Các vấn đề về quyền sử dụng

Một phần của tài liệu quyền sử dụng mặt nước đầm phá tam giang, trường hợp ở thị trấn thuận an, huyện phú vang, tỉnh thừa thiên huế (Trang 38 - 40)

Y tế giáo dục

4.3.2. Các vấn đề về quyền sử dụng

Như phân tích ở phần trước, hiện nay tình trạng mua bán mặt nước (mua bán quyền sử dụng mặt nước) diễn ra rất phổ biến và phức tạp, dường như đã hình thành nên một " thị trường mặt nước" (giá cả phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguồn gốc, vị trí ao, sự quen biết, cách thức trả tiền 1 lần hay hàng năm...) và thị trường này đang hoạt động ngoài sự quản lý của chính quyền thị trấn, nếu có thì cũng khó có thể can thiệp sâu được.

Đa số diện tích mặt nước mua bán dưới hình thức trao tay. Có thể tóm tắc hình thức mua bán trao tay như sau : đối với mặt nước nhận khoán thì 2 bên thỏa thuận giá cả rồi chuyển quyền sử dụng, cách trả tiền có thể trả hết 1 lần (tính từ lúc mua đến lúc hết hạn khoán) hoặc cũng có thể trả hàng năm đến hết hạn khoán của phần diện tích đó, người đứng tên trên danh sách quản lý của thị trấn vẫn là người bán, tức là người đứng tên nhận khoán từ đầu. Có những diện tích không chỉ mua bán 1 lần mà còn nhiều lần nữa, cũng với hình thức như vậy.

Đối với mặt nước chiếm dụng nhưng đã có sự quản lý của địa phương (tức là có danh sách hộ, diện tích và dựa theo diện tích để thu thuế), nếu không có sự xác nhận

của địa phương thì hình thức mua bán cũng giống như 2 loại ao nhận khoán đã nêu, chỉ có khác là người mua trả tiền hàng năm cho người bán và người bán (đứng tên trong danh sách thị trấn quản lý) sẽ trực tiếp lên nộp thuế cho thị trấn, nếu có sự xác nhận của thị trấn về việc mua bán thì đổi tên chủ sử dụng phần diện tích đó trên danh sách để thu thuế.

Tóm lại, gần 100% diện tích mua bán có nguồn gốc từ nhận khoán đều không có sự xác nhận của chính quyền thị trấn, điều này chủ yếu do người dân không có trách nhiệm gì thêm đối với chính quyền, tức là không nộp thêm khoảng tiền nào cho thị trấn để sử dụng diện tích mặt nước đó từ khi nhận khoán, nên họ tự do mua bán, coi như là mua bán quyền sở hữu, từ đó dẫn đến những khó khăn của chính quyền thị trấn trong quản lý vấn đề chuyển nhượng mặt nước.

Quá trình mua bán diễn ra như trên dẫn đến việc những hộ nghèo mất mặt nước để sản xuất. Đối với những hộ nghèo, khi họ hết khả năng đầu tư vào nuôi trồng thủy sản do gặp phải rủi ro (như dịch bệnh, lụt bão...) thì họ đành phải bán đi một phần hay toàn bộ diện tích mặt nước của họ cho những hộ khác. Thêm vào đó, việc mua bán diễn ra dễ dàng nên tình trạng những hộ nghèo mất đất sản xuất vẫn cứ diễn ra ngày càng nhiều. Điều này có thể dẫn đến việc một số người mua mặt nước không vì mục đích nuôi trồng thủy sản mà vì mục đích " đầu cơ ", tức họ sẽ gom những phần mặt nước họ đã mua được, sau đó bán lại cho người khác hoặc cho thuê khi gặp thời điểm thuận lợi (trong việc nuôi trồng như thời tiết, thị trường...).

Ngoài ra, đối với những hộ nghèo chưa từng có mặt nước để sử dụng thì họ khó có thể có được mặt nước để sản xuất. Nguyên nhân cũng do từ khi xuất hiện NTTS trên đầm phá, chưa có cơ chế phân chia công bằng nguồn tài nguyên này, cụ thể là diện tích mặt nước đầm phá, và những diện tích nuôi trồng trên đầm phá hiện nay chủ yếu do người dân tự lấn chiếm (như đã nêu ở các phần trên).

Vậy, những hộ chưa có hoặc đã bị mất mặt nước để sản xuất sẽ làm gì để tạo nguồn thu nhập? Đa số đều quay trở lại nghề truyền thống, đó là đánh bắt thủy sản trên đầm phá. Tuy nhiên họ lại gặp khó khăn và phải gánh chịu hậu quả do tình trạng lấn chiếm mặt nước gây ra. Sự cạn kiệt của nguồn lợi do ô nhiễm môi trường, đánh bắt quá mức... và việc phát triển NTTS đã làm thu hẹp ngư trường của họ. Như vậy, họ lại đi vào vòng luẩn quẩn, nghèo lại càng nghèo hơn.

Tình trạng ngư trường ngày càng bị thu hẹp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm khai thác tự nhiên trong cộng đồng, chủ yếu là nhóm khai thác lưu động. Do vậy, mâu thuẫn xuất giữa 2 nhóm NTTS và ĐBTN là khó tránh khỏi, ví dụ: những người ĐBTN khi đánh bắt không đủ phục vụ nhu cầu của họ thì họ vào bắt trộm thủy sản ở những ao nuôi của người khác, gây nhiều bức xúc đối với những hộ NTTS.

Ngoài ra còn có mâu thuẫn chính trong nhóm cộng đồng ĐBTN, đó là mâu thuẫn giữa những người khai thác hợp pháp và những người khai thác bất hợp pháp. Ví dụ: hình thức khai thác bằng xung điện mang tính hủy diệt nên thủy sản nhanh cạn kiệt hơn, tạo mâu thuẫn giữa những người khai thác bằng xung điện và những người khai thác bằng ngư cụ hợp pháp khác.

Một vấn đề khác về quyền sử dụng, đó là việc người dân đắp đê những ao lưới thành những ao đất để khẳng định quyền sử dụng. Như đã nêu, một trong số các quy định cấp giấy phép sử dụng mặt nước của chính quyền Huyện Phú Vang (1994) là những phần mặt nước khai hoang (lấn chiếm) sau 2 năm sử dụng phải đắp đê mới được cấp giấy phép sử dụng. Đây như là một tiền lệ để nhiều diện tích khác trên đầm phá bị lấn chiếm và đắp đê.

Hiện nay, tình trạng đắp đê ao lưới thành ao đất, hoặc trực tiếp quai đê lấn phá vẫn đang diễn ra tại địa bàn nghiên cứu. Đa số người dân cho rằng ao vây lưới không đủ điều kiện để được xét cấp thẻ đỏ, chỉ có ao đất mới được xét và có thể được cấp thẻ đỏ (những hộ được cấp thẻ đỏ nêu trên). Vì vậy, để chắc chắn hơn trong quyền sử dụng, ai có ao vây lưới đều muốn đắp đê cho ao của mình (có 40% số hộ đắp đê vì mục đích khẳng định quyền sử dụng trong số những hộ đã đắp đê ). Nói tóm lại, những vấn đề liên quan đến quyền sử dụng mặt nước có quan hệ mật thiết với nhau, vấn đề này dẫn đến vấn đề khác. Và thực trạng hiện nay, những vấn đề đó đang cùng một lúc diễn ra tại địa bàn nghiên cứu, chúng diễn ra rất phức tạp, gây nhiều khó khăn và trở ngại cho các cấp quản lý, mà trực tiếp là chính quyền thị trấn Thuận An.

Ngoài ra, nhóm người chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ ràng của những vấn đề trên là những hộ nghèo, họ phải chịu mất mát và lại lâm vào con đường túng quẩn.

Một phần của tài liệu quyền sử dụng mặt nước đầm phá tam giang, trường hợp ở thị trấn thuận an, huyện phú vang, tỉnh thừa thiên huế (Trang 38 - 40)