Y tế giáo dục
4.3.1. Các hình thức về quyền sử dụng
Hiện nay, trên địa bàn nghiên cứu, những vấn đề về quyền sử dụng và các vấn đề khác liên quan đến quyền sử dụng là rất phức tạp. Kết quả điều tra cho thấy có 6 loại quyền sử dụng mặt nước đang tồn tại trên đầm phá như sau:
Mặt nước nhận khoán theo Nghị định 64 : loại mặt nước này nếu tính theo thời
gian và cách thức giao thì có thể chia thành 2 loại.
Loại thứ 1 là loại được giao khoán vào năm 1994, UBND xã Phú Tân đứng ra thực hiện, thời hạn giao là 20 năm, diện tích này trước đây là đất trồng lúa, vào năm 2002 - 2003 thì UBND thị trấn Thuận An ( xã Phú Tân cũ ) có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang NTTS, thu hồi lại phần diện tích đó, chuyển đổi thành ao nuôi rồi giao lại cho người dân theo hình thức bốc thăm. Những ao này hiện tại là ao cao triều.
Ở vùng Giang Sâm thôn Diên Trường có 75 hộ và tất cả các hộ thuộc vùng 36- 39-Cây Đề-Bầu Cột được cấp theo Nghị định 64, và đã có thẻ đỏ (thẻ chung ruộng). Loại thứ 2: là loại mà vào năm 1994, người dân mới khai hoang (thực chất là vây lưới chiếm dụng mặt nước đầm phá) và xin được cấp theo Nghị Định 64 vào năm 1995, thời hạn là 20 năm, có đóng thuế nghĩa vụ hàng năm (đây như là thuế sử dụng đất, nhưng rất thấp: 1-1,5 triệu/ha/năm), cơ quan được ủy nhiệm thực hiện giao là
UBND Huyện Phú Vang. Các hướng dẫn ban đầu về giao mặt nước đầm phá được Huyện ban hành vào năm 1994 như sau:
Diện tích tối đa của một hộ là 1ha
- Ưu tiên cho những đơn xin đăng ký theo nhóm
- Diện tích xin đăng ký phải nằm ngoài những khu vực đã quy hoạch để sử dụng công cộng và phải là khu vực không có tranh chấp
- Phải được xây dựng vùng nuôi trong vòng 2 năm sau khi cấp quyền sử dụng. Quy định này hàm ý việc xây dựng vùng nuôi bằng đê bao (đắp đất). Như vậy hiện nay, những ao nào thuộc loại thứ 2 đã thực hiện theo quy định, đó là đã đắp đê (một phần hay hoàn toàn) và trở thành ao đất (hạ triều).
Mặt nước đấu thầu: Tại thị trấn Thuận an, hiện có 2 loại mặt nước đấu thầu do 2 tổ chức đứng ra cho đấu thầu, đó là UBND xã Phú Tân (nay là thị trấn Thuận An) và thôn, cụ thể là thôn Tân Mỹ. Mỗi tổ chức có một quỹ đất công (quỹ đất này nếu của xã thì do UBND Huyện Phú Vang ủy nhiệm quản lý, nếu của thôn thì do xã ủy nhiệm quản lý), chưa sử dụng, đứng ra cho đấu thầu, ai trúng thầu,tức là người trả giá cao nhất thì có thể được sử dụng phần diện tích đó, coi như có được " quyền sử dụng ".
Thời hạn sử dụng mặt nước đấu thầu thường là ngắn (3 - 5 năm) và cách thức trả tiền tùy 2 bên thỏa thuận, tức trả hết một lần hoặc trả hàng năm. Hết thời hạn thì đấu lại.
Mặt nước chiếm dụng : nói chung, ao vây trong lòng đầm phá hiện nay đa số có nguồn gốc từ chiếm dụng (> 85%), tuy nhiên các ao này vẫn được phép sản xuất với sự cho phép của chính quyền địa phương, trực tiếp là chính quyền Xã mà không có các quyền hợp pháp đầy đủ (theo quy định, Xã không được ủy nhiệm cấp quyền sử dụng đất hay mặt nước).
Mặt nước thừa kế : Hiện tại ở điểm nghiên cứu, mặt nước thừa kế có tồn tại một số trường hợp, tuy nhiên những diện tích này chưa có tính pháp lý (theo luật thừa kế) vì những trường hợp thừa kế ở đây đều không có sự xác nhận của chính quyền địa phương. Trong gia đình, người cha để lại 1 phần hay toàn bộ diện tích mặt nước của
mình cho người con sử dụng mà không một có thủ tục hay giấy tờ xác nhận nào từ chính quyền địa phương.
Mặt nước thuê mướn : hình thức này thì đơn giản, 2 bên thỏa thuận về diện tích, thời hạn và giá cả rồi làm hợp đồng thuê. Ở địa bàn nghiên cứu, những hộ có diện tích mặt nước nhưng không sử dụng nữa vì một số lý do như thiếu lao động, thiếu vốn... nên cho người khác thuê, có thể cho thuê một phần hoặc cho thuê toàn bộ (có thể chia ao của mình thành nhiều phần cho nhiều người thuê).
Loại mặt nước này chủ yếu làm hợp đồng " miệng " giữa bà con hàng xóm với nhau, không có sự quản lý của chính quyền địa phương, và nguồn gốc loại này đa số là mặt nước nhận khoán và chiếm dụng. Có trường hợp thuê của công ty AGA ( rông ty sản xuất rong câu), công ty này được UBND Huyện trao quyền sử dụng 100ha trước năm 1995.
Mặt nước chuyển nhượng: cũng như mặt nước thuê, một bên có diện tích mặt nước nhưng không còn nhu cầu sử dụng hay chỉ sử dụng một phần, còn một bên thì có nhu cầu sử dụng nhưng chưa có diện tích hoặc đã có nhưng muốn có thêm diện tích để nuôi trồng, 2 bên (chủ yếu là hàng xóm láng giềng) thỏa thuận giá cả, làm hợp đồng " miệng " và mua bán trao tay giữa hàng xóm với nhau.
Cũng có trường hợp có sự xác nhận của chính quyền địa phương, tức là có giấy tờ chuyển nhượng giữa 2 bên do chính quyền ký và xác nhận, đo đạc lại diện tích, xác định vị trí ao chuyển nhượng và đổi tên trong danh sách quản lý để thu thuế ( đối với ao có nguồn gốc chiếm dụng đã được hợp thức hóa).
Nguồn gốc của những ao chuyển nhượng này đa số là mặt nước nhận khoán và chiếm dụng. Hiện nay tại địa bàn nghiên cứu, tình trạng mua bán diễn ra rất phức tạp và phổ biến, đa số không có xác nhận của chính quyền địa phương.
Tình trạng chiếm dụng mặt nước hiện nay đã không xảy ra do đã có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương. Trước đây, khi có Nghị Định 64/CP về giao quyền sử dụng đất ra đời năm 1993, và sau đó chính quyền Tỉnh cho phép chuyển đổi vùng đầm phá thành khu vực nuôi trồng thủy sản (1994), lúc đó mặt nước đầm phá còn rộng, nông dân và ngư dân bắt đầu lấn phá làm ao nuôi thủy sản.
Sau đó các chủ nò cá đã thành lập các nhóm để đăng ký cấp phép. Thật ra họ đã chiếm dụng một khu vực phá rộng hơn trong phạm vi nò cá của mình bằng lưới ( không phải bằng đê bao) và rồi tiến hành đăng ký xin quyền sở hữu. Sau một vài năm sản xuất, họ chia ao nuôi lớn thành nhiều phần tách biệt để quản lý (Tôn Thất Pháp, 1998). Năm 1995 được đánh dấu là lần đầu tiên một số vùng đầm phá đã được giao quyền sử dụng, và UBND Huyện là cơ quan đứng ra cấp giấy phép sử dụng. 4 nhóm hộ gia đình ở Phú Tân (do các ông Phan Nhuận, Nguyễn Lộc, Phạm Bích và Lý Trúc Cường đứng đầu) đã được Huyện cấp giấy phép sử dụng (Tôn Thất Pháp và Lê Văn Miên, 2000 . Như vậy, những người vây lưới trên đầm phá để NTTS đã thành công trong việc chiếm dụng mặt nước, và tình trạng đó kéo dài một thời gian, sau này mặt nước đầm phá đã bị thu hẹp bởi những ao vây như vậy thì chính quyền Xã, Huyện đã ngừng hoạt động cấp phép sử dụng.
Theo số liệu từ UBND thị trấn Thuận An, đến nay có khoảng 15ha mặt nước đã có giấy phép sử dụng do UBND Huyện Phú Vang cấp, đó là mặt nước thuộc các vùng Đông đê Nguyễn Huệ (có 2 tổ), vùng tập đoàn 7 (có 1 tổ) và vùng đất đỏ (có 1 tổ). Số còn lại đang hoạt động dưới sự cho phép của chính quyền Xã và đang yêu cầu cấp giấy phép sử dụng. Thực trạng về quyền sử dụng mặt nước của người dân mà ở đây là các hộ NTTS được thể hiện ở bảng dưới đây:
Bảng 6: Các loại quyền sử dụng mặt nước của người dân
Nhóm hộ nghèo Nhóm hộ trên nghèo
Tỷ lệ hộ (%) DTBQ/hộ (m2) Tỷ lệ hộ (%) DTBQ/hộ (m2)
Nhận khoán NĐ 64 50 3.200 67,8 9.608,8
Đấu thầu 50 20.000 3,5 11.116,0
Thuê mướn 0 0 21,4 8.083,3
Mua 0 0 53,5 11.045,3
Kết quả bảng 6 cho thấy, có một sự khác biệt lớn giữa nhóm hộ nghèo và nhóm hộ trên nghèo về quyền sử dụng mặt nước. Trong khi nhóm hộ nghèo sở hữu bình quân 3.200 m2/hộ đối với nhận thầu khoán, con số này là 9.608,8 m2/hộ, gấp khoảng 3 lần đối với nhóm hộ trên nghèo. Một cách trái ngược, diện tích mặt nước được đấu thầu lại tập trung chủ yếu ở nhóm hộ nghèo 20.000 m2/hộ so với 11.116,0 của nhóm trên nghèo.
Khác hẳn với nhận khoán và đấu thầu, diện tích thuê mướn và mua chỉ thấy xuất hiện ở nhóm hộ trên nghèo. Điều này có thể là nhóm hộ trên nghèo có khả năng về tài chính và nhu cầu sản xuất lớn hơn nhóm nghèo.
Như vậy, các quyền sử dụng mặt nước giữa 2 nhóm hộ khác nhau. Phần lớn các quyền sử dụng mặt nước đều được nắm giữ bới nhóm trên nghèo, ngoại trừ đấu thầu.
Để hiểu sâu hơn nữa về thực trạng quyền sử dụng mặt nước tại thị trấn Thuận An, ta có thể xem bảng sau :
Bảng 7: Quyền sử dụng phân theo loại hình mặt nước
Quyền sử dụng Loại mặt nước Ao đất Ao vây Diện tích (m2) % Diện tích (m2) % Nhận khoán 95.900 56,1 75.250 43,9 Đấu thầu 32.500 48,5 34.500 51,5 Thuê mướn 3.500 77,7 1.000 22,3 Mua 26.930 16,7 134.000 83,3
Nguồn : số liệu khảo sát, 2007.
Qua bảng 7 ta thấy rằng, tổng diện tích mặt nước nhận khoán và mua chiếm
phần lớn so với đấu thầu và thuê mướn. Trong đó lớn nhất là 95.900 m2 đối với nhận khoán, 134.000m2 đối với mua.
Thông tin từ các cuộc thảo luận nhóm còn cho thấy: tình hình mua bán mặt nước diễn ra phần lớn đối với ao vây. Ao vây đa số có nguồn gốc lấn chiếm và diện tích trung bình mỗi ao là lớn hơn so với ao đất. Mặt khác, trong những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản đã gặp phải không ít khó khăn nên rất nhiều chủ ao vây đã bán ao (hoặc bán hết hoặc bán một phần cho hàng xóm hay người mới đến). Thêm vào đó sự quản lý của chính quyền là chưa thật hiệu quả nên việc mua bán diễn ra dễ dàng, thủ tục không rườm rà, trao tay là chủ yếu nên tình trạng này kéo dài và ngày một tăng, điều này lý giải cho việc diện tích mặt nước mua bán chủ yếu rơi vào ao vây.
Cho đến nay, chính quyền thị trấn Thuận An - cơ quan trực tiếp quản lý các vấn đề về đầm phá chưa đưa ra những giải pháp nào hữu hiệu để quản lý tốt hơn tình trạng mua bán, trao đổi mặt nước trên, nếu có thì cũng rất bị động, nghĩa là ai mua mặt nước muốn có sự chắc chắn hơn trong quyền sử dụng thì tự động lên chính quyền xác nhận, còn nếu không muốn thì thôi, chính quyền cũng không kiểm soát được.