Y tế giáo dục
4.2.2. Nuôi trồng thủy sản
Như đã nêu, trước đây, khi những ngư dân sống ven phá bắt đầu biết tận dụng mặt nước đầm phá để NTTS, họ đã dùng tre, lưới để vây lại thành từng ô trên phá để tiến hành NTTS. Hình thức nuôi này phụ thuộc chủ yếu vào thiên nhiên. Sau một thời gian, do số lượng ao vây ví quá nhiều, dày đặc nên tình trạng ô nhiễm đã xảy ra và ngày càng trầm trọng. Để khắc phục tình trạng này, người dân đã tự động đắp đê phần ao vây của mình, việc này cũng nhằm khẳng định quyền sở hữu mặt nước. Nhiều ao được đắp hoàn toàn, cách biệt hoàn toàn với môi trường nước xung quanh, những ao khác thì đắp một phần và vẫn vây lưới một phần, loại này vẫn trao đổi nước với môi trường ngoài mỗi khi triều lên. Đây gọi là ao hạ triều (lấn phá - ao đất trong lòng phá).
Nhờ thả giống hợp lý, lợi dụng chế độ thủy triều lấy nước tự nhiên, nuôi xen ghép, cùng với việc tuận thủ quy trình kỹ thuật, NTTS trên ao hạ triều không gây ô nhiễm môi trường đáng kể, đảm bảo cho việc phát triển của các diện tích nuôi khác. Những vùng đất cao hơn, lúc trước là ruộng lúa, nay đa số đã chuyển đổi sang
triều thì ít phụ thuộc vào thiên nhiên hơn so với ao hạ triều, nhất là chế độ thủy triều, tức là nước đưa vào ao thông qua hệ thống bơm nước.
Ngoài ra, có thêm một hình thức NTTS nữa, hình thức này chủ yếu còn phụ thuộc vào thiên nhiên, đó là nuôi lồng. Đây là sự tận dụng mặt nước đầm phá của người dân ở những nơi có độ sâu khá lớn và mặt nước khá thông thoáng.
Như vậy, xét theo cấu tạo ao thì có thể chia thành 3 loại : ao đất ,ao vây ( lưới ) và lồng, kỹ thuật nuôi cũng phụ thuộc vào từng loại ao. Tình hình sử dụng mỗi loại ao nuôi được thể hiện ở bảng 3 dưới đây.
Bảng 3 : Tình hình sử dụng các loại ao
Loại ao Tổng diện tích (m2) Tỷ lệ % DTBQ/hộ (m2) % hộ có ao
Ao đất 1.820.000 58,2 10.769,2 52,6
Ao vây 1.300.000 41,6 12.380,9 40,2
Lồng 4.620 0,2 171,1 7,2
Nguồn:Số liệu khảo sát, 2007.
Số liệu bảng trên cho thấy rằng tuy tổng diện tích ao vây nhỏ hơn ao đất nhưng diện tích ao vây bình quân mỗi hộ vẫn lớn hơn so với ao đất. Nguyên nhân là hiện nay, số ao vây cũng như số hộ sử dụng ao vây là ít hơn so với ao đất.
Trong vài năm trở lại đây, diện tích cũng như số lượng ao vây có chiều hướng giảm xuống (số liệu điều tra năm 2003, diện tích ao vây của thị trấn là 165 ha) do các hoạt động quy hoạch cũng như sự chuyển đổi từ ao vây sang ao đất, thay vào đó là sự tăng lên về diện tích và số lượng ao đất, nhất là ao hạ triều.
Đối với sự giảm đi diện tích ao vây do quy hoạch thì mang tính tích cực, quy hoạch mở thủy đạo cho tàu thuyền đi lại dễ dàng, làm mặt nước thông thoáng, hạn chế sự ô nhiễm môi trường nước... Nhưng sự giảm đi do chuyển đổi từ ao vây sang ao đất lại nảy sinh nhiều vấn đề khác. Cả ao hạ triều mới chuyển đổi và ao vây đều đã thu hẹp ngư trường tự nhiên. Sự khai thác, lấn chiếm và phá hủy các cồn nửa chìm nổi (chính là các bãi giống, bãi đẻ quan trọng), các vùng cỏ biển trong lòng
đầm phá (rừng dưới nước) đã làm mất nơi sinh cư, hủy diệt nhiều loài thủy sản có giá trị cao. Ao nuôi hạ triều cũng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như hóa chất xử lý ao hồ, hóa chất dập bệnh trong ao...làm ô nhiễm và hủy hoại môi trường đầm phá, hủy diệt nhiều loài thủy sinh, suy giảm đa dạng sinh học.
Nuôi cá lồng là phương thức nuôi đã có từ lâu, nhưng theo tìm hiểu thì chính quyền địa phương chỉ mới quan tâm đến hình thức này trong một vài năm trở lại đây. Vì vậy sự quản lý còn sơ sài, chỉ ngang mức độ biết được số hộ nuôi, số lồng lồng mỗi hộ, còn phần mặt nước thả lồng thì không quản lý (địa điểm, diện tích, giới hạn...). Điều này cũng có tính 2 mặt, thứ nhất đó là xuất hiện sự tự quản lý trong cộng đồng, người dân tự thỏa thuận với nhau vùng mặt nước thả lồng, đây là điều tốt. Tuy nhiên mặt xấu của nó là nếu xảy ra tranh chấp thì chính quyền cũng khó mà biết được, nếu biết được cũng khó giải quyết. Ngoài ra, nuôi lồng là sự tận dụng mặt nước đầm phá, cũng từ nguồn gốc là lấn chiếm, nếu hoạt động này phát triển mạnh thì chính quyền cũng khó có thể quản lý được.
* Các loại thủy sản nuôi trồng
Trước năm 1997, vùng đầm Sam, đầm Chuồng .. rong câu chỉ vàng (Gracilaria Tenuistipitata) phát triển tự nhiên, sản lượng hàng năm đạt đến 300 tấn. Từ năm 1991 diện tích và sản lượng rong câu chững lại và sụt giảm dần do nghề nuôi tôm phát triển. Diện tích và sản lượng rong câu thu hẹp dần. Ngư dân vùng này đã chuyển sang nuôi trồng một số đối tượng khác như tôm, cua, cá ...
Qua thực tiễn sản xuất hơn 10 năm qua, tôm sú (Penaeus Monodon) đã trở thành đối tượng nuôi chính của vùng đầm phá Thừa Thiên Huế nói chung và Phú Vang nói riêng nhờ giá trị kinh tế cao và nhờ việc phổ biến kỹ thuật, sản xuất con giống, thức ăn ...
Phong trào nuôi cua phát triển mạnh vào những năm 1993-1995, Cua được nuôi tập trung ở Phú Tân, Thuân An. Do nguồn cua giống tự nhiên trên đầm phá bị hạn chế, nên không có khả năng mở rộng diện tích. Nuôi cá mú, cá dìa,... được thực hiện trên một diện tích nhỏ bằng lồng ở Hải Tiến, Hải Thành , năng suất, sản lượng chưa đáng kể do ít được sự quan tâm của và giúp đỡ về kỹ thuật cũng như vốn từ phía chính quyền, chủ yếu là nuôi tự phát từ phía người dân.. Các đối tượng khác như tôm rảo, cá rô phi đơn tính, ốc hương, ... còn mới được nuôi theo mô hình thử
nghiệm [9]. Kết quả điều tra về các loại thủy sản được nuôi trồng ở vùng đầm phá thuộc thị trấn Thuận An được thể hiện ở bảng 4 dưới đây:
Bảng 4: Tỷ lệ loại thủy sản ưu tiên của 30 hộ khảo sát
Loại thủy sản
Nhóm hộ nghèo Nhóm hộ trên nghèo
TL % ƯT1(%) ƯT2(%) ƯT3(%) TL % ƯT1(%) ƯT2(%) ƯT3(%)
Tôm 100 100 0 0 92,8 71,4 17,8 3,5 Cua 50 0 0 50 67,8 25 35,7 7,1 Cá Mú 0 0 0 0 7,1 3,5 0 3,5 Cá Dìa 0 0 0 0 75,0 0 21,4 53,5 Cá Kình 50 0 50 0 39,2 0 10,7 28,5 Cá Hồng 0 0 0 0 17,8 3,5 3,5 10,7 Cá rô Phi 0 0 0 0 3,5 0 0 3,5
Nguồn : Số liệu khảo sát, 2007.
Bảng trên cho thấy hiện nay, tôm là đối tượng được chọn nuôi của đa số các hộ NTTS ở thị trấn Thuận An, đây cũng là xu hướng chung cho tất cả các hộ NTTS ven phá trong những năm trở lại (từ năm 2000) và trong tương lai. Điều này có thể giải thích như sau: do tôm có giá trị kinh tế cao, chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời gian qua, mặt khác do trình độ kỹ thuật NTTS ngày càng được nâng cao nên hình thức nuôi bán thâm canh, thâm canh và nuôi đơn tôm phát triển mạnh. Ngoài ra, cua cũng là đối tượng được chọn nuôi của phần lớn các hộ ở đây cũng do cua có giá trị kinh tế cao.
Khi phân tích dựa vào khía cạnh nhóm hộ nghèo và trên nghèo thì ta thấy rằng đối với nhóm hộ nghèo, đối tượng chọn nuôi là không đa dạng và chỉ nuôi đơn, không nuôi xen ghép, số hộ chọn tôm làm đối tượng ưu tiên nhất chiếm tuyệt đối nhưng cũng chỉ nuôi quảng canh, không đầu tư nhiều. Nguyên nhân chủ yếu cũng do những hộ nghèo sợ thất bại trong việc nuôi trồng của mình, khi thất bại thì khó có khả năng đầu tư lại nên họ không dám đầu tư nhiều vào nuôi trồng, chỉ nuôi đơn, nói theo cách của người địa phương là "ăn chắc một vụ".
Thêm một lý do nữa là đa số hộ nghèo đang nợ ngân hàng hay một số tổ chức tín dụng khác, vì vậy họ muốn nuôi tôm để từ đó, họ thu được nhiều tiền để trả nợ. Một vấn đề nảy sinh là với cách nuôi, cách đầu tư như nhóm hộ nghèo thì khó bền vững được vì nếu gặp rủi ro như dịch bệnh thì họ sẽ không còn nguồn nào khác để bù vào, tức là không còn loại thủy sản nào khác để thu hoạch, như vậy sẽ không có khả năng phục hồi về mặt kinh tế, khó đầu tư vào vụ sau cũng như có tiền để trả nợ. Tình trạng này xảy ra rất phổ biến, và họ phải bán đi phần mặt nước của mình để trả nợ. Kết quả là họ đã mất đi diện tích mặt nước của mình.
Ngược lại, đối với nhóm hộ trên nghèo, đối tượng nuôi rất đa dạng và phong phú (tất cả các loài hiện đang được nuôi trồng trên đầm phá trừ rong cau), các phương pháp nuôi cũng đa dạng hơn nhóm hộ nghèo, nuôi xen ghép nhiều đối tượng, đây là hình thức nuôi bền vững kể cả về kinh tế lẫn môi trường (tận dụng các tầng sinh thái của vùng nước, loài này ăn chất thải của loài khác...).
Sự khác biệt trên cũng dễ hiểu, do sự khác biệt về kinh tế gia đình nên dẫn đến sự khác biệt về đầu tư vào nuôi trồng. Riêng chỉ có một điểm chung đáng chú ý, đó là cả 2 nhóm hộ đều chọn tôm là đối tượng ưu tiên, hơn thế nữa, ưu tiên 1 đối với tôm chiếm tỷ lệ khá cao trong cả 2 nhóm hộ.
Tóm lại, tôm là đối tượng được chọn nuôi của đa số hộ dân ở địa phương và lại là đối tượng ưu tiên nhất. Sự khác biệt về lựa chọn phương pháp nuôi (xen ghép nhiều loài) giữa 2 nhóm nghèo và trên nghèo là rất rõ ràng, sự khác biệt đó sẽ dẫn đến sự khác biệt hơn về kinh tế, tức là khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. * Phương thức nuôi trồng
Qua tìm hiểu tại địa phương thì có 3 phương thức NTTS được người dân áp
dụng trên đầm phá, đó là : quảng canh, quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Đối với nuôi quảng canh hay quảng cải tiến, đây là hình thức nuôi phổ biến trong nhân dân địa phương. Thời vụ nuôi có thể 1 hoặc 2 vụ. Nếu 2 vụ thì vụ đầu bắt đầu sau 23/10 âm lịch và thu hoạch vào tháng tư âm lịch, vụ hai bắt đầu vào tháng tư và thu hoạch vào tháng tám âm lịch. Nếu 1 vụ thì có thể bắt đầu vào 23/10 âm lịch hoặc từ tháng 2 và thu hoạch vào tháng tám âm lịch.
Nhìn chung hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến có các đặc trưng: - Mật độ nuôi thấp ( 1-2 con tôm giống/m2 và 1 con cua giống/m2 )
- Sử dụng thức ăn tươi phổ biến
- Nguồn giống nhân tạo là chủ yếu và tận dụng nguồn giống tự nhiên khai
thác từ đầm phá.
- Đối tượng nuôi đa dạng, không những nuôi tôm mà còn cá dìa, cá kình...theo mô hình xen canh
- Công thức xen canh chủ yếu tại địa phương là tôm - cua - cá.
- Phương pháp thu hoạch áp dụng phổ biến là thu tỉa thả bù.
Nuôi bán thâm canh : Là hình thức nuôi bằng giống nhân tạo và sử dụng chủ yếu thức ăn công nghiệp. Hệ thống ao đầm đã được đầu tư một phần về điện, cơ khí, thủy lợi,... để chủ động nguồn nước, xử lý và khống chế môi trường như hệ thống máy bơm, máy sục khí. Diện tích ao từ 0,5-1,5 ha, mật độ thả giống từ 10-15 con/m2 mực nước từ 1,2-1,4m. Năng suất đạt từ 1-2 tấn/ha/vụ.
Kết quả điều tra về phương thức nuôi trồng thuỷ sản thể hiện ở bảng 5 dưới đây:
Bảng 5: Tỷ lệ các phương thức nuôi trồng thuỷ sản theo diện tích
Kỹ thuật nuôi
TLchung hộ áp dụng(%)
Nhóm hộ nghèo Nhóm hộ trên nghèo
TL hộ áp dụng (%) DTBQ/hộ ( m2) TL hộ áp dụng (%) DTBQ/hộ ( m2)
Quảng canh 86,6 100 11.600 85,7 13.790
Bán thâm canh 40 0 0 28,5 9.829
Nguồn:Số liệu khảo sát, 2007.
Ta thấy có sự khác biệt trong áp dụng phương thức nuôi giữa nhóm hộ nghèo và nhóm hộ trên nghèo. Cũng do nguyên nhân về kinh tế ( thiếu tiền để đầu tư) mà nhóm hộ nghèo đến nay vẫn chưa chuyển đổi phần nào từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh hay thâm canh, trong khi đó nhóm trên nghèo đã có chuyển đổi, tuy nhiên tỷ lệ hộ chuyển đổi vẫn còn nhỏ.
Cần chú ý đối với nhóm hộ trên nghèo, tỷ lệ hộ áp dụng lớn hơn 100%, điều này có thể giải thích là do trong các hộ điều tra thì có những hộ áp dụng cả 2 phương thức nuôi quảng canh và bán thâm canh, những hộ này thường có 2 ao trở lên.
Xu hướng những năm trở lại đây là chuyển dần từ hình thức quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh nhằm tăng năng suất, tuy nhiên diện tích nuôi quảng canh vẫn còn rất lớn (áp dụng trên cả ao đất và ao vây) và số hộ áp dụng vẫn còn nhiều.
Như vậy hình thức nuôi quảng canh vẫn còn được áp dụng phổ biến tại địa bàn nghiên cứu, tuy năng suất thu hoạch của hình thức này chưa cao nhưng đây lại là hình thức nuôi phù hợp với kinh tế và kỹ thuật của người dân ở đây, tức là đòi hỏi không cao về đầu tư kinh tế cũng như kỹ thuật và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.