Tình cảm Đoàn Thị Điểm đối với gia đình qua Hồng Hà phu nhân

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đoàn thị điểm qua đoàn thị thực lục (Trang 82 - 86)

di văn

Tình cảm đối với gia đình của Đoàn Thị Điểm thể hiện rõ nhất trong bài văn tế anh Đoàn Doãn Luân. Bài văn này đã được Hoàng Xuân Hãn sao lục nguyên văn trong Chinh phụ ngâm bị khảo của ông, nhưng chưa dịch.

Bài văn cũng được chép trong Hồng Hà phu nhân gia phả (ở phần 1 mà chúng tôi đã giới thiệu bên trên).

Bài văn tế anh Đoàn Doãn Luân là một bài văn súc tích như nhiều bài văn tế đương thời khác. Nội dung bài văn chia làm ba phần : Phần đầu kể công tích người quá cố, phần tiếp theo kể nỗi bi thương, ai oán của người sống đối với người đã mất, phần cuối cùng kể nỗi vất vả khó khăn mà người chết để lại và niềm tin, lòng gắng gỏi của người sống hoàn thành nốt công việc của người chết mà họ phải gánh vác. Toàn bộ bài văn tế là tiếng khóc nhớ anh của Đoàn Thị Điểm. Ta hãy đọc một vài đoạn:

Nguyên văn

Ô hô nhạn trận kinh hàn, vọng Tiêu, Tương nhi thống khấp ; đường hoa ngộ vũ, trắc cương lĩnh dĩ đốt ta. Hà hạo thiên chi bất điếu nhất chí vu thị dã? Thống duy ngô huynh sinh lai hàn tố chí lệ trác ma. Học quán cổ kim, đối thời nhân nhi vô quý ; thuật cùng thiên địa, dữ tiền triết nhi đồng khoa. Bất hạnh mệnh đồ suyễn bác, đạo thống khảm kha.

Dịch nghĩa

Than ôi ! Đàn én sợ rét, nhìn sông Tiêu, sông Tương mà gào thét ; hoa lê gặp mưa, lên gò đống mà than thở. Đến nông nỗi như thế này mà trời không thương xót. Đau đớn thay anh sinh ra đã có chí nhà nho thanh bạch, cần cù chăm chỉ học hành vào bậc nhất xưa nay, đối với người đương thời không chút hổ thẹn ; học thuật sâu rộng, đỗ cùng khoa với nhiều vị hiền triết trước đây ; không may mệnh bạc, đạo thống gập ghềnh.

Cũng như nhiều bài văn tế khác, văn tế anh của Đoàn Thị Điểm có tính trữ tình rõ rệt, ở đây tính chất tự sự hay miêu tả trong bài văn đều phục vụ cho trữ tình thêm đậm đà sâu sắc. Bài văn tế anh của Hồng Hà phu nhân đã có tính chân thực của loại văn tế thế kỷ XVIII, vươn lên một tầm cao mới so với loại văn tế các thế kỷ trước.

Sau khi kể lại công đức của người quá cố, Đoàn Thị Điểm đi sâu vào nỗi vất vả gian nan mà người sống phải chịu đựng. Cái chết của người anh xảy ra đột ngột trong hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, làm sao không khỏi bàng hoàng, đau đớn cho người sống.

Nguyên văn

Ngọc lâu ức tích hoạch thừa nhan, muội cửu ấp xuân phong chi hoà hú tử lý nhi kim xuyền phản giá muội thất phù cảnh sắc chi thảm thê. Y hy, y hy, liên huynh giả muội, liên muội giả thuỳ ? Nhất tắc liên huynh chi công danh phương tiến, nhất tắc liên muội chi chung tiển vô y.

Dịch nghĩa

Nhớ xưa nơi lầu ngọc, em thừa tiếp dung nhan của anh, như được sưởi trong hơi ấm của gió xuân. Vậy mà nay em trở về quê, thấy cảnh sắc thật là thảm thê. Than ôi ! Than ôi ! Người thương anh là em, người thương em là ai ? Phần thương anh đường công danh đang tiến, phần thương em cuối cùng không nơi nương tựa.

Bài văn tế anh quả có cái chân tình, cái đau thương thống thiết của một người em khóc anh mà lúc bấy giờ cảnh nhà của Hồng Hà nữ sỹ hết sức bi đát, cảnh loạn lạc của đất nước xảy ra khắp nơi : trước đây một mình người anh với nghề dạy học phải nuôi tất cả gia đình, có mẹ già, hai con nhỏ, một vợ tàn tật xấu xí và em gái (là Đoàn Thị Điểm) chưa chồng. Nay gánh nặng ấy dồn cả vào vai bà. Trong khi đó loạn lạc, khởi nghĩa nông dân đang lan tràn khắp nơi, gia đình Đoàn Thị Điểm cũng như phần đông các gia đình khác phải rời quê hương đi lánh nạn. Do sống trong hoàn cảnh như vậy nên bà đã thấu hiểu cuộc sống cơ cực người xứ bà đang sống, để rồi sau này chính bà là người đã phiên âm tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn ra chữ Nôm.

Bài văn tế anh Đoàn Doãn Luân xúc động vì nó không giấu giếm những cảnh cùng khổ mà người trong cuộc đang nếm trải, nào là “tổ phụ bơ vơ”, “gia đình sa sút”, “gia kế sạch không”.

Nguyên văn

…Khả thống giả, tổ phụ thinh linh lệnh lạc, gia đình chưởng thượng minh châu hề ký tạo trụy phá, giai tiền ngọc thụ hề cánh thất phô vinh. Hàm di dĩ cung thất ngô huynh nhi sầu thương tuế vãn ; thực hoè dĩ vọng thất ngô huynh nhi niệm thiết gia thanh. Huynh sở dĩ hữu phụ ư minh minh. Vưu khả thống hận giả, mẫu thị thuỳ cung gia kế lũ không.

Dịch nghĩa

Điều đáng đau sót là, tổ phụ bơ vơ không nơi nương tựa, hạt châu trên tay gia đình đã rơi vỡ ; cây ngọc trước thềm đã hết xanh tươi. Nay mất anh mà lòng đau như cắt, nỗi sầu muộn này biết đến bao giờ nguôi ngoai. Mất anh khiến trong nhà cũng hiu quạnh, gia đình sa sút, gia kế sạch không.

Có những đoạn tả tình cảnh bơ vơ không nơi nương tựa của đàn cháu dại, đọc lên khó cầm được nước mắt:

Nguyên văn

…Viện tĩnh nhi oa oa khấp lệ, sào không nhi á á thanh đề. Nhược nữ thùy điều, cử mục tuyệt thuộc ly mao lý ấu nhi sơ học xu đình thuỳ giáo, hối lễ thi.

Dịch nghĩa

…Trong tĩnh viện trẻ oa oa khóc bố, nơi nhà vắng tiếng nức nở nghẹn ngào. Đứa gái nhỏ xoã tóc ngang vai, giương mắt nhìn không còn người rẽ tóc ; thằng cháu trai mới ê a theo học, lúc qua sân ai dạy dỗ lễ thi.

Nhưng là người phụ nữ có nghị lực, Đoàn Thị Điểm đã biết nén tiếng khóc để tự nguyện gánh lấy cái gánh nặng mà người chết để lại cho mình. Những lời hứa ở cuối bài văn cho thấy bà đã cố trấn tĩnh rất nhiều và điều đó càng khiến người đọc cảm động.

Nguyên văn

Thể huynh chi tình, giáo điệt nữ dĩ tửu thực thị nghị ; kế huynh chi chí, miễn ấu tử di đức âm khổng chướng. Như thử tắc huynh chi linh kỳ khả uý, nhi muội chi trách kỹ khả thường. Bần hàn triệt cốc, vô dĩ tự tương. Đơn trầm nhất phiến, huyền tửu sổ bôi. Ô hô ! Thống tai ! Thượng hưởng ! Dịch nghĩa

Thể theo lòng anh, em bảo cháu gái lớn lo liệu việc cúng giỗ gia tiên theo như lời anh dặn ; khích lệ cháu trai nhỏ cố công đèn sách, làm rạng rỡ nghiệp nhà. Được như thế thì linh hồn anh dưới suối vàng có thể an ủi, mà trách nhiệm của em cũng khả dĩ được đền bù. Nhà nghèo xơ nghèo xác, chẳng biết lấy gì để cúng anh. Em chỉ có tấm lòng thành và vài chén rượu nhạt, xin anh thượng hưởng ! Than ôi ! Đau đớn thay !

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đoàn thị điểm qua đoàn thị thực lục (Trang 82 - 86)