III. Đánh giá thực trạng công tác thẩm định dự án
1. Những thành tựu chủ yếu:
1.2. Công tác thẩm định tương đối bám sát yêu cầu đòi hỏi của từng hình thức dự án
hình thức dự án
Dựa trên những nội dung thẩm định đối với các dự án FDI được quy định trong Luật đầu tư và Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, công tác thẩm định đã được cụ thể hoá, chi tiết tới từng loại hình dự án. Tuy các mặt thẩm định vẫn dựa trên cơ sở những nội dung được quy định chung nhưng việc nhấn mạnh khía cạnh nào, nội dung nào lại được xử lý linh hoạt theo từng hình thức đầu tư và nội dung cụ thể của mỗi dự án. Ví dụ: đối với hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, lợi ích kinh tế - xã hội được đặt lên hàng đầu. Vì vậy trong những dự án loại này, nội dung thẩm định kinh tế -xã hội rất được chú trọng. Trong khi đó, với dự án BOT, bên cạnh mặt kinh tế -xã hội, nội dung thẩm định tài chính dự án đặc biệt được nhấn mạnh. Đây
là điểm khác so với hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Trong dự án BOT, Chính phủ trực tiếp đứng ra ký kết và buộc phải mua sản phẩm theo những điều khoản, giá cả đã thoả thuận. Điều đó có nghĩa là Chính phủ hay nói rộng ra là nhà nước sẽ được hưởng lợi, hoặc trong trường hợp ngược lại sẽ phải gánh chịu những hậu quả trực tiếp do dự án gây ra. Điều này giải thích tại sao đối với những dự án loại này, mặt tài chính của dự án luôn được thẩm định rất kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, việc thẩm định các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thực tế đã được chi tiết hoá và kỹ lưỡng hơn rất nhiều so với nội dung quy định chung trong Luật đầu tư nước ngoài cũng như so với lý thuyết đặt ra. Ví dụ: trong Luật đầu tư nước ngoài, việc thẩm định nội dung các điều khoản của hợp đồng BOT đối với hình thức BOT hay nội dung các điều khoản cuả Điều lệ doanh nghiệp liên doanh đối với hình thức doanh nghiệp liên doanh chưa được xác định là một nội dung chính và quan trọng, chưa được xếp thành một nội dung được thẩm định riêng rẽ mà mới chỉ được gộp vào phần thẩm định hồ sơ dự án. Trong khi đó, việc thẩm định các hợp đồng này lại được xem là một trong những nội dung quan trọng nhất trong công tác thẩm định một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhìn chung, các cơ quan đã thẩm định các dự án một cách kỹ lưỡng, từ những vấn đề chung đến những nội dung phát sinh riêng trong từng dự án cụ thể, dựa trên cơ sở của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và khung lý thuyết chuẩn có sự điều chỉnh và cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình thực tế của dự án.