân bố rộng. Sống cùng với các loài này là các loài hiếm hơn và bị đe dọa nhiều hơn, trong đó có một quần thể sinh sản của già đẫy Java cũng như điềng điễng, quắm đầu đen và cò nhạn. Bên cạnh loài rái cá mũi lông mới được phát hiện lại, các loài thú khác được ghi nhận gần đây bao gồm rái cá vuốt bé, sóc đỏ (Callosciurus finlaysoni), cầy vòi hương (Paradoxurus
hermaphroditus), cầy giông (Viverra zibetha), cầy giông đốm lớn (V. megaspila) và tê tê Java (Manis javanica).
Các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học của khu vực U Minh bao gồm cháy rừng do con người gây ra, phát quang hoặc biến đổi sang nông nghiệp theo cách khác, làm khô than bùn, săn bắn và du lịch không bền vững. Sự phát triển cơ sở hạ tầng theo quy hoạch cho du lịch bao gồm xây dựng đường xá dẫn đến vùng trung tâm của các khu lõi.