I. LÝ LUẬN CHUNG VỀ ĐẦU TƯ
3. TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH
3.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
Phú thọ là tỉnh có lịch sử lâu đời, vùng đất phát tích của dân tộc Việt Nam. Qua các cuộc tìm kiếm, khai quật khảo cổ cho thấy Phú Thọ có rất nhiều hiện vật đồ đá, đồ đồng minh chứng cho thời kỳ các Vua Hùng dựng nước Văn Lang, trong đó có các di chỉ nổi tiếng như: Gò Mun, Sơn Vi, Làng Cả, Phùng Nguyên,…Phú Thọ còn lưu giữ nhiều các di tích, sự tích, truyền thuyết về đời sống sinh hoạt văn hóa, công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Các lễ hội diễn ra trên quê hương Phú Thọ diễn ra rất đa dạng, phong phú, mang nét văn hóa đặc sắc của các bản làng như: hội Đền Hùng, hội phết – Hiền Quan, Hội bơi chải – Bạch Hạc, hội rước voi – Đào Xá, hội rước chúa Gái – Hy Cương, hội ném còn đồng bào dân tộc Mường,…Phú Thọ còn có một kho tàng thơ ca, hò, vè rất đặc sắc, những làn điều hát Xoan, hát Ghẹo, hát Đối, hát Ví mang âm hưởng của miền quê Trung du.
+ Khu di tích lịch sử Đền Hùng: Thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao là nơi thờ cúng các vua Hùng. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về phía Bắc. Từ Hà Nội du khách có thể đến Đền Hùng bằng đường bộ theo quốc lộ 2 hoặc tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai.
Đền Hùng là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia, toàn bộ khu di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hòa trong phong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thủy hội tụ.
Đền Hùng được xây dựng trên núi Hùng có độ cao hơn 175 mét so với mặt nước biển. Người xưa truyền rằng, núi Hùng là chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình rồng uốn khúc thành núi Vặn, núi Trọc, núi Pheo, núi cao 170 mét tương đương với núi Hùng; núi Trọc nằm giữa núi Vặn và núi Hùng theo truyền thuyết là 3 đỉnh “Tam sơn cấm địa” được dân gian thờ từ rất lâu đời.
Đến nay, núi Hùng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, rừng cây rậm rạp, xanh tươi và có khoảng 150 loài thảo mộc thuộc 35 họ, trong đó còn có loại cây đại thụ như Chò, Thông, Lụ,..và một loài giống cây có sơ như Kim Giao, Thiên Tuế,..Trong khu di tích lịch sử Đền Hùng là quần thể di tích có kiến trúc cổ xưa như: Cổng đền được xây dựng vào năm Khải Định thứ 2, cổng xây theo kiểu vòm cuốn, hai tầng tám mái, lợp giả ngói ống; Đền Hạ được tương truyền là nơi Mẹ Âu Cơ đã hạ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con chính là tổ tiên của các dân tộc Việt; Đền Trung là nơi các vua Hùng cùng các lạc hầu, lạc tướng bàn bạc việc nước; Đền Thượng là nơi hàng năm vua Hùng làm lễ tế trời đất, thờ Thần Lúa, đây cũng là nơi vua Hùng lập đền thờ Thánh Gióng sau khi đánh tan giặc Ân và cũng chính là nơi an nghỉ của vua Hùng thứ 6. Ngoài ra còn có Nhà Bia, Chùa Thiên Quang, Đền Giếng, Đền Tổ mẫu Âu Cơ, Bảo tàng Hùng Vương,…
+ Đền Mẫu Âu Cơ: Thuộc địa phận xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Đền được xây dựng từ thời Hậu Lê trên mảnh đất rộng giữa cánh đồng, nằm ẩn dưới gốc cây đa cổ thụ, mặt quay về hướng Nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác, sau lưng sông Hồng uốn khúc như rồng thiêng bao bọc, xung
quanh có cây cối xum xuê. Kiến trúc Đền có những trạm gỗ quý giá được coi như những tiêu bản của nền nghệ thuật đương đại. Tượng Mẫu Âu Cơ được đặt trong khám thờ lồng kính 3 mặt, đây là pho tượng được chế tác từ thời Lê có giá trị nghệ thuật cao.
Đền Mẫu Âu Cơ là di tích thờ quốc mẫu quan trọng trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Phú Thọ. Hàng năm thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương về thăm tế lễ.
+ Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng: Được xây dựng vào năm 2001, tại ngã 5 Đền Giếng, dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, Bộ Quốc Phòng đã xây dựng bức phù điều có hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong. Đây là công trình có quy mô hoành tráng được ghép bởi 81 khối đá xanh có trọng lượng 253 tấn, cao 7 mét, rộng 12 mét, đặt trang trọng trong quần thể di tích lịch sử Đền Hùng.
+ Chùa Xuân Lũng: Chùa thuộc xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, được xây dựng vào thời Lý – Trần, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Di tích còn lại hiện nay ở chùa là một bia đá có niên đại 1377-1388 năm ở chính điện.
+ Chùa Phúc Thánh: Chùa tọa lạc trên núi Ngạc Phác, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông. Chùa do phu nhân thứ 5 của vua Lý Thần Tông là Lê Thị Xuân Lan dựng năm 1145. Bà đã tu hành và mất tại đay năm 1171, trên điện thờ bức tượng của bà (tượng Thánh Mẫu). Mộ bà táng ở phía tây chùa. Chùa Phúc Thánh là một trong số ít những ngôi chùa thời Lý còn lại đến nay với nhiều chi tiết kiến trúc cổ kính làm bằng gỗ chò chỉ.
- Các di tích kiến trúc nghệ thuật: thể hiện qua nghệ thuật kiến trúc các đình, chùa, đền, miếu hay một số khu phố cổ, thành lũy, pháo đài, đặc biệt tập trung ở Phong Châu, Tam Thanh, Việt Trì như đình Hy Cương, đình Hùng Lô, đền Mẫu Âu Cơ, đền Hiền Quang, đình Bảo Đà, đình Lâu Thượng, đình Đào Xá,…
- Lễ hội truyền thống: Lễ hội truyền thống là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, phản ánh đời sống tâm linh của mỗi dân tộc, một hình thức sinh hoạt tập thể
của người dân sau những ngày lao động vất vả, là dịp để mọi người hướng về những sự kiện trọng đại hoặc liên quan đến những sinh hoạt tín ngưỡng hay vui chơi giải trí. Vì vậy lễ hội có tính hấp dẫn cao với du khách và là một trong những tài nguyên du lịch nhân văn có giá trị.
Ngoài những lễ hội có tính chất chung của cả nước, của vùng Bắc Bộ, Phú Thọ còn có những lễ hội đặc sắc riêng. Thông qua các lễ hội này, du khách có thể hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, văn minh lúa nước.
+ Lễ hội Đền Hùng: Được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 âm lịch, được Nhà nước lấy làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và được tổ chức theo nghi lễ quốc gia. Lễ hội Đền Hùng là ngày hội quần tụ, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng, nhắc nhở người dân Việt Nam cùng chung sức xây dựng đất nước ngày thêm phồn vinh. Lễ hội hàng năm thu hút hàng chục vạn du khách từ khắp mọi miền đất nước.
+ Hội chọi trâu: Ở tỉnh Phú Thọ, hội chọi trâu có tại nhiều điểm, đặc biệt như xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao; thị trấn Phù Ninh, huyện Phù Ninh; xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, được tổ chức đều các tháng trong năm. Sau khi phân thắng bại, người đăng cai dắt trâu về sang hôm sau mới mổ thịt để tế.
+ Hội bơi chải: Hội bơi chải phần lớn tổ chức vào mùa hè, các tháng 5 và 6 âm lịch. Đua chải Đào Xá là đua trên đầm Đào, một cái đầm lớn trên ngã ba Hương Nộn, Dị Nâu, Đào Xá.
+ Hội Bạch Hạc (hội tung Còn): Hàng năm diễn ra từ ngày 3 – 5 tháng giêng âm lịch tại xã Bạch Hạc, thành phố Việt Trì; đền thờ Thổ Lệnh đại vương. Lễ hội có tục tế, rước thánh qua sông Lô sang làng kết nghĩa Tiên Cát (thờ Thạch Khanh anh em sinh đôi với Thổ Lệnh đại vương). Trong lễ hội có trò thi tung Còn ở Đền Cả, lễ tiến Còn, ngâm thơ Còn và cúng cơm Còn. Ngày cuối hội có lễ hạ Còn cướp Còn cầu may.
+ Hội Chu Hóa: Lễ hội hàng năm diễn ra tại Chu Hóa, huyện Lâm Thao vào ngày 5 tháng giêng âm lịch, nhằm tưởng nhớ 3 anh em Cả Đông, Nhị Đông và Tam
Đông là các tướng giỏi của vua Hùng thứ 18. Trong lễ hội có diễn ra trò “chạy kem” diễn lại sự tích thần làng và nhiều trò vui khác.
+ Hội mở cửa rừng: Lễ hội diễn ra tại huyện Thanh Sơn từ ngày 6 – 15 tháng giêng âm lịch hàng năm. Mở đầu là lễ cúng cung tên để mở hội săn bắn, sau đó từng đôi nam nữ múa theo điệu “Gà phủ” thực hiện tín ngưỡng phồn thực.
+ Hội đánh cá: Được tổ chức ở vùng đồng bào Mường thuộc xã Thanh Kiệt, huyện Thanh Sơn. Đây là lễ hội mừng xuân tại khu vực ở sát bản. Trong lễ hội, người ta dùng các rọ bắt cá (dùng nhiều đồ dùng khuấy nước lên cho các chui vào rọ) để tế lễ và chia cho các gia đình.
+ Hội hát xoan, hát ghẹo: Trong gia sản to lớn về dân ca và nghệ thuật sân khấu cổ truyền, hát Xoan, hát Ghẹo là hình thức rất độc đáo. Ngoài giá trị về nghệ thuật, âm nhạc trong bài hát Xoan, hát Ghẹo còn ẩn chứa tư tưởng bên trong, đó là tình, là nghĩa đối với nhau và dành cho nhau.
+ Tết nhảy của dân tộc Dao: Thời gian tổ chức tết Nhảy ở hai nhóm Dao Tiền và Dao Quần có sự khác nhau. Họ Dao Tiền làm tết Nhảy từ rằm tháng chạp đến 28 tết hàng năm. Đây là một nét văn hóa đặc sắc của lễ hội tỉnh Phú Thọ.
+ Hội cồng chiêng của người Mường: Người Mường có nhiều dịp sử cồng chiêng như: chúc tết, đám cưới, đám ma, mừng nhà mới, trong các nghi lễ và cầu mùa,…Hàng năm ở Sở Văn hóa – Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ đều tổ chức liên hoan Cồng Chiêng toàn tỉnh. Đây là dịp các đội cồng chiêng của các làng hòa chung trong một bản sắc văn hóa Mường nói riêng và văn háo Việt nói chung.
- Làng nghề truyền thống:
+ Làng mây tre đan Đỗ Xuyên: Nghề đan cót nứa chắp đã có từ bao đời nay. Sản phẩm nứa chắp của Đỗ Xuyên đã có mặt trên thị trường thế giới với các sản phẩm như đĩa, bát,…
+ Nghề làm nón lá Sơn Nga, Sài Nga, Thanh Nga: Nón lá Phú Thọ có nét thanh tú, hài hòa, bình dị, bền đẹp rất phù hợp với khách du lịch quốc tế.
+ Ủ ấm Sơn Vi: Sơn Vi là một ngôi làng nhỏ thuộc huyện Lâm Thao, là quê
hương của sản phẩm độc đáo này. Với bàn tay khéo léo của mình, người Sơn Vi đã tạo ra loại ấm có dáng vẻ độc đáo riêng. Mỗi chiếc ấm là đồ dùng trang trí đẹp, giữ nhiệt, làm đậm đà cho những ấm nước chè xanh, lá vối, nhân trần,…trong suốt bốn mùa.
+ Làng mộc Minh Đức: Thuộc xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, cùng với thời gian, sản phẩm mộc Minh Đức đã có mặt ở mọi miền đất nước.