III. Những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến hiệu quả nhập khẩu thiết bị toàn bộ của Công ty
2. Yếu tố khách quan
2.4. Những vấn đề đặt ra đối với thủ tục hải quan cho thiết bị nhập khẩu
Thủ tục hải quan là những việc phải làm của người có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, có phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh hoặc của người được uỷ quyền (gọi tắt là người khai hải quan) theo quy định của luật Hải quan và các luật khác có liên quan.
Trình tự khai báo chung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là: - Khai báo trên tờ khai hải quan.
- Nộp, xuất trình chứng từ, hồ sơ kèm theo tờ khai hải quan.
- Xuất trình hàng hóa, phương tiện vận tải để cơ quan hải quan kiểm tra.
- Thực hiện yêu cầu của các cơ quan chức năng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (kiểm tra chất lượng, kiểm dich, phân tích, giám định hàng hoá…).
- Nộp thuế, lệ phí và các khoản phải thu khác.
- Tiếp nhận hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải sau khi thông quan.
Theo quy trình này thì việc quy định các doanh nghiệp khai báo hải quan tự phải chịu trách nhiệm kê khai, áp mã tính thuế đối với hàng hóa. Như vậy là hải quan đã dồn hết trách nhiệm sang doanh nghiệp, còn doanh nghiệp phải tiếp tục chịu trách nhiệm
trong 5 năm. Rõ ràng rằng trách nhiệm của hải quan là kiểm tra tờ khai, nếu tờ khai được khai đúng thì không có lý do gì yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tờ khai đó trong 5 năm, điều này là quá nặng nề.
Bên cạnh đó, bên nhập khẩu gặp phải nhiều khó khăn khi hải quan yêu cầu giám định tràn lan đối với hàng hóa nhập khẩu mỗi khi họ cảm thấy kết quả giám định không phù hợp với thực tế hàng hóa. Đây là điều không hợp lý vì bản thân hải quan không phải là một tổ chức giám định, kết quả giám định thông thường không phải chỉ đơn thuần là những gì nhìn thấy mà đòi hỏi phải có hệ thống máy móc tiêu chuẩn kiểm tra... Do vậy hải quan không thể đưa ra lý do như vậy để từ chối kết quả giám định và yêu cầu tiến hành giám định tràn lan.
Hiện nay, hoạt động của Công ty cũng đang gặp khó khăn do bị cưỡng chế hải quan. Do tranh chấp về giá tính thuế nhập khẩu ô tô cũ theo GATT giữa chi nhánh công ty tại Hải Phòng và Tổng cục hải quan, sự việc đã lên tới thanh tra chính phủ và mặc dù Technoimport khẳng định mình không làm sai nhưng cuộc tranh luận vẫn chưa kết thúc. Cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận chính xác mặc dù dự kiến ban đầu là đầu tháng 12 năm 2007 sẽ có kết luận chính thức, song đến thời điểm này 28/1/2008 doanh nghiệp chỉ nhận được câu trả lời là đang trong quá trình điều tra. Và trong khi đợi kết luận chính thức thì doanh nghiệp vẫn đang bị cưỡng chế hải quan, với thời hạn giải toả cưỡng chế là một tháng. Sự việc trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể kinh doanh mặt hàng ô tô nhập khẩu cũng như các mặt hàng khác vì bị cưỡng chế thuế, có thể bị phá sản. Thực tế hiện nay doanh nghiệp gần như chỉ hoạt động cầm chừng, cả Công ty chờ một văn bản giải toả cưỡng chế của hải quan. Tình hình ngày càng trở lên nghiêm trọng khi Hải quan không thông quan cho những lô hàng đã cập cảng, Công ty buộc phải tìm cách khác để đảm bảo thực hiện hợp đồng đối với doanh nghiệp trong nước như làm thủ tục chuyển chủ sở hữu lô hàng sang một nhà nhập khẩu uỷ thác khác, chấp nhận bồi thường cho khách… Đã có rất nhiều khách hàng quen thuộc ngần ngại khi tiếp tục ký hợp đồng với Công ty, nguy cơ mất khách hàng và
gia tăng chi phí đang tạo áp lực lớn đối với lãnh đạo và đội ngũ cán bộ Công ty. Đặc biệt, việc mất uy tín đối với các đối tác mới là tổn thất to lớn.