Hàphu nhân di văn
Sáng tác văn thơ của Đoàn Thị Điểm chắc chắn đã thất lạc nhiều, nhưng với mấy chục bài còn lại. Đoàn Thị Điểm vẫn có thể đáng được liệt vào những nhà văn có cá tính độc đáo trong văn học dân tộc.
Như không ít nhà văn đương thời, Đoàn Thị Điểm xuất thân từ tầng lớp nho sỹ, trong một gia đình có truyền thống văn học. Cha và anh đều đỗ đạt, làm quan. Đoàn Thị Điểm đã thừa hưởng sâu nặng phúc ấm của tổ tiên để lại. Mặt khác, có thể nói bà đã lăn lộn nhiều trong cuộc sống của quần chúng ở nông thôn, được đi nhiều nơi, điều này cũng đã phản ánh trong thơ văn Đoàn Thị Điểm. Cuộc đời riêng của bà có nhiều chuyện éo le, ngang trái về đường tình duyên…Tất cả những điều đó để lại dấu ấn rõ nét trong thơ văn Đoàn Thị Điểm, và cũng là những nhân tố làm cho thơ văn bà có chỗ khác người.
Với Đoàn Thị Điểm, cuộc sống bao giờ cũng được phản ánh vào tác phẩm theo con mắt nhìn riêng, theo góc độ riêng của tâm hồn mình. Đoàn
Thị Điểm sáng tác bằng thể thơ Đường luật, là mọt thể thơ được dùng phổ biến trong văn học bác học đương thời.
Văn học bác học nói chung viết về cuộc sống của tầng lớp trên. Trong một số bài thơ “khẩu khí” xuất hiện dưới thời Lê Thánh Tông có đến một vài nhân vật thuộc tầng lớp dưới ; một số đồ vật trong đời sống hàng ngày của người lao động…nhưng nhà thơ không nhằm nói về những đối tượng ấy, mà chỉ mượn những đối tượng ấy để nói về vai trò, nhiệm vụ của những con người thuộc tầng lớp trên, của bọn quan lại. Đoàn Thị Điểm không làm thơ về tầng lớp quý tộc, không viết theo kiểu thơ “khẩu khí” mà viết về những đề tài lấy trong sinh hoạt của người lao động, những gì gắn liền với những hoạt động của người dân với làng quê Hiến Phạm, gửi gắm vào đó cái khát khao cuộc sống, niềm tin cuộc sống nơi quê hương bà. Đoàn Thị Điểm sẽ không viết về hiện tượng nào khác mà viết về cảnh chơi xuân, chơi đêm lúc nông nhàn:
“Người nào đêm xuân đốt đuốc đi chơi,
Trời sáng như ban ngày, hương quế tràn ngập.
Luồng ánh sáng bạc treo cao trên nghìn tầng sông Hán, Gương trăng phơi bày rực rỡ như đang giữa mùa thu…”
(Thơ chữ Hán - Dạ du mạn hứng)
Thơ tả cảnh của Đoàn Thị Điểm thường có sự rung cảm tế nhị. Nhà thơ tả cảnh, dùng hình tượng để biểu hiện tâm trạng, gợi cảm qua hình tượng thiên nhiên. Thơ thiên nhiên của Đoàn Thị Điểm ta thấy có bóng nhà dân, có người ngồi uống rượu, có chợ búa, bến sông, mái chèo…
Lạc tại hồ tôn đồng tọa chước, Tình ư đông bắc thử trình phân…
(Thơ chữ Hán : An Nhân đình bộ thi) (Vui cùng chén rượu mời cùng uống, Tình chia đông bắc nỗi lòng này…)
Nhất trạo khinh khinh tái tửu chu…
(Thơ chữ Hán : Dạ du mạn hứng)
(Cảm hứng đến thì có quản gì sông hồ đổi khác,
Một mái chèo chở chiếc thuyền rượu lướt nhẹ trên sông…) Thơ tả cảnh của Đoàn Thị Điểm thường thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống hơn là đi tìm cái đẹp thiên nhiên thuần tuý. Trong mỗi bài thơ, cảm hứng thiên nhiên thường hoà lẫn với sự quan sát xã hội. Có những hình ảnh rất thơ đứng song song với những hình ảnh rất thực của đời sống. Trong bài Thu hứng, nhà thơ thả tâm hồn theo tiếng đàn trong trẻo trên sông, nhưng dòng suy nghĩ thì vẫn gắn chặt với những hiện tượng trong đời sống thực.
Lương phong vi vũ thuộc sơ thu, Vạn hộc thanh hương nhập trản phù. Điếu hải giác đa huyền quản nhạc, Tưu sinh hữu hạnh bạng tư du.
(Thơ chữ Hán : Thu hứng)
(Gió mát, mưa rây, đã vào tiết đầu thu,
Hương thơm trong trẻo nghìn vạn hộc tràn cả vào trong chén.
Giữa làng câu, cảm thấy có rất nhiều tiếng đàn tiếng sáo, Tấm thân nhỏ mọn có cái may được lạm dự cuộc chơi này). Trong Hồng Hà phu nhân di văn bên cạnh những bài thơ thù tặng người khác bằng chữ Hán, ta thấy có một số bài thơ chữ Nôm. Bài thơ trào lộng bằng chữ Nôm “Đùa tặng người béo” có một số từ dùng khá cổ, dấu hiệu của ngôn ngữ Việt Nam thế kỷ XVIII, như chữ thốn nghĩa là thiếu thốn, bợm nghĩa là mua vui :
Sống lâu mà béo vẫn ơn trời, Khôn gấp gầy kia biết mấy mươi.
Béo giống gà nòi đè xạc cánh, Gầy như cò đói nghển trông mồi. Béo ngồi chĩnh chiện dư người trước, Gầy bước co ro thốn kẻ mời.
Gầy chửa biết gầy nên sợ béo, Còn điên sao kể bợm trong đời. (Đùa tặng người béo)
Hay như trong bài Hạ nhân thọ quốc âm thi cũng có nhũng từ ngữ khiến ta phải chú ý về cách hành văn thời gian trước, như chữ đượm nghĩa là cộng thêm, noi nghĩa là tuân theo :
An vui thong thả tháng ngày lời, Cõi thọ dần lên biết mấy mươi. Năm nhọn lẻ năm phô vẻ biếc, Một ngày càng một đượm da mồi. Noi lệ hương khúc diên quỳnh đạt, Vẻ mặt kỳ anh chén cúc mời.
Dưới gối thêm bằng con cháu mạnh, Phúc thường lưu …đời đời.
(Hạ nhân thọ quốc âm thi)
Nghệ thuật sử dụng đối trong Hồng Hà phu nhân di văn
Người xưa viết văn chấm câu. Người đọc tự chấm câu, ngắt mạch, tự tìm hiểu những ý đồ sử dụng ngôn từ của tác giả. Trong Hồng Hà phu nhân di văn người đọc tự dễ dàng chấm câu, ngắt mạch thông qua nhịp điệu của lời văn. Tác giả sử dụng văn ngôn, thông thường lời văn được ngắt nhịp 4 chữ hoặc 6 chữ. Trong Bảng văn có 57 câu thì có tới 42 đoạn được ngắt nhịp 4 chữ, 37 đoạn dược ngắt nhịp 6 chữ. Điều này chứng tỏ tác giả Hồng Hàphu nhân di văn có ý thức coi trọng sự cân xứng của câu văn.
Khảo sát các đoạn văn được ngắt nhịp 6 chữ, ta thấy tác giả rất chú trọng đến việc đối âm. Trong Bảng văn có nhiều đoạn tả về cảnh đẹp của làng quê:
“Hán Vũ tỵ chi lịch đại, vĩ chi dĩ hài thần nhân”, “Quốc vĩnh ư vô cương tụng, thánh đức ư vô ký dã”…
Những câu văn được ngắt nhịp 4 chữ:
“Bối xuất giai nhân, giai sinh nhan sĩ”, “duy ngã chi hương, sơn nhạc trữ tình”, “càn khôn chung khí, quyết nê đồ nhưỡng”…
Có những đoạn văn được miêu tả bằng hình ảnh sinh động:
“Thương cổ giả hoài Bão Thúc chi liêm phong, công nghệ giả chiếm Ninh Phong diệu kỹ”…
Ngay câu đối trong Hồng Hà phu nhân di văn cũng có sự cân xứng hài hoà, đối giữa số từ với số từ, danh từ với danh từ, động từ với động từ. Đây là những câu đối được Đoàn Thị Điểm sáng tác khi đi đến chơi các đền chùa:
“Thập bát chiếm hùng uy Bắc cảnh Đông cương thiên cổ, Thất thập từ hiển thánh Trần tiền Lý hậu nhất nhân.”
hay như:
“Đê trụ ngật đồi ba vạn cổ cương thường tâm hữu lý, Tật phong tri kính thảo nhất thiên quá kích mục vô trần.”
Qua các cặp đối xứng trên có các cặp vần trắc bằng, bằng trắc đối nhau, điều này chứng tỏ tác giả Hồng Hà phu nhân di văn rất coi trọng ngắt ngừng để cho câu văn khi đọc lên có âm hưởng bay bổng, hài hoà về nhịp điệu.
Trong Hồng Hà phu nhân di văn, điển cố được tác giả dẫn dụng bao gồm hai loại: những điển cố có nguồn gốc từ sử sách Trung Quốc và những điển cố được rút ra từ sử sách của Việt Nam.
Khảo sát các điển cố có nguồn gốc từ Trung Quốc, ta thấy phần nhiều được tác giả rút ra từ sách Tứ thư, Ngũ Kinh và các bộ sử lớn. Trong
Hồng Hà phu nhân di văn tác giả dẫn đến 15 điển cố, trong đó có 8 điển được lấy từ Tứ thư.
Những điển cố được rút ra từ sử sách Việt Nam, chủ yếu là những tư liệu có liên quan đến sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Qua Hồng Hà phu nhân di văn tác giả viết về cảnh đẹp và con người làng quê Hiến Phạm, đồng thời bày tỏ tình cảm của mình trước thiên nhiên tươi đẹp. Thiên nhiên trong thơ văn Đoàn Thị Điểm được đặc tả dưới con mắt của nhà thơ yêu quê hương làng thôn mình, nơi tác giả sinh ra, lớn lên. Làng thôn trong thơ văn Hồng Hà phu nhân với những trò chơi đầu năm ở quê hương tác giả, của những con người yêu lao động, có lòng tương thân tương ái, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Những con người nơi đây sống hoà thuận, biết kính trên nhường dưới, tôn trọng lễ nghi, tôn sùng đạo lý. Cảnh đẹp thiên nhiên được tác giả nói đến với vẻ đẹp thôn quê thuần phác, gợi cảm giác yên bình, tươi vui.
Tình cảm đối với gia đình của Đoàn Thị Điểm thể hiện rõ nhất qua bài văn tế anh Đoàn Doãn Luân. Đọc bài văn tế này người đọc cảm nhận được lòng thương anh vô bờ bến của tác giả đối với người anh đã gắn bó với bà từ nhỏ, người anh là nguồn động viên, niềm tin trong cuộc sống của bà. Bài tế anh Đoàn Doãn Luân có sự thống thiết đau thương của người em mất anh, vừa có sự tiếc thương một tài năng văn học đã giúp bà trở thành một tác giả văn học sau này. Đọc bài văn tế anh Đoàn Doãn Luân người đọc còn thấy ý thức trách nhiệm đối với gia đình của Đoàn Thị Điểm khi người anh qua đời. Trước đây một mình người anh với nghề dạy học phải nuôi tất cả gia đình, có mẹ già, hai con nhỏ, một người vợ tàn tật xấu xí và em gái (là Đoàn Thị Điểm) chưa chồng. Nay gánh nặng ấy dồn cả vào vai Hồng Hà phu nhân. Trong khi đó loạn lạc, khởi nghĩa nông dân đang xảy ra khắp nơi, gia đình Đoàn Thị Điểm cũng như phần đông các gia đình khác phải rời quê hương đi lánh nạn.
Nghệ thuật Hồng Hà phu nhân di văn được thể hiện qua câu đối, văn thơ. Thơ văn Đoàn Thị Điểm không viết theo lối thơ “khẩu khí” hay tả về thiên nhiên thuần tuý mà lấy đề tài trong sinh hoạt của người lao động, những gì gắn liền với người dân làng quê Hiến Phạm, từ đó tác giả gửi vào tác phẩm niềm khát khao cuộc sống, niềm tin vào cuộc sống. Đọc thơ Đoàn Thị Điểm người ta thấy có bóng nhà dân, có người ngồi uống rượu, có chợ búa, bến sông, mái chèo…
Người xưa viết văn không chấm câu. Người đọc tự chấm câu, ngắt mạch, tự tìm hiểu ý đồ sử dụng ngôn từ của tác giả. Trong Hồng Hà phu nhân di văn người đọc tự dễ dàng chấm câu, ngắt mạch thông qua nhịp điệu của lời văn. Tác giả sử dụng văn ngôn, thông thường lời văn được ngắt nhịp 4 chữ hoặc 6 chữ. Tác giả trong Hồng Hà phu nhân di văn cũng rất chú ý đến việc đối âm, sử dụng điển tích, điển cố.
KẾT LUẬN
Sau khi nghiên cứu về tiêu chí, lập danh mục, khảo sát văn bản Đoàn Thị thực lục, trình bày những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật tác phẩm Đoàn Thị Điểm. Chúng tôi xin nêu một số kết luận như sau.
Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XVIII là một xã hội mà chế độ phong kiến bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng và không có lối thoát. Những mâu thuẫn chứa chất trong lòng xã hội phong kiến đến giai đoạn này bộc lộ gay gắt và bùng nổ thành những cuộc đấu tranh xã hội quyết liệt. Đoàn Thị Điểm cũng sống trong thời điểm này, thời điểm đất nước loạn lạc, chiến tranh liên miên, cuộc sống đói nghèo. Bản thân Đoàn Thị Điểm và gia đình bà cũng chịu nỗi cơ cực của cuộc chiến tranh ấy.
Đoàn Thị Điểm là tác gia văn học tiêu biểu đầu thế kỷ XVIII, được đánh giá cao “là một người có kỳ tài trong văn nữ giới” (Nguyễn Đỗ Mục), là “người nổi tiếng hay chữ” (Trúc Khê). Bà được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn học, được thừa hưởng sự thông minh, giỏi văn chương của người mẹ, sự chăm chỉ và tinh thần hiếu học của cha
và anh. Điều đó đã giúp bà có được hồn thơ và những tác phẩm văn học có giá trị sau này.
Từ lâu văn bản Đoàn Thị thực lục chỉ được nghiên cứu lẻ tẻ qua một vài công trình nghiên cứu. Luận văn của chúng tôi lần này đặt vấn đề tìm hiểu giá trị tác phẩm Đoàn Thị Điểm qua Đoàn Thị thực lục, mà đặc biệt là tác phẩm Hồng Hà phu nhân di văn. Căn cứ vào nội dung chúng tôi đã phân tác phẩm Hồng Hà phu nhân di văn ra làm nhiều nhóm : cảnh đẹp, con người làng quê Hiến Phạm qua Hồng Hà phu nhân di văn ; tình cảm đối với gia đình của Đoàn Thị Điểm ; thơ, câu đối thù tặng của Hồng Hà nữ sỹ đối với những người trong làng.
Đọc tác phẩm Đoàn Thị Điểm chúng ta bắt gặp cả một thế giới thiên nhiên tươi đẹp của làng quê Hiến Phạm, con người và cảnh đẹp nơi đây đã tạo nên sự trù phú, sự sung túc giàu có. Đây cũng chính là tình yêu quê hương tha thiết của tác giả. Bên cạnh những tác phẩm viết về tình cảm yêu quê hương tha thiết, thiên nhiên tươi đẹp, tác giả còn bộc lộ tình cảm chân tình sâu sắc đối với gia đình, nơi tác giả sinh ra và lớn lên.
Qua khảo sát văn bản chúng tôi thấy tác phẩm Đoàn Thị Điểm phản ánh hiện thực cuộc sống theo một cách thức riêng. Phương thức phản ánh hiện thực là tập trung miêu tả cuộc sống chân thực, người đọc thông qua đó nhận biết hiện thực xã hội. Tác giả Đoàn Thị Điểm viết về con người, cuộc sống với một thái độ khách quan, trung thực, không vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ giáo phong kiến.
Tìm hiểu nghệ thuật tác phẩm Đoàn Thị Điểm qua Đoàn Thị thực lục cũng trước hết là tìm hiểu cách thể hiện tình cảm thông qua cảnh vật, thế giới xung quanh của tác giả. Ngày nay khi tiếp cận với tác phẩm Đoàn Thị Điểm, để hiểu được nội dung người đọc phải suy ngẫm bởi hiện thực xã hội được tái hiện trong tác phẩm đã theo phương thức riêng của thể loại mà nhiều khi các tác giả khác không thể có được.
Sau khi khảo sát văn bản Đoàn Thị thực lục, chúng tôi xin đưa ra một số suy nghĩ của riêng mình về các tác phẩm của Đoàn Thị Điểm.
Trong khi khảo sát các tác phẩm của Đoàn Thị Điểm chúng tôi có chú ý tới một số đoạn nói về việc sáng tác của bà như sau:
Trong Hồng Hà phu nhân truyện có đoạn :
“Đặng quân Trần Côn – Nhân Hoà nhân hữu trứ Chinh phụ ngâm từ diễn âm thị Hồng Hà phu nhân sở thủ vị tri thị phủ = Ông Đặng Trần Côn - người làng Nhân Hoà có sáng tác Chinh phụ ngâm (bằng Hán văn) lưu truyền ở đời, tương truyền bản Chinh phụ ngâm này là do Hồng Hà phu nhân diễn âm, điều này chưa biết lẽ thật hay giả”.
Trong Hồng Hà phu nhân gia phả khi nói về những sáng tác của bà chỉ thấy nhắc đến như sau :
“Vân Cát, Hải khẩu, An ấp, tam truyện giai dĩ kiến an vu thế. Duy Yến Anh đối thoại, Mai huyễn nhị truyện đa ngộ thất kỳ, nguyện cố nhân đa bát kiến dã = ba truyện Vân Cát, Hải khẩu, An ấp…còn lưu hành ở đời. Duy hai truyện Yến anh đối thoại, Mai huyễn thì đã thất truyền, không thấy người xưa nhắc đến”.
Qua các câu trích trên đây, chúng ta thấy rằng không một nơi nào khẳng định Đoàn Thị Điểm có dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn… Ngay như trong Hồng Hà phu nhân truyện cũng chỉ cho là “tương truyền”. Bởi vậy, không thể khẳng định một cách dứt khoát rằng bản dịch Chinh phụ ngâm hiện hành là của Đoàn Thị Điểm.
Trong lúc khảo sát các tác phẩm của Đoàn Thị Điểm chúng tôi có lưu ý một tác phẩm bà viết hộ một người vợ có chồng đi lính và chết bệnh ở Đàng trong. Đây rõ ràng là hình ảnh một người chinh phụ kiểu Chinh