Rượu vodka trong lòng người Nga

Một phần của tài liệu Tổng quan về Rượu (Trang 34 - 35)

Ở một đất nước thích kỷ niệm chiến thắng, cuộc chiến năm 1373 thường bị bỏ qua. Bởi đó là thời điểm mà người Nga uống đến bí tỉ, khi quân Tatar xuất hiện và đánh thắng chớp nhoáng. Những người Nga say xỉn đã bị quẳng xuống một dòng sông có tên Reka Pianaya – dòng sông Say.

Nói rằng rượu đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Nga không phải là quá lời. Nó đã từng làm hỏng chiến lược của các vị tướng, nhụt chí các sa hoàng. Thời hiện đại, nó khiến bao thế hệ người Nga lên Thiên đàng trước tuổi. Nhưng đối với người dân nước này, đó còn là một mối dây gắn bó trong xã hội trải rộng trên hai châu lục, góp một phần linh hồn của người Nga: sự hiếu khách, tình bạn và lòng tin.

Vì vậy, ở Saint Petersbourg, một viện bảo tàng đã được thành lập chỉ dành cho loại rượu Nga được ưa chuộng nhất trong các đồ uống của nước này. Bạn sẽ bước vào cuộc hành trình tìm hiểu tâm lý của người Nga. Mừng cho tình yêu cuộc sống, bạo lực, lòng kiêu hãnh về sự thành thạo và sáng tạo, người ta đều dùng đến vodka cả.

“Cả lịch sử nền văn hoá Nga đều gắn liền với vodka”, Sergei Chentsov, một trong những người thành lập viện bảo tàng phát biểu. "Đã có viện bảo tàng cho rượu cognac của Pháp, có viện bảo tàng cho rượu whisky. Trong khi đó, rượu vodka nổi tiếng ít ra cũng bằng như vậy, nếu không phải là hơn, và có cả một lịch sử đồ sộ”.

Phần đông người Nga đều uống ruợu vodka và uống rất nhiều. Khách đến nhà hiếm khi nào lại không được mời một ly, cùng bánh mỳ nâu và dưa chua. Đừng có từ chối, nếu không bạn sẽ làm mếch lòng chủ nhà đấy. Mặc dù bia đang ngày càng trở nên phổ biến, người ta thường chỉ coi nó là thứ đồ giải khát và không thể đọ nổi với vodka.

Dân Nga cho rằng vodka có những công dụng y dược. Các ông bố bà mẹ thì dấp bông vào vodka để đắp lên trán con để làm dịu cơn sốt hay chữa chứng đau tai. Vodka với tiêu - công thức trị bệnh cảm lạnh cho người lớn, vodka với muối để đối phó với cơn đau bụng. Một số nhà khoa học hạt nhân thậm chí còn

uống nó để tránh tia phóng xạ. Những người khác uống vodka để quên đi niềm khổ đau.

Nhưng vodka, một biến thể của từ “nước” trong tiếng Nga, cũng đã trở thành một cuộc khủng hoảng của đất nước. Một nhà nghiên cứu thuộc chính phủ ước tính mỗi người Nga điển hình uống khoảng 180 chai rượu vodka hàng năm, hay hai ngày hết gần một chai. Alexander Nemtsov, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện tâm thần, Bộ Y tế, bình luận: “Đây là một trong những vấn đề lớn, nếu không nói là lớn nhất, ở đất nước này”.

Bảo tàng mới mở ở St.Petersburg không phải là đầu tiên ở Nga, nhưng địa điểm của nó được nhiều người biết đến hơn cả. Đã có một bảo tàng tương tự ở thành phố Uglich. Một xưởng rượu tại ngoại ô Matxcơva, mấy tháng trước, cũng đã lập ra một bảo tàng của riêng mình để tự quảng cáo.

Bên trong không gian sáng sủa và đẹp mắt trên một đại lộ tân thời ở St. Petersburg, người ta có thể tìm thấy dấu vết lịch sử vodka từ 500 năm trước, từ thời người ta còn gọi nó là rượu bánh mỳ. Thậm chí ngay từ trước đó, rượu cũng đã đóng vai trò định hình trong lịch sử Nga.

Trên tường là bức tranh minh hoạ hoàng tử Vladimir chọn Thiên chúa giáo làm tôn giáo chính thức năm 988. Nguyên nhân ư? Theo viện bảo tàng, thì nó cho phép người theo đạo uống ruợu mỗi ngày, chứ không riêng gì ngày lễ (!) Ngoài ra, còn có một máy làm rượu do các thầy tu sử dụng và các công thức rượu viết tay đã có hàng trăm năm tuổi.

Chentsov, 46 tuổi, một bác sĩ phẫu thuật và Shevyakov, 32 tuổi, một chuyên gia ngôn ngữ, đã vay tiền của bạn bè và nhận sự trợ giúp của thành phố để lập nên viện bảo tàng này. Họ cho biết là không nhận sự trợ giúp nào của các hãng sản xuất vodka, ngoài những chai rượu kỷ niệm.

“Rượu cũng giống như bất cứ loại thuốc nào khác. Uống ít thì tốt. Nhưng thêm một chút là thành thuốc độc”, Chentsov bình luận.

Ông nói thêm rằng nhiều người nước ngoài đã đánh giá thấp tầm quan trọng của vodka: “Ở phương Tây, người ta đến gặp các bác sĩ tâm lý. Còn ở Nga, chúng tôi cầm lấy một chai rượu, ngồi xuống, và nói chuyện cho vơi bớt u sầu”.

Minh Châu (theo Washington Post

Một phần của tài liệu Tổng quan về Rượu (Trang 34 - 35)