Một thực trạng là hiện nay ở nước ta là đa số người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, sử dụng tiền nhàn rỗi dưới dạng tích trữ vàng và ngoại tệ. Trong một vài năm trở lại đây, người dân có xu hướng sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư vào bất động sản và thị trường chứng khoán. Một trong những lý do dẫn tới thực trang này là sự thiếu tin tưởng vào khả năng ổn định của nền kinh tế. Do đó để thu hút nguồn nhàn rỗi trong dân cư thì NHNN, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động NH, có chức năng quan trọng là thực hiện hoạch định chính sách tiền tệ quốc gia với mục tiêu: ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, ổn định cán cân thanh toán và giảm thất nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội, nâng cao đời sống người dân, phải có một chính sách tiền tệ hợp lý thông qua các công cụ lãi suất, tỷ giá, thị trường mở…Nhất là trong giai đoạn lạm phát tăng và lãi suất biến động bất thường như hiên nay. Cụ thể, NHNN cần thực hiện các biện pháp:
Thứ nhất, hoàn thiện môi trường pháp lý, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Hiện nay, hoạt động NH tuân theo sự điều chỉnh của Luật NH nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng, ngoài ra còn có nhiều quy định khác. Tuy nhiên, trong các văn bản quy phạm pháp luật này vẫn còn các quy định chưa rõ ràng, như quy định về vốn tự có của NH, quy định về các hoạt động huy động vốn, các quy định về chỉ tiêu hoạt động của NH bị thay đổi quá nhiều trong thời gian ngắn... Điều đó cho thấy những
yếu tố còn thiếu chặt chẽ trong luật và các văn bản dưới luật do NH Nhà nước ban hành. Điều này đòi hỏi các cơ quan ban hành văn bản quy phạm về lĩnh vực NH tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung các văn bản luật và dưới luật một cách có hệ thống, chính xác đảm bảo mọi hoạt động tài chính, tiền tệ, tín dụng đều sự được điều chỉnh của luật pháp, tạo nên một môi trường ổn định về pháp lý và chế độ chính sách của các NH.
Thứ hai, NHNN cần có chính sách về lãi suất, về hạn mức, về dự trữ... hợp lý hơn, khoa học hơn trong từng thời kỳ trên cơ sở bảo vệ quyền lợi cho các NH và khách hàng.
- Trước mắt, NHNN cần đưa ra lãi suất cơ bản và biên độ dao động phù hợp cho từng giai đoạn phát triển kinh tế. Nghĩa là tuỳ thuộc vào tình hình thực tế của tăng trưởng kinh tế, của hoạt động NH để định ra lãi suất cơ bản hợp lý, phù hợp với mối quan hệ cung cầu về vốn và đảm bảo cho các NHTM kinh doanh có lãi.
- Từng bước tiến tới điều hành lãi suất bằng biện pháp tái chiết khấu và nghiệp vụ thị trường mở, bỏ mức lãi suất cơ bản và biên độ dao động cho phép. Cụ thể, thay vì áp dụng lãi suất cơ bản với biên độ giao động cũng mang tính áp đặt về khung lãi suất như quy định lãi suất trần cho vay và sàn huy động của trước kia, NHNN sẽ chỉ công bố lãi suất tái chiết khấu mà NH áp dụng từ đó các NHTM sẽ đưa ra được mức lãi suất phù hợp. Điều này sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh với mức cao hơn giữa các NHTM, tạo thêm sự chủ động linh hoạt và tự chủ trong kinh doanh của các NH. Mỗi NHTM có thể tuỳ thuộc vào vị thế trên thị trường để ấn định mức lãi suất phù hợp hay vì bị kiềm chế bởi khung lãi suất.
- Điều chỉnh chính sách lãi suất theo hướng xoá bỏ dần sự chênh lệch giữa lãi suất nội tệ với lãi suất ngoại tệ, chỉ để một mức chênh lệch hợp lý để cho dân chúng không đổi hết nội tệ sang ngoại tệ dẫn đến sức ép về tỷ giá. Về lâu dài, NHNN cần có biện pháp, chính sách để hạ dần mức lãi suất trong nước, để hoà nhập mặt bằng lãi suất trên thế giới. Điều này sẽ thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn nước ngoài đổ vào trong nước.
NHNN cần chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm làm thất thoát nguồn vốn của Nhà nước, của nhân dân, đưa hệ thống các TCTD đi vào nề nếp và có hiệu quả, nâng cao uy tín của hệ thống NH trong nền kinh tế. Bên cạnh đó cần thường xuyên tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các NHTM và chỉ đạo, hỗ trợ giúp các đơn vị hiện đại hóa NH, trên cơ sở đổi mới công nghệ NH, tạo tiền đề cho các NHTM phát triển mạnh trong hoạt động.
Thứ tư, xây dựng và điều hành một chính sách tiền tệ ổn định và hợp lý hơn trong từng thời kỳ
NHNN cần thực thi các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có việc kiểm soát lạm phát, đảm bảo sự vận hành của hệ thống tài chính tiền tệ có hiệu quả nâng cao sự tín nhiệm của đồng việt nam trong quan hệ tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần phải thực thi chính sách lãi suất và tỷ giá linh hoạt theo quan hệ cung cầu, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kì để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng lãi suất giữa các NH thông qua việc điều tiết lãi suất thị trường theo lãi suất định hướng của mình.
Chính sách này cần phải theo sát với tín hiệu của thị trường, góp phần ổn định giá trị đồng tiền, tạo lòng tin cho người dân yên tâm gửi tiền vào NH, khi đó NH có cơ hội thu hút nhiều nguồn vốn hơn đáp ứng nhu cầu cho vay, đầu tư phát triển kinh tế.
Thứ năm, mở rộng bảo hiểm tiền gửi
Sự an toàn của NHTM luôn là mỗi quan tâm hàng đầu đối với người gửi tiền. Để đảm bảo an toàn (giảm thiểu rủi ro) cho các NHTM, công ty bảo hiểm tiền gửi ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền trong trường hợp rủi ro xảy ra nghĩa là NH bị phá sản. Bảo hiểm tiền gửi ra đời với mục đích sẽ làm tăng niềm tin của quần chúng vào NH, nhằm huy động tối đa lượng tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế, đặc biệt là tiền gửi của dân cư.
NH Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ cho công ty bảo hiểm tiền gửi như bắt buộc các NHTM phải gửi các báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm của mình để công ty bảo hiểm tiền gửi có thể hiểu rõ được hoạt động của NH và có biện pháp cứu trợ kịp thời khi NH gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. NH Nhà nước giám sát hoạt động đóng phí bảo hiểm của các NH và các tổ chức tín dụng khác có thực hiện nghiệp vụ nhận tiền gửi.
Bên cạnh đó, mức bồi thường thiệt hại rủi ro tiền gửi hiện nay vẫn chưa thoả đáng không kích thích khách hàng có cơ số tiền lớn gửi vào NH. NHNN nên có chính sách bảo hiểm tiền gửi giống như chính sách bảo hiểm các tài sản khác. Có như vậy mới giúp khách hàng an tâm gửi tiền và NH có thể huy động được nhiều nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội.